Ông Rishi Sunak đã thắng cử chức Thủ tướng Anh như thế nào?

11:41' - 25/10/2022
BNEWS Ông Rishi Sunak, 42 tuổi, sẽ trở thành vị Thủ tướng thứ 3 của Anh chỉ trong chưa đầy 2 tháng và là Thủ tướng da màu đầu tiên đồng thời là Thủ tướng trẻ nhất "xứ sương mù" trong hơn 200 năm qua.

Ngày 24/10, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết ông Rishi Sunak sẽ trở thành Tân Thủ tướng Anh vào ngày 26/10, sau khi diện kiến Vua Charles III vào sáng cùng ngày. Ngay sau đó, ông Rishi Sunak sẽ có bài phát biểu tại Nhà số 10 phố Downing (Văn phòng Thủ tướng).

Trước đó, theo phóng viên TTXVN tại London, lúc 14h05 ngày 24/10 (giờ địa phương), Chủ tịch Ủy ban 1922 Graham Brady tuyên bố cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ nước này. 

 

Ông Brady cho biết ông Sunak là ứng cử viên duy nhất đạt đủ số phiếu ủng hộ tranh cử lãnh đạo. Điều này đồng nghĩa với việc ông sẽ trở thành Thủ tướng thứ 57 của Anh.

Quy trình bầu cử Thủ tướng Anh

Theo tin từ Quochoitv.vn, ngay sau khi bà Liz Truss tuyên bố từ chức Thủ tướng Anh, Ủy ban 1922 của đảng Bảo thủ Anh, cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng, đã ra thông báo về quy chế bầu chọn lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ, và cũng chính là tân Thủ tướng Anh.

Quá trình đề cử các ứng cử viên bắt đầu từ tối ngày 20/10 và kết thúc vào lúc 14h ngày thứ Hai, 24/10 theo giờ địa phương. 

TTXVN đưa tin theo quy định mới của đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh, các ứng cử viên tranh chức thủ lĩnh đảng sẽ cần sự ủng hộ của 100 nghị sĩ. 

Yêu cầu này cao hơn nhiều so với cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng mùa Hè vừa qua mà bà Lis Truss đã giành chiến thắng khi các ứng cử viên chỉ cần sự ủng hộ của 20 nghị sĩ để ra tranh cử. 

Với tổng số 357 nghị sĩ đảng Bảo thủ, điều này có nghĩa sẽ chỉ có tối đa 3 ứng cử viên tranh cử. Nếu chỉ có 1 ứng cử viên giành đủ sự ủng hộ, vị trí lãnh đạo đảng được xác định vào ngày 24/10, ngày kết thúc việc đề cử ứng viên. 

Nếu có hơn 1 ứng cử viên đủ điều kiện, thủ lĩnh mới của đảng sẽ được công bố vào ngày 28/10 sau khi các nghị sĩ đảng lựa chọn 2 ứng cử viên cuối cùng để các thành viên đảng bỏ phiếu trực tuyến tiến tới quyết định ai là người chiến thắng.

Người dân Anh có trực tiếp bầu lãnh đạo?

Theo Zingnews, người dân Anh không trực tiếp bầu lãnh đạo. Cụ thể, nước Anh được chia ra 650 khu vực bầu cử. Người dân sẽ bỏ phiếu chọn ra ứng viên đại diện cho địa phương của họ trở thành nghị sĩ quốc hội.

Đảng nào chiếm đa số ghế trong quốc hội sẽ thành lập chính phủ, và lãnh đạo đảng đó sẽ mặc nhiên trở thành thủ tướng.

Mặc dù có thể lập liên minh để tập hợp thêm nhiều ghế, hệ thống bầu cử của Anh thường là cuộc đua giữa hai đảng lớn nhất là đảng Bảo thủ và Công đảng, và sẽ có một đảng duy nhất chiếm đa số, như đảng Bảo thủ trong quốc hội Anh hiện tại.

Toàn bộ 20 thủ tướng Anh kể từ năm 1922 đều đến từ một trong hai đảng Bảo thủ hoặc Công đảng. 

Ông Rishi Sunak - Thủ tướng trẻ nhất nước Anh trong vòng 200 năm qua là ai?

Theo TTXVN, ông Rishi Sunak, 42 tuổi, sẽ trở thành vị Thủ tướng thứ 3 của Anh chỉ trong chưa đầy 2 tháng và là Thủ tướng da màu đầu tiên đồng thời là Thủ tướng trẻ nhất "xứ sương mù" trong hơn 200 năm qua.

Thủ tướng trẻ nhất nước Anh sinh năm 1980 tại Southampton, Anh. Ông Sunak là con cả trong gia đình có 3 người con với cha mẹ là người gốc Punjab, Ấn Độ, theo báo Sky News. 

Cha mẹ ông đều sinh ra ở châu Phi nhưng đã di cư đến Anh vào thập niên 1960. Cha ông là một bác sĩ gia đình còn mẹ ông điều hành một hiệu thuốc.

Báo Thanh Niên cho biết ông Rishi Sunak lấy bằng cử nhân liên ngành triết học, chính trị và kinh tế (PPE) tại trường Lincoln thuộc Đại học Oxford (Anh) và sau đó lấy bằng MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) tại Đại học Stanford (Mỹ). 

Chính tại Stanford, ông đã gặp người vợ tương lai của mình - Akshata Murthy - con gái của tỉ phú Ấn Độ N. R. Narayana Murthy, nhà sáng lập tập đoàn công nghệ Infosys. 

Theo báo The Times của Anh, vợ chồng ông Sunak đứng ở vị trí 222 trong danh sách những người giàu nhất nước Anh năm 2022, với khối tài sản ròng lên đến 730 triệu bảng Anh. Họ có hai con và theo nhiều tờ báo, họ sở hữu nhà ở London, Yorkshire và California.

Cũng theo Báo Thanh Niên, trước khi bước vào chính trường, ông Sunak từng làm việc cho ngân hàng đầu tư Goldman Sachs với vai trò chuyên gia phân tích từ năm 2001 đến năm 2004. Sau đó, ông chuyển sang làm việc cho một công ty quản lý các quỹ đầu cơ ở London, rồi cùng các đồng nghiệp cũ thành lập một lập một quỹ đầu cơ mới tại California.

Sự nghiệp chính trị của ông Sunak bắt đầu vào năm 2015 khi ông gia nhập hạ viện với tư cách nghị sĩ đại diện khu vực Richmond ở Yorkshire. Cuộc chiến lớn đầu tiên của ông ở Điện Westminster chính là Brexit - ông là người ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU) với tuyên bố Anh sẽ "tự do hơn, công bằng hơn và thịnh vượng hơn" nếu không còn ở trong khối.

Phe của ông giành chiến thắng và ông đã dành phần lớn thời gian ngồi ở ghế nghị sĩ hỗ trợ các các cuộc đàm phán của Thủ tướng Theresa May cho đến khi được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Nhà ở vào tháng 1/2018. Sau khi bà May từ chức, ông Sunak đã ủng hộ ông Boris Johnson lên làm thủ tướng.

Trong một bài viết trên Zingnews cho biết, trước đây, Đạo luật Quốc hội Nhiệm kỳ cố định năm 2011 đặt ra thời gian cố định cho các cuộc tổng tuyển cử. Tuy vậy, Đạo luật Giải tán và Triệu tập Quốc hội năm 2022 của Anh đã bãi bỏ thời gian cố định, thay vào đó đặt ra hạn chót cho cuộc tổng tuyển cử tiếp theo là trước tháng 1/2025.

Zingnews viết việc nước Anh liên tục "thay tướng" nhưng chỉ do nội bộ đảng cầm quyền quyết định, nhiều người dân Anh tự hỏi vì sao họ không có cơ hội tác động đến việc chọn ra nhà lãnh đạo. Do đó, những lời kêu gọi tổng tuyển cử sớm được cho là sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Tuy nhiên, ngày 24/10, TTXVN đăng tin cho biết ông Rishi Sunak, người sẽ trở thành Thủ tướng Anh, khẳng định ưu tiên hàng đầu của ông là đảm bảo ổn định kinh tế, tiếp đó là thực hiện các cam kết của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2019. Trong bài phát biểu trước các nghị sĩ đảng Bảo thủ, ông Sunak cũng loại trừ khả năng tổ chức tổng tuyển cử.

Sau thông tin ông Sunak sẽ trở thành Thủ tướng Anh, chứng khoán châu Âu và Mỹ đã đồng loạt tăng điểm. Cụ thể, tại châu Âu, chỉ số EURO STOXX 50 tăng 1,7% lên 3.537,16 điểm, trong khi chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 0,6% lên 7.014,28 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) đã lần lượt tăng 1,8% và 1,9% lên 12.957,93 điểm và 6.147,93 điểm. Cùng chung xu hướng này, tại New York (Mỹ), chỉ số Dow Jones tăng 0,6% lên 31.263,39 điểm.

Tỷ giá đồng bảng Anh so với đồng USD đã cũng tăng từ mức 1 bảng đổi 1,1258 USD vào ngày 21/10 lên 1 bảng đổi được 1,1285 USD./.

>>>Anh: Lãnh đạo đảng Bảo thủ Rishi Sunak tuyên bố ổn định kinh tế là ưu tiên hàng đầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục