OPEC+ dự định thảo luận cắt giảm thêm sản lượng dầu

08:29' - 03/06/2023
BNEWS Ngày 2/6, nguồn tin trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) cho biết dự định sẽ thảo luận cắt giảm sản lượng dầu thêm khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày trong cuộc họp vào ngày 4/6.

Tuy nhiên, đây có thể chỉ là một trong số các lựa chọn được đưa ra.

 

Thông tin trên trái ngược với nhận định của giới phân tích cho rằng OPEC+ sẽ không thay đổi chính sách sản lượng hiện nay trong cuộc họp sắp tới, bất chấp sự sụt giảm gần đây của giá dầu do những lo ngại ngày càng tăng về kinh tế vĩ mô.

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn lời của các nhà phân tích thuộc hãng tư vấn năng lượng toàn cầu Energy Espects nhận định, tại cuộc họp ngày 4/6, OPEC+ sẽ không có sự thay đổi nào trong chính sách hạn ngạch hiện nay, đặc biệt khi đã ra quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện hồi tháng 4 vừa qua. Các nhà phân tích của Energy Espects nói rõ: "Saudi Arabia và OPEC+ sẽ tiếp tục thận trọng và nhanh chóng thực hiện các biện pháp bổ sung nếu những điều kiện vĩ mô tiếp tục xấu đi. Nhưng thời gian cho một động thái như vậy vẫn chưa được xác định".

Đây cũng là nhận định của chiến lược gia Giovanni Staunovo đến từ ngân hàng UBS (Thụy Sĩ). Theo ông Staunovo, OPEC+ sẽ không thay đổi chính sách sản lượng trong cuộc họp tới đây, vì nhóm vừa mới đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện cách đây không lâu và cần có thêm thời gian để nhìn thấy rõ tác động lên cán cân cung-cầu thị trường. Ngoài ra, cũng phải kể đến những lo ngại của thị trường hiện nay về đà tăng trưởng kinh tế yếu ớt ở Mỹ và Trung Quốc.

Ngân hàng MUFG của Nhật Bản và ngân hàng Emirates NBD của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng dự báo OPEC+ sẽ không điều chỉnh sản lượng, do thị trường dầu mỏ sẽ thắt chặt trong nửa cuối năm. Theo nhà phân tích Ehsan Khoman tại MUFG, OPEC+ có thể sẽ đưa ra một thông điệp "diều hâu" nhưng sẽ không thực hiện thêm một đợt cắt giảm nào nữa.

Ông Jorge Leon, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách nghiên cứu thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, thì đánh giá: "Tác động của giá dầu cao hơn đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ đè nặng tâm lý của các bộ trưởng OPEC+. Giá dầu tăng sẽ làm gia tăng thêm lạm phát ở phương Tây và khiến các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất, động thái bất lợi cho nền kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu dầu mỏ".

Gần đây, Phó Thủ tướng Nga  Alexander Novak cũng đã nói rằng OPEC+ có khả năng sẽ duy trì các mục tiêu sản lượng hiện nay tại cuộc họp sắp tới.

Từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent đã giảm khoảng 15%, do tăng trưởng kinh tế yếu tại các quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới như Mỹ và Trung Quốc đã kéo lùi triển vọng về nhu cầu nhiên liệu. Việc kinh tế Trung Quốc phục hồi không đồng bộ và lo ngại về nguy cơ vỡ nợ công ở Mỹ thời gian qua đã đè nặng áp lực lên giá dầu, bất chấp quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện hồi tháng 4 của OPEC+. Theo hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects, phục hồi không đồng bộ của kinh tế Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với thị trường dầu mỏ thế giới.

Sau quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện 1,16 triệu thùng/ngày trong cuộc họp hồi tháng 4, hiện OPEC+ đang thực thi chính sách cắt giảm tổng cộng 3,66 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục