Phát triển nguồn gen quý hiếm khôi tía làm nguyên liệu sản xuất thuốc

09:35' - 19/02/2017
BNEWS Nguồn gen khôi tía quí hiếm khi sản xuất thành thuốc có thể giúp cho những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày nhanh chóng khỏi bệnh và có sức khỏe tốt.

Sau gần 4 năm thực hiện đề tài cấp quốc gia " Khai thác và phát triển nguồn gen khôi tía làm nguyên liệu sản xuất thuốc", nhóm nghiên cứu Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) đã trồng và chăm sóc khoảng 9.800 cây, thu hoạch được 9.874 kg lá khôi tía làm nguyên liệu sản xuất thuốc.

Cây khôi tía mọc rất ít trong rừng rậm ở một số vùng núi cao thuộc một số tỉnh miền núi Tây Bắc và Trung du. Tại Thanh Hóa, cây khôi tía mọc chủ yếu ở một số huyện miền núi như Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Như Thanh...

Cây ưa bóng dưới tán rừng rậm ẩm ướt. Thân cây khôi tía mọc thẳng, cao khoảng 1-2 mét, lá màu tím đỏ, tập trung ở đầu ngọn hay các nhánh bên. Thành phần cây khôi tía có tannin và glucosid có công dụng làm giảm độ acid dạ dày, giảm đau, làm lành vết viêm, loét của dạ dày, các hoạt tính kể trên của cây khôi tía cao hơn tinh bột nghệ tới 6-7 lần.

Lá cây khôi tía được người dân tộc Dao, Tày, Mường… khai thác và sử dụng nhiều làm bài thuốc chữa đau dạ dày, nhưng lại không được trồng bổ sung, dẫn đến nguồn gen khôi tía đang dần bị hao hụt.

Trước thực trạng trên, Trường Đại học Hồng Đức đã thành lập nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài do ông Lê Anh Sơn, Phó trưởng bộ môn Động Vật, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ xanh, trường Đại học Hồng Đức làm chủ nhiệm.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra các giai đoạn nghiên cứu như xác định thời vụ gieo hạt đến lúc hái lá, bảo quản hạt giống, kiểm nghiệm đánh giá dược liệu gen khôi tía.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được 2 vườn giống gốc với diện tích 500 m2 (600 cây) tại vườn thực nghiệm của trường Đại học Hồng Đức và 500 m2 (500 cây) nằm dưới tán rừng tại Vườn quốc gia Bến En, kích thước cây đồng đều, phát triển tốt, không bị sâu bệnh.

Nhóm nghiên cứu còn kết hợp, chăm sóc và trồng nhiều cây giống vào mô hình vườn rừng của 20 hộ gia đình tại xã Tân Bình, huyện Như Xuân và 6 hộ gia đình tại xã Hải Vân; 16 hộ tại thị trấn Bến Sung; 1 hộ gia đình ở xã Tân Kỳ huyện Như Thanh, Thanh Hóa.

Đến đầu năm 2017, Trường Đại học Hồng Đức đã kết hợp với các hộ dân trồng và thu hoạch khoảng 9.800 cây khôi tía, trong đó 7.206 cây cho thu hoạch lá lần đầu; 998 cây cho lần 2; 873 cây cho lần 3.

Các sản phẩm sau khi thu hoạch đã cung cấp cho Viện kiểm nghiệm thuốc trung ương, Công ty dược CADDUCO và bán cho tư thương với tổng số lá khôi tía thu hoạch được là 9.874 kg.

Chủ nhiệm đề tài Lê Anh Sơn, cho biết: Nguồn gen khôi tía này khi sản xuất thành thuốc có thể giúp cho những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày nhanh chóng khỏi bệnh và có sức khỏe tốt.

Trong năm 2017, Trường Đại học Hồng Đức tiếp tục nghiên cứu, nhân giống khôi tía cung cấp cho các đơn vị nhằm tạo ra sản phẩm thuốc như viên hoàn, viên nén, viên nang và cao lá từ nguyên liệu lá khôi tía, để phục vụ cho sức khỏe mọi người dân khi bị bệnh viêm loét dạ dày.

Cách làm này cũng góp phần bảo tồn nguồn gen khôi tía và nâng cao thu nhập cho các hộ dân trồng cây khôi tía này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục