Ô nhiễm ánh sáng: "Sát thủ" tiềm ẩn đối với sức khỏe con người

08:17' - 19/05/2018
BNEWS Với tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề ô nhiễm ánh sáng ngày càng gia tăng, gây những tác động tiêu cực đối với sức khỏe, đời sống người dân.

 Đặc biệt, tại những thành phố lớn, việc sử dụng quá nhiều đèn chiếu sáng trong các lĩnh vực giao thông, quảng cáo... khiến mức độ ô nhiễm ánh sáng ngày càng báo động.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khảo sát tại các con hẻm cho thấy, phần lớn đều sử dụng các loại đèn tròn, đèn huỳnh quang loại 0,6-1,2 m, đèn halogen, compact. Đi kèm với hệ thống đèn chiếu sáng là các loại chóa đèn (chao đèn) cũ kỹ, tự chế bằng nhôm, không có bộ phản quang, khoảng cách giữa các đèn cũng tùy tiện, có khi lắp ngay tại ban công của một hộ gia đình.

Tình trạng này dẫn đến chất lượng chiếu sáng không đồng đều, có những nơi được chiếu sáng quá mức do lắp đèn công suất lớn hoặc chiếu sáng sai mục tiêu như không chiếu sáng đường mà chiếu vào nhà, trên tường, hướng lên trời gây ô nhiễm ánh sáng nghiêm trọng. Việc sử dụng đèn không đúng độ sáng yêu cầu, vượt công suất cần thiết cũng gây ra hiện tượng chói, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông tại các con hẻm này.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bá, chuyên gia nghiên cứu môi trường, ô nhiễm ánh sáng là việc lạm dụng ánh sáng nhân tạo quá mức cần thiết so với khả năng chịu đựng ánh sáng của con người và môi trường. Ô nhiễm ánh sáng phát sinh trong quá trình hoạt động kinh tế, sinh hoạt của con người, tác động đến con người một cách âm thầm và nguy hiểm.

Một số loại ánh sáng quá sức chịu đựng của con người thường gặp trong cuộc sống như ánh sáng của bóng đèn dây tóc phát ra nhiệt độ cao gây tổn thương về thị lực và ảnh hưởng đến da, ánh sáng ở que hàn, đèn hàn tác động mạnh đến mắt, có thể làm giảm thị lực hoặc gây mù hoàn toàn. Tại những khu công nghiệp, ánh sáng của lò cao, ánh sáng trong các xí nghiệp đúc thổi bóng đèn thủy tinh ảnh hưởng rất lớn đến mắt.

Ánh sáng ở các biển quảng cáo, đặc biệt là biển quảng cáo sử dụng đèn led cũng góp phần đáng kể vào hiện tượng ô nhiễm ánh sáng thành phố. Theo khảo sát của phóng viên, tại vòng xoay Phù Đổng Thiên Vương, Hàng Xanh, Điện Biên Phủ, ngã sáu Dân Chủ có đến hàng chục biển quảng cáo lớn nhỏ khác nhau.

Mỗi biển có kiểu chiếu sáng khác nhau theo hướng từ dưới lên hay từ trên xuống, chiếu ngang hoặc tỏa xung quanh tùy theo đèn huỳnh quang được lắp vào hộp quảng cáo, không có sự khống chế về góc chiếu. Ngay cả hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố cũng đang gây ô nhiễm ánh sáng, nhiều cần đèn có góc chếch không phù hợp cộng với các chóa đèn không đảm bảo ngăn tia sáng không cần thiết dẫn đến tình trạng ánh sáng hắt ngang vào nhà dân hoặc chiếu lên trời.

Theo các bác sĩ chuyên ngành mắt, phần lớn công nhân, sinh viên, nhân viên văn phòng là nạn nhân bị triệu chứng khó ngủ, mất ngủ, rối loạn nhịp sinh học bởi ánh sáng đèn điện. Nhiều bệnh nhân là nhân viên văn phòng thường xuyên đi khám vì ánh đèn điện gây chói mắt, nhức đầu, khó chịu, thậm chí không thể chợp mắt được vào buổi trưa.

Những khu vực được chiếu sáng quá mức gây chói mắt, làm giảm độ tinh tế, khả năng nhận biết màu sắc, khả năng nhận biết độ tương phản của mắt. Việc tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng làm gia tăng nguy cơ rối loạn nhịp độ sinh hoạt, ảnh hưởng đến khả năng ngủ và thức dậy đúng giờ của con người, đồng thời tác động lên các quá trình chuyển hóa của cơ thể. Bên cạnh đó, ô nhiễm ánh sáng có thể gây mất ngủ, suy nhược cơ thể, ung thư và các bệnh về tim mạch.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện FV, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Theo nghiên cứu của Trường đại học Harvard, ánh sáng xanh từ màn hình các thiết bị điện tử như điện thoại di động, màn hình máy tính, ánh sáng ở đèn led cũng như có ở ánh sáng tự nhiên có thể làm thoái hóa điểm vàng, võng mạc, cườm nước ở mắt, làm giảm thị lực dẫn đến mù lòa.

Tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh sẽ gây ra hội chứng máy vi tính khiến mắt người cứ nhìn thấy ánh sáng xanh nhấp nháy. Ánh sáng xanh cũng làm rối loạn giấc ngủ, gây ra các bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì…

Theo các nhà nghiên cứu về môi trường, ở khu vực có quá nhiều ánh sáng nhân tạo, cây cối khó phát triển. Trước đây, người dân cũng đã phản ánh tình trạng ruộng lúa bị hư hại bởi đèn cao áp của cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Cụ thể, vào năm 2010, hơn 50 ha lúa của người dân các xã Thanh Phú, Mỹ Yên, Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An nằm dọc đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương không trổ bông theo thời vụ, các nhà khoa học xác định nguyên nhân là do ánh sáng của dàn đèn cao áp trên cao tốc liên tục rọi xuống ruộng lúa. Ngoài ra, những khu vực ánh sáng được chiếu sáng cả đêm gây tác động lớn đến động vật ăn đêm như cú, dơi, một số loại chim làm các động vật này phải di chuyển đến nơi khác, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học.

Đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bá cho rằng: Cần có quy định khung giờ bật sáng đối với biển quảng cáo trên đường, tại các tòa nhà cao tầng. Bên cạnh đó, tăng cường trồng cây để tán xạ ánh sáng, sử dụng các vật liệu tán xạ ánh sáng ở các căn nhà, công trình lớn.

Ở các công trình công cộng cần chuyển sang sử dụng đèn có lồng cách nhiệt và giảm công suất chiếu sáng ngoài trời, sử dụng bóng đèn có lồng cách nhiệt tốn ít công suất, tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, khuyến khích người dân tận dụng ánh sáng tự nhiên, sử dụng đèn có ánh sáng trắng, đèn LED, chỉ bật đèn khi cần thiết; sử dụng đèn với các chức năng như hẹn giờ, làm mờ đèn hoặc có chức năng kiểm soát cường độ ánh sáng đối với những không gian không cần chiếu sáng nhiều.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai, để giảm tác hại của ánh sáng xanh, mọi người có thể sử dụng kính đeo mắt có phủ lớp lọc ánh sáng xanh, dùng miếng chắn lọc ánh sáng xanh ở màn hình máy tính, laptop... Để hạn chế tác hại của ánh sáng xanh ngoài tự nhiên, khi ra ngoài cần đeo kinh râm sẫm màu. Ngoài ra, tránh tiếp xúc gần và lâu với các loại ánh sáng có nhiệt độ cao, không tắt đèn khi sử dụng các thiết bị điện tử, không sử dụng các thiết bị điện tử 2 giờ trước khi đi ngủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục