OPEC họp bàn cắt giảm sản lượng

09:43' - 05/02/2020
BNEWS Ngày 4/2, thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đã nhóm họp tại trụ sở của tổ chức ở Vienna (Áo).
Một giếng dầu ở tỉnh Hasakah, Syria, ngày 5/11/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 4/2, thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đã nhóm họp tại trụ sở của tổ chức ở Vienna (Áo), thảo luận cách thức ứng phó đối với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) khởi phát từ Trung Quốc gây ra và tác động của dịch bệnh này đối với nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.

Cuộc họp diễn ra sau khi giá dầu thô giảm đáng kể do nhu cầu dầu ở Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu mỏ khổng lồ - sụt giảm do dịch bệnh. Trước đó, Bộ Dầu mỏ Iraq, nhà sản xuất lớn thứ hai của OPEC, cho biết khối đang xem xét cắt giảm thêm sản lượng dầu thô.

OPEC cho biết tại cuộc họp, Đại sứ Trung Quốc bên cạnh Liên hợp quốc ở Vienna Vương Quần đã thông báo về các biện pháp ứng phó với dịch bệnh của Bắc Kinh.

Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo  tái khẳng định sự ủng hộ của tổ chức đối với Trung Quốc, đánh giá cao các nỗ lực xử lý khủng hoảng dịch bệnh của nước này.

Hiện OPEC đang cân nhắc việc tổ chức sớm cuộc họp cấp bộ trưởng trong tháng 2 này để thảo luận về kế hoạch cắt giảm sản lượng, thay vì tháng 3 như kế hoạch trước đó.

Từ đầu năm tới nay, giá dầu đã giảm 10 USD/thùng xuống mức khoảng 56 USD/thùng, thấp hơn mức mà nhiều quốc gia OPEC cần để cân bằng ngân sách. OPEC+ mới đây cũng đã quyết cắt giảm nguồn cung để trợ giá dầu mỏ với mức cắt giảm 1,7 triệu thùng/ngày cho tới cuối tháng 3/2020.

Về tác động của tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đối với kinh tế Mỹ, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow  cho rằng dịch bệnh này có thể làm trì hoãn việc thực hiện thỏa thuận thương mại giao đoạn 1 giữa hai nước, cụ thể Trung Quốc sẽ chậm trễ trong nhập khẩu hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng nhận định dịch bệnh sẽ ảnh hưởng không đáng kể đến nền kinh tế Mỹ.

Tháng 1/2020, Mỹ và Trung Quốc nhất trí một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nước, trong đó Bắc Kinh đồng ý nhập khẩu thêm khoảng 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong 2 năm tới, bao gồm sản phẩm nông nghiệp và chế tạo.

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh do virus 2019-nCoV hiện nay đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc và tác động đến thỏa thuận giữa hai bên.

Hiện ngày càng xuất hiện nhiều quan ngại dịch bệnh sẽ tiếp tục làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, vốn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong suốt năm trước đó.

Ngày 4/2, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass thông báo thể chế tài chính này sẽ hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2020, xuất phát từ tình hình thực tế dịch bệnh đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, sản xuất tại "công xưởng thế giới" Trung Quốc, gây ra tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng toàn cầu.

Theo dự báo trước đó của WB, kinh tế toàn cầu trong năm 2020 sẽ đạt mức tăng trưởng 2,5%, tăng 0,1% so với năm 2019. Tuy nhiên, dự báo mới sẽ sớm được công bố sau khi WB tiến hành tham vấn nhiều kênh liên quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục