Phát biểu của Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Hơn 150 đại biểu đại diện các nền kinh tế thành viên và Hội đồng tư vấn kinh doanh nghiệp APEC (ABAC) đã tham dự cuộc họp. Trong vai trò Chủ tịch các quan chức cao cấp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự và có bài phát biểu khai mạc cuộc họp.
Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu này.
Thưa ngài Chủ tịch
Cảm ơn ngài đã mời tôi tham dự cuộc họp đầu tiên trong năm 2017 của Hội đồng. Tôi rất vinh dự được tham dự các cuộc họp và tiếp xúc với các thành viên quan trọng của Hội đồng. Đặc biệt, cuộc họp hôm nay là cơ hội quý báu để tôi chia sẻ với quý vị tầm nhìn và kỳ vọng của Việt Nam đối với Diễn đàn APEC, với tư cách nền kinh tế chủ nhà APEC năm 2017.
Thưa ngài Chủ tịch
Chỉ trong vài tháng qua kể từ khi tôi trao đổi với Ngài tại cuộc họp ABAC lần thứ tư năm 2016 tại Lima, Peru, chúng ta đã chứng kiến nhiều bước phát triển và biến động lớn. Bất ổn, khó dự báo và thách thức là những từ ngữ chúng ta thường xuyên sử dụng trong những ngày này để đánh giá về tình hình hiện nay. Tăng trưởng toàn cầu tiếp tục yếu và mong manh. Thương mại toàn cầu tiếp tục trì trệ, đầu tư chưa khởi sắc. Chủ nghĩa bảo hộ và cái nhìn tiêu cực đối với toàn cầu hoá đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới.
Nhưng đây không phải là thời khắc để chúng ta tuyệt vọng. Điều cần làm bây giờ là củng cố vai trò của APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu, là cơ chế khởi xướng ý tưởng và động lực của tăng trưởng, thương mại và đầu tư khu vực. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại những đóng góp của Diễn đàn APEC đối với sự phục hồi của khu vực kể từ cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế 2008 -2009.
Cộng đồng doanh nghiệp luôn có vai trò then chốt trong hợp tác APEC, vào những thời điểm thuận lợi cũng như khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng sống còn trong việc giúp chúng ta vượt qua những thách thức hiện nay.
Chúng ta dựa vào doanh nghiệp và đặc biệt là ABAC để thu hút sự tham gia và tư vấn cho các thành viên APEC trong việc đối phó với những khó khăn hiện nay và thúc đẩy nghị trình tự do hoá thương mại và đầu tư của APEC.
Thưa Ngài Chủ tịch
Đúng một thập niên sau lần đầu tiên đăng cai tổ chức Năm APEC 2006, Việt Nam tự hào được một lần nữa được đăng cai Diễn đàn trong năm nay. Những thập niên đổi mới và hội nhập tích cực đã giúp Việt Nam đóng góp hiệu quả hơn cho hợp tác APEC.
Kinh nghiệm tham gia mạng lưới thỏa thuận thương mại tự do (FTA) rộng khắp với hầu hết các nền kinh tế APEC, cũng như những thành công trong thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm, đều là những câu chuyện hữu ích Việt Nam có thể chia sẻ.
Cam kết của Chính phủ Việt Nam thúc đẩy chính phủ hành động, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng sẽ góp phần vào các nỗ lực chung của APEC về tạo môi trường kinh doanh cởi mở hơn cho doanh nghiệp và người dân. Các nỗ lực cải cách cơ cấu, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chính sách, thể chế và cải cách hành chính của Việt Nam đều phù hợp với các mục tiêu APEC đang theo đuổi.
Trong một năm nhiều thách thức như hiện nay, chúng tôi tin tưởng APEC cần thể hiện sức sống, sự năng động và khả năng ứng phó. Diễn đàn cần gánh vác vai trò lãnh đạo toàn cầu trong đối phó với các thách thức hiện nay, đồng thời duy trì vai trò khởi xướng ý tưởng, động lực của đổi mới sáng tạo, của hội nhập và tăng trưởng kinh tế khu vực.
Chúng tôi tin tưởng APEC có tiềm năng, năng lực và khả năng thích ứng để làm được điều đó. Những quyết sách và hành động của APEC là rất cần thiết để doanh nghiệp có thể khai thác hiệu quả hơn thị trường trị giá hàng tỷ USD của châu Á-Thái Bình Dương, trên khắp các lĩnh vực dịch vụ, hậu cần, y tế, thương mại điện tử, năng lượng tái tạo…, qua đó tạo công ăn việc làm và thịnh vượng cho xã hội.
Với niềm tin đó, chúng tôi đã chọn chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung".
Để triển khai chủ đề này, đồng thời bảo đảm tính tiếp nối của hợp tác APEC và trên cơ sở nhu cầu thực tế của các bên tham gia APEC, Việt Nam đã đề xuất bốn ưu tiên để tiếp thêm năng lượng và sức sống cho hợp tác APEC, trong đó có thể kể đến những kiến nghị cộng đồng doanh nghiệp đề xuất lên Lãnh đạo APEC năm vừa qua trên các vấn đề tăng trưởng chất lượng, kết nối, cải cách cơ cấu, dịch vụ và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Như tôi đã có dịp chia sẻ với quý vị tại Hội nghị ABAC lần thứ 4 năm 2016 tại Lima, Peru tháng 11 vừa qua, bốn ưu tiên chúng tôi đã đề xuất gồm: Một là, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Hai là, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong kỷ nguyên số; và Bốn là, tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tôi rất vui mừng nhận thấy chương trình nghị sự của ABAC năm nay đã phản ánh những ưu tiên này. Tôi có thể bảo đảm rằng lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục là một trọng tâm của chương trình nghị sự APEC, và APEC sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Thưa ngài Chủ tịch
2017 hứa hẹn là một năm bận rộn. Chúng ta chỉ còn gần 9 tháng phía trước, hay chính xác là 257 ngày từ nay cho đến Tuần lễ cấp cao APEC tại thành phố Đà Nẵng, nơi các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC sẽ gặp gỡ, định hướng cho Diễn đàn tiến lên phía trước.
Cộng đồng doanh nghiệp sẽ và cần phải tham dự tích cực vào Đối thoại ABAC với các nhà Lãnh đạo cũng như Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp (CEO Summit).
Chúng tôi cũng sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế Việt Nam, với hi vọng các doanh nghiệp sẽ tham gia, tìm hiểu các cơ hội đầu tư và thương mại với Việt Nam.
Trong vai trò chủ nhà, chúng tôi kêu gọi thành viên ABAC và toàn thể cộng đồng doanh nghiệp APEC tham gia các sự kiện nay ở cấp cao nhất. Sự hiện diện của lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu lớn, các doanh nghiệp khởi nghiệp và MSMEs sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ về lòng tin và sự cam kết của cộng đồng doanh nghiệp đối với APEC, với vai trò là diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực. Ý tưởng và các kiến nghị của quý vị trong cả năm nay sẽ giúp định hình định hướng chính sách của APEC trong những năm sắp tới.
Chúng tôi cũng hy vọng quý vị sẽ trao đổi và khuyến khích Lãnh đạo các nền kinh tế của quý vị tới thành phố Đà Nẵng. Việc các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC cùng khẳng định cam kết thúc đẩy thương mại và đầu tư, thị trường mở, cũng như nguyện vọng hợp tác để bảo đảm APEC vì người dân và doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Đóng góp của quý vị, thông qua ABAC hay các kênh khác, cũng như trực tiếp đối với lãnh đạo và chính phủ của quý vị, có ý nghĩa then chốt trong hình thành một thông điệp từ các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC đến với khu vực và thế giới.
Cuối cùng, chúng tôi mong muốn cộng tác với cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là ABAC trong việc hình thành chương trình nghị sự thực chất của APEC. Nếu APEC là nơi khởi xướng ý tưởng và chính sách cho khu vực, thì có thể nói ABAC chính là nơi khởi xướng ý tưởng cho APEC.
Trong năm nay, Việt Nam mong muốn sẽ nhận được nhiều sáng kiến, ý tưởng, kiến nghị về các kết quả cụ thể, hướng tới đạt được các Mục tiêu Bogor và thực hiện các chiến lược, kế hoạch tổng thể và kế hoạch hành động đã được các Lãnh đạo thông qua để củng cố liên kết khu vực, mở rộng kết nối, thúc đẩy tăng trưởng chất lượng và cải cách cơ cấu.
Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao đóng góp của quý vị để định hình Tầm nhìn APEC sau 2020. Trong bối cảnh APEC chuẩn bị bước vào thập niên thứ tư, đã đến lúc chúng ta cần trao đổi thực chất về tương lai chung và đưa ra tầm nhìn cho một “quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ XXI”. Chúng tôi hy vọng cộng đồng doanh nghiệp sẽ có tầm nhìn của mình đối với APEC, và trông đợi sự tham dự tích cực của quý vị trong tiến trình này, bao gồm tại Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tiếp theo mà chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức.
Thưa ngài Chủ tịch
Một lần nữa, tôi xin cảm ơn Ngài đã cho tôi cơ hội được tham dự cuộc họp quan trọng này. Xin chúc cuộc họp thành công tốt đẹp!
Xin cảm ơn./.
- Từ khóa :
- APEC 2017
- SOM APEC 2017
- Bùi Thanh Sơn
- Bộ Ngoại giao
- APEC
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
APEC 2017: Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai
11:58' - 21/02/2017
Ngày 21/2, tại thành phố Nha Trang đã diễn ra Hội thảo “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai”.
-
Kinh tế Việt Nam
APEC 2017: Phiên họp chính thức Tiểu ban về Thủ tục hải quan
10:06' - 21/02/2017
Từ ngày 21 - 23/2, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Tổng cục Hải quan Việt Nam chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Tiểu ban về Thủ tục hải quan (SCCP).
-
Kinh tế Việt Nam
APEC 2017: Cuộc họp lần thứ 11 Nhóm công tác ứng phó khẩn cấp thiên tai (EPWG)
13:42' - 20/02/2017
Cuộc họp lần thứ 11 Nhóm công tác về ứng phó khẩn cấp thiên tai (EPWG-Emergency Preparedness Working Group) vừa được Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức tại Nha Trang.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam đã sử dụng 5,9 triệu liều vaccine dịch tả lợn châu Phi
16:19'
Nhiều tỉnh đã từng có dịch bệnh rất nghiêm trọng như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh… nhưng sau 1-2 tháng sử dụng vaccine, dịch bệnh đã được kiểm soát, khống chế tốt.
-
Kinh tế Việt Nam
Bố trí vùng nuôi cá lồng bè phù hợp với quy hoạch không gian biển
13:30'
Thời gian gần đây, nghề nuôi cá lồng bè đối mặt với không ít khó khăn, hiệu quả kinh tế giảm sút, cần những giải pháp đồng bộ nhằm giúp cho ngành nghề phát triển bền vững hơn.
-
Kinh tế Việt Nam
Thu hồi số tiền hơn 26.215 tỉ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế
13:06'
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26/11, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam và Đan Mạch chia sẻ tầm nhìn về năng lượng sạch và bền vững
09:57'
Ngày 25/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch như A.P Moller-Maersk, doanh nghiệp vận tải biển, logistics, Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch.
-
Kinh tế Việt Nam
Metro Bến Thành - Tham Lương được đề xuất chuyển sang thực hiện bằng vốn ngân sách
09:55'
Dự án metro Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng, với phần lớn là vốn vay ODA (khoảng 37.487 tỷ đồng). Chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh.
-
Kinh tế Việt Nam
Đầu tư toàn diện, tạo luồng sinh khí mới cho các vùng quê
08:20'
Dự kiến đến hết năm 2024, Vĩnh Phúc sẽ hoàn thành 100% mục tiêu kế hoạch về xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
-
Kinh tế Việt Nam
Đưa kỹ thuật mới vào khai thác tiềm năng hải sản nước mặn
08:08'
Để hỗ trợ bà con nuôi thủy sản thành công, địa phương đặc biệt chú trọng tập huấn, hội thảo, chuyển giao kỹ thuật, kết hợp với xây dựng những mô hình nuôi phù hợp, hiệu quả
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
20:42' - 25/11/2024
Chiều tối 25/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”
20:41' - 25/11/2024
Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.