Nuôi tôm siêu thâm canh: Hướng đi triển vọng của ngành tôm Cà Mau

14:07' - 25/08/2017
BNEWS Làm cách nào để tạo lực đẩy cho ngành tôm Cà Mau là vấn đề được đặt ra và phương pháp nuôi siêu thâm canh tôm công nghiệp công nghệ cao đang được xem là hướng đi triển vọng của địa phương?

Sản lượng tôm nuôi những tháng đầu năm 2017 của tỉnh Cà Mau tuy tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, song chưa đạt mục tiêu đề ra. Làm cách nào để tạo lực đẩy cho ngành tôm Cà Mau là vấn đề được đặt ra và phương pháp nuôi siêu thâm canh tôm công nghiệp công nghệ cao đang được xem là hướng đi triển vọng của địa phương, nơi có diện tích nuôi trồng thủy sản đứng đầu cả nước.

Triển vọng tôm siêu thâm canh

Diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh hiện ổn định khoảng 278.000 ha; trong đó phải kể đến sự phát triển khá nhanh của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh gần 400 ha, năng suất bình quân trên 22 tấn/vụ/ha, cá biệt có hộ 30 tấn/vụ/ha. Năm 2017, tỉnh đặt mục tiêu đạt khoảng 500 ha nuôi tôm siêu thâm canh, sản lượng khoảng 10.000 tấn. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, sản lượng đạt mốc 22.000 tấn. Năm 2030, tổng diện tích nuôi lên đến 2.000 ha, năng suất 25 tấn/ha, sản lượng đạt 50.000 tấn trong tổng số 415.000 tấn tôm.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh Cà Mau một số mô hình liên kết, hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp với người nuôi theo hình thức doanh nghiệp hỗ trợ người nuôi tiếp cận vốn, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng giống, vật tư đầu vào… Hiện toàn tỉnh có 49 hợp tác xã thuỷ sản, từ đầu năm đến nay, có 8 doanh nghiệp ký kết 27 lượt hợp đồng liên kết với 8 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đánh giá, mục tiêu phát triển đã trở nên khả quan, bởi hiện nay tỉnh đã có 2 quy trình nuôi được áp dụng bởi hai công ty là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh (đã được chứng nhận) và Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, người dân có nhiều cải tiến 2 quy trình trên cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Hiện tại, 2 quy trình nuôi này được đánh giá khá phù hợp và mang lại nhiều ưu điểm với tỷ lệ thành công trên 80%.

Cụ thể, quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn ít thay nước theo công nghệ của Công ty Trúc Anh có ưu điểm là diện tích các công trình phụ trợ không lớn, hạn chế ô nhiễm môi trường do ít thay nước; chỉ sử dụng vi sinh nên sản phẩm không bị nhiễm kháng sinh, hoá chất.

Đến nay, công ty đã ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật nuôi cho 7 hợp tác xã với 24 hộ nuôi, tổng diện tích 11,76 ha theo loại hình siêu thâm canh. Ngoài ra, quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam có ưu điểm là tôm tăng trưởng nhanh do thay nước liên tục với tỷ lệ thay nước lớn.

Nổi bật nhất hiện nay phải kể đến mô hình nuôi theo quy trình Biofloc mà hợp tác xã nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (huyện Cái Nước) triển khai thành công. Quy trình này được xem là ưu việt, bởi nuôi được nhiều vụ trong năm, kiểm soát được dịch bệnh và đặc biệt là hạn chế ô nhiễm môi trường; khắc phục được tình trạng tôm thẻ chân trắng thường xuyên đào bới đáy ao, dẫn đến sau một thời gian thả nuôi nguồn nước trong ao đầm bị đục, làm cho môi trường bị biến động, tiềm ẩn xảy ra rủi ro thiệt hại.

Xã viên hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng mua tấm bạt chuyên dùng về trải cho ao đầm nuôi tôm công nghiệp. Anh Huỳnh Diện, Chủ nhiệm hợp tác xã nảy ra ý tưởng dùng lưới mành thay thế cho bạt chuyên dùng và sáng kiến này được anh Nguyễn Văn Dương, xã viên, áp dụng thí điểm.

Với diện tích ao nuôi tôm thẻ chân trắng 1.600m2, tiền trải lưới mành tính ra giảm khoảng 1/3 chi phí so với sử dụng bạt chuyên dùng. Không dừng lại đó, anh Dương còn áp dụng hình thức thả tôm nuôi theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, anh thả nuôi trong diện tích 200m2, sau gần 1 tháng thì chuyển tôm nuôi xuống ao trải lưới mành, mật độ thả nuôi lên đến 150 con/m2, cao hơn gấp 3 lần so với ao đất.

Kết quả, sau gần 3 tháng chăm sóc, tỷ lệ tôm nuôi đạt đầu con khá cao, trọng lượng trung bình 40 con/kg và cho thu hoạch được hơn 4 tấn, trừ chi phí có lãi trên 200 triệu đồng.

Ông Châu Công Bằng cho biết, ngành đang tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp để tạo đột phá cho ngành tôm từ đây đến cuối năm cũng như những năm tiếp theo; trong đó, khẩn trương triển khai các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án đã được duyệt.

Theo đó, tập trung rà soát, xác định những quy hoạch trọng tâm, trọng điểm và những khâu mũi nhọn, có vai trò đột phá như: xác định khu vực nuôi tôm thâm canh tập trung quy mô lớn dọc theo tuyến của Công ty N.G Việt Nam đến Công ty Việt Úc, tuyến Sông Đốc - Mỹ Bình... hay như khu sản xuất thuỷ sản công nghệ cao, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Những bài học rút ra

Theo cảnh báo của ngành chuyên môn, từ thực tế những năm gần đây nuôi tôm theo hình thức công nghiệp, và giờ đây là nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nếu không thực hiện khép kín quy trình, tập trung vào vùng nuôi thì sẽ dễ dẫn đến gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng.

Bên cạnh đó, dù ngành nuôi tôm ở Cà Mau là loại hình sản xuất đặc thù, nhưng đến giờ địa phương vẫn chỉ áp dụng Quy chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp vào việc đánh giá chất lượng nước thải trong nuôi trồng thủy sản mà chưa có quy chuẩn riêng để so sánh. Điều này xem ra là chưa phù hợp, sát thực tế.

Để nghề nuôi đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, ông Châu Công Bằng nhấn mạnh, phải tuyệt đối phải gắn với bảo vệ môi trường, nhất là đối với loại hình nuôi siêu thâm canh.

Theo đó, cụ thể từng quy trình nuôi sẽ có những quy định cụ thể về điều kiện bảo vệ môi trường. Đối với hộ có kế hoạch chuẩn bị nuôi, phải đảm bảo đủ điều kiện mới cho phép nuôi. Đối với những hộ đã nuôi, sẽ tiến hành rà soát, đối chiếu và yêu cầu bổ sung các điều kiện đúng quy định mới được tiếp tục nuôi...

Ngoài ra, ngành nông nghiệp hiện đã có kế hoạch phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và địa phương hỗ trợ người dân trong tiếp cận vốn, cung ứng điện phục vụ sản xuất, tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, vật tư thuỷ sản, hỗ trợ trong chế biến và xuất khẩu thuỷ sản… để nghề nuôi tôm không chỉ phát triển nhanh mà còn bền vững.

Hiện nay, hình thức nuôi siêu thâm canh đang phát triển khá nhanh, bởi hiệu quả sản xuất khá cao cả về năng suất và tính ổn định của nghề nuôi. Tuy nhiên, nhiều bài học từ thực tế đã qua vẫn còn nguyên giá trị đối với ngành tôm Cà Mau. Đó chính phát triển manh mún, rất khó kiểm soát trên nhiều lĩnh vực, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, làm lãng phí đầu tư hạ tầng, để lại những hậu quả nghiêm trọng…

Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải yêu cầu làm tốt, làm nghiêm việc kiểm tra, thẩm định kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp, đặc biệt là hình thức nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao.

“Hộ nào chưa đủ các điều kiện cần thiết đảm bảo theo loại hình nuôi siêu thâm canh thì không được thả nuôi. Không để một hộ, một diện tích nào nuôi tự phát, nhỏ lẻ, không nằm trong quy hoạch. Nơi nào để người dân tự phát nuôi siêu thâm canh, không đảm bảo các điều kiện mà vẫn thả nuôi thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh", ông Hải nói.

Với những nổ lực và chiến lược phát triển ngày một bài bản, ngành tôm Cà Mau đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển không chỉ nhanh mà còn bền vững. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành ngư - nông - lâm nghiệp giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng lĩnh vực ngư - nông - lâm nghiệp giai đoạn 2017-2020 bình quân hằng năm đạt khoảng 4%; giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân đạt khoảng 4,1%; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân đạt khoảng 4,2%.

Đồng thời, theo Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, dự kiến giai đoạn 2017-2020, tổng vốn đầu tư cho ngành tôm Cà Mau là 21.952 tỷ đồng; giai đoạn 2020-2030 là 28.473 tỷ đồng, từ nhiều nguồn khác nhau. Đây hứa hẹn sẽ là bước đột phá đối với ngành tôm - ngành hàng chủ lực không chỉ của địa phương mà còn của cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục