Nuôi tôm công nghiệp tập trung - hướng đi mới cho người dân ven biển

08:40' - 08/11/2018
BNEWS Nuôi tôm công nghiệp tập trung tại huyện Hải Hậu đang trở thành hướng đi mới cho người dân ven biển tỉnh Nam Định.

Mô hình này mang lại giá trị kinh tế cao, giúp kiểm soát môi trường và hạn chế dịch bệnh cho đối tượng nuôi…

Là một trong 12 hộ tham gia vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại xã Hải Triều, anh Nguyễn Ngọc Minh, thôn Tây Bình cho biết, năm 2017 theo chủ trương của địa phương chuyển đổi diện tích làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế vùng biển và phát triển kinh tế, gia đình anh đã nhận 6.000 m2 để nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao.

Khu nuôi tôm công nghiệp của xã Hải Triều, huyện Hải Hậu. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Anh Minh chia sẻ, tôm là con nuôi rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết và môi trường, vì vậy để hạn chế dịch bệnh cho tôm, tránh thất thu cần kiểm soát môi trường ao nuôi tốt. Với mô hình này, ao nuôi tôm được thiết kế nổi, có diện tích phù hợp, thường chỉ từ 900 - 1.000 m2/ao. Ao nuôi không đào âm xuống nền đất mà dùng tường bao bằng bê tông xi măng vây quanh, xung quanh bờ và đáy ao được phủ kín bằng nilon chuyên dụng.

Giữa mỗi ao được thiết kế một rốn phễu để xả các chất thải trong ao ra ngoài hệ thống lọc, xử lý. Với cách làm này, môi trường trong ao nuôi luôn được làm sạch, tôm ít dịch bệnh hơn. Nước cung cấp cho vùng nuôi được lấy trực tiếp từ ngoài biển vào qua hệ thống lọc và xử lý nguồn nước hiện đại nên tránh tình trạng nhiễm khuẩn chéo giữa các ao nuôi với nhau.

Với thiết kế ao nuôi hiện đại, gia đình anh Minh cũng như 11 hộ dân khác tại khu nuôi tôm công nghiệp có thể nuôi với mật độ từ 200 - 250 con/m3 nước cao hơn nhiều lần so với nuôi theo hình thức quảng canh (nuôi với mật độ từ 50 - 70 con/m3 nước).

Trong điều kiện được chăm sóc tốt, phát triển bình thường, khoảng từ 3 - 4 tháng tôm sẽ đạt khoảng 45 - 50 con/kg. Nếu được mùa, bình quân 1 ao nuôi trong 1 năm cho thu hoạch khoảng 5 tấn tôm. Với giá trung bình 170.000 đồng/kg, doanh thu ước đạt 850 triệu đồng/ao.

Cùng tham gia khu vực nuôi tôm công nghiệp tập trung tại xã Hải Triều, anh Vũ Huy Đệ, xóm Tây Bình cho biết, gia đình anh có 12.000 m2 ao nuôi. Theo anh Đệ, mô hình nuôi tôm công nghiệp vốn đầu tư rất lớn nhưng năng suất và giá trị kinh tế thu được cao gấp nhiều lần so với cách nuôi tôm truyền thống. Vì vậy, nuôi tôm công nghiệp tập trung trở thành hướng đi mang tính bền vững và được người dân vùng biển lựa chọn để đầu tư sản xuất.

Huyện Hải Hậu có 6 xã ven biển. Trước đây, rất nhiều diện tích ở các xã này giành để làm muối và nuôi trồng thủy sản theo phương thức truyền thống, ít được quan tâm đầu tư hạ tầng, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng cũng hạn chế nên năng suất thấp. Các đối tượng con nuôi thường bị dịch bệnh khi thời tiết thay đổi, môi trường vùng nuôi không đảm bảo.

Từ thực tế đó, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Hải Hậu đã ưu tiên phát triển ngành, nghề thế mạnh, áp dụng những mô hình mới cho hiệu quả kinh tế cao, khuyến khích bà con đưa các đối tượng con nuôi phù hợp vào nuôi trồng, tăng cường kiểm soát dịch bệnh nhằm nâng cao hiệu quả.

Xã Hải Triều, huyện Hải Hậu có 100 ha nuôi trồng thủy sản với 250 hộ nuôi. Trước đây, người dân chủ yếu nuôi tôm, cá, cua theo phương thức truyền thống, ít đầu tư xây dựng ao đầm và hệ thống cấp nước, xử lý chất thải nên kết quả kinh tế trong lĩnh vực nuôi trồng phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết, dịch bệnh.

Những năm gần đây, nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng, đã có 40 hộ đầu tư cải tạo ao đầm chuyển sang nuôi tôm công nghiệp.

Xã cũng đã quy hoạch, hình thành 2 khu nuôi tôm công nghiệp tập trung với diện tích mỗi khu trên 10 ha. Cùng với việc quy hoạch lại vùng nuôi, xã cũng đã chuyển 40 ha làm muối sang nuôi thủy sản, khuyến khích bà con nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại.

Ông Trần Minh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Triều khẳng định: "Mô hình nuôi tôm công nghiệp tập trung mang lại giá trị kinh tế vượt trội so với nghề làm muối và nuôi trồng theo phương thức cũ. Do đó, địa phương tập trung nghiên cứu xây dựng hệ thống cấp nước từ biển vào các vùng nuôi.

Đồng thời, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất con giống tại chỗ đảm bảo nguồn giống cung cấp cho vùng nuôi và hướng đến xây dựng các cơ sở chế biến thủy, hải sản trên địa bàn đảm bảo tính bền vững và từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất".

Ông Vũ Văn Luyện, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Hải Hậu cho hay, hiện nay các xã ven biển huyện Hải Hậu đang tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, làm muối năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản. Trên địa bàn đã hình thành nhiều khu nuôi tôm công nghiệp tập trung cho hiệu quả kinh tế cao, trở thành điểm nhấn kinh tế tại các xã ven biển.

Tính đến hết năm 2017, toàn huyện Hải Hậu đã chuyển đổi 1.081 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; trong đó, có 270 ha nuôi tôm công nghiệp tập trung (tôm thẻ chân trắng) ở vùng ven đê các xã: Hải Nam, Hải Phúc, Hải Đông, Hải Hòa…

Thời gian tới, Hải Hậu chủ trương phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch tập trung. Huyện tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng đồng bộ các công trình thủy lợi, công trình điện, giao thông để mở rộng các vùng nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn.

Huyện Hải Hậu phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc chuyển đổi những diện tích đất làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; nghiên cứu, kêu gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống, chế biến../.

Xem thêm:

>>Thị trường xu hướng có lợi cho ngành tôm

>>Ngành nuôi tôm Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục