Phần lớn nhà sản xuất Malaysia chưa tận dụng RCEP, CPTPP

11:04' - 17/03/2023
BNEWS Chỉ 11% các nhà sản xuất Malaysia đang tận dụng cả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo Khảo sát về điều kiện kinh doanh của Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia (FMM) trong nửa cuối năm 2022, 66% trong số 745 người được hỏi trả lời họ biết về các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong khi đó, 9% số người được hỏi đang tận dụng RCEP được triển khai vào tháng 3/2022 và 3% đang tận dụng CPTPP được triển khai vào tháng 11/2022.

Theo Chủ tịch FMM Soh Thian Lai, 77% số người được hỏi vẫn chưa bắt đầu tận dụng các FTA này.

Phát biểu họp báo tại Trụ sở FMM ngày 16/3, ông Soh cho biết 41% số người được hỏi viện dẫn lý do không biết bắt đầu từ đâu, cho thấy những người được hỏi bị thiếu thông tin hoặc định hướng chính sách về các FTA này.

 
Theo Chủ tịch FMM, 33% số người cho biết đang tận dụng các FTA khác và tỷ lệ miễn thuế thấp hơn, 16% không có các hoạt động nhập khẩu hoặc xuất khẩu và 6% phàn nàn về quy trình nộp đơn thiếu hấp dẫn.

Ông cho rằng mặc dù RCEP và CPTPP đã được triển khai nhưng kiến thức về các hiệp định này vẫn còn hạn chế, đặc biệt là đối với các nhà xuất khẩu. Các hiệp hội thương mại và chính phủ cần thúc đẩy mạnh mẽ RCEP và CPTPP để họ có thể tận dụng cơ hội lớn này cho xuất khẩu.

Theo lãnh đạo FMM, về quan điểm đối với chính phủ mới của Thủ tướng Anwar Ibrahim, đa số (59%) cho biết còn quá sớm để đánh giá tác động của bất kỳ thay đổi chính sách nào, trong khi 33% phản hồi tích cực. Tuy nhiên, hầu hết những người được hỏi (68%) hy vọng chính phủ mới sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh về thuế của Malaysia thông qua việc giảm dần thuế suất doanh nghiệp.

Ông cho biết “Các nước láng giềng có thuế suất doanh nghiệp thấp hơn như thuế suất doanh nghiệp ở Singapore ở mức 17% và thậm chí con số tương ứng ở Campuchia là 20%. Thuế suất doanh nghiệp ở Indonesia hiện đã giảm xuống còn 22% nhưng con số tương ứng ở Malaysia vẫn ở mức 24%. Tuy nhiên, Malaysia đang thâm hụt ngân sách và ngân quỹ của chính phủ không đủ”.

FMM trước đây đã kêu gọi chính phủ giảm thuế suất doanh nghiệp xuống 20% trong Ngân sách 2023 và ngừng tăng lãi suất cho năm 2023. Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) đã tăng lãi suất chính sách qua đêm (OPR) lần thứ 4 vào tháng 11/2022 thêm 25 điểm cơ bản lên 2,75%.

Khảo sát của FMM cho thấy 55% số người được hỏi phải đối mặt với việc tăng chi phí sản xuất sau khi tăng OPR. Dòng tiền và hoạt động kinh doanh của 44% bị ảnh hưởng, trong khi 26% phải hợp lý hóa hoạt động và chiến lược để tối đa hóa lợi nhuận. 24% khác lo ngại rằng sự thay đổi có thể xảy ra trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng và dòng tiền của họ, trong khi 20% phải giảm chi tiêu vốn.

Theo Chủ tịch FMM, khả năng thanh toán các khoản nợ hiện tại cũng ảnh hưởng đến 19% số người được hỏi nhưng 24% vẫn có thể thanh toán các khoản nợ với dòng tiền lành mạnh để hỗ trợ hoạt động và mở rộng kinh doanh của họ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục