Phát triển cây bưởi ở vùng đất bãi ven sông Hồng

09:40' - 01/06/2018
BNEWS Những năm gần đây, diện tích trồng bưởi của huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng được mở rộng.

Việc trồng, chăm sóc bưởi được người dân nơi đây áp dụng những kiến thức kinh nghiệm quý và công nghệ tiên tiến trong trồng trọt, sản xuất theo hướng tập trung hơn. Từ đó, biến những vùng đất bãi nghèo nàn, các vườn tạp trước đây trở thành những mảnh vườn sai trĩu quả, mang lại thu nhập cao hơn nhiều lần so với các cây trồng khác.
Cách đây khoảng 10 năm, một số hộ gia đình ở vùng đất bãi ven sông Hồng thuộc địa bàn huyện Vĩnh Tường đã đưa cây bưởi, chủ yếu là cây bưởi Diễn về trồng tập trung tại quê hương. Các hộ này cũng học hỏi kinh nghiệm, kiến thức để trồng, chăm sóc bưởi sao cho hiệu quả cao nhất đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của các đầu mối thu mua, của người tiêu dùng.

Sau vài năm đầu đưa cây vào trồng, cây bưởi của các hộ phát triển tốt, cây cho quả đẹp, chất lượng sản phẩm cao, được người tiêu dùng ưa chuộng….Nhờ đó, cây bưởi ngày càng được nông dân Vĩnh Tường quan tâm, tìm hiểu để nhân rộng diện tích.
Xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường cây bưởi Diễn đã bén duyên và trở thành cây đặc sản, nhiều hộ gia đình ở đây có thu nhập cả trăm triệu đồng từ cây bưởi. Người tiên phong trong việc đưa bưởi Diễn về đất Vĩnh Ninh chính là chị Nguyễn Thị Nụ, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Ninh.
Năm 2006, khi đến thăm nhà người thân, chị Nụ đươc gia chủ mời ăn một loại bưởi rất ngon và chị đã tìm hiểu đây là giống bưởi Diễn, sau đó chị tìm mua đúng cây bưởi của đất Phú Diễn đưa về trồng vườn nhà mình.
Sau một thời gian theo dõi cộng với việc chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây bưởi phát triển nhanh, năng suất và chất lượng quả năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016, với 35 gốc bưởi trong vườn nhà chị Nụ cho thu hoạch hơn 3.000 quả mẫu mã đẹp, chất lượng cao, tổng thu nhập từ vườn bưởi nhà chị là hơn 90 triệu đồng. Hiệu quả từ việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang trồng bưởi Diễn đã thấy rõ, chị Nụ bàn với gia đình trồng thêm 65 gốc bưởi Diễn, trên diện tích trên 1.200 m2.
Theo chị Nụ và người dân ở địa phương, kỹ thuật trồng rất quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng, mẫu mã quả…Thông thường cứ mỗi sào trồng được 20 gốc, hàng cách hàng 5,5m, cây cách cây 4,5m để cây bưởi có đủ điều kiện về ánh sáng cho cây quang hợp, phát triển…
Từ hiệu quả kinh tế cao của cây bưởi, đồng thời thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, huyện Vĩnh Tường đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, khuyến khích người dân tập trung trồng thâm canh cây bưởi tăng thu nhập, làm giàu chính đáng, nhất là ở các xã vùng bãi ven sông Hồng.

Năm 2017, với Đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất bưởi theo chuỗi giá trị tại Vĩnh Phúc” quy mô 100 ha do Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai, Vĩnh Tường là huyện được nhận hỗ trợ về giống, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo bước phát triển mới cho cây bưởi trên địa bàn huyện.
Tính đến nay, diện tích trồng bưởi của huyện Vĩnh Tường đạt gần 90 ha, chiếm gần 18% tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện, tập trung chủ yếu ở các xã vùng bãi như: Vĩnh Ninh, Phú Đa, Phú Thịnh, Vĩnh Thịnh… Trong đó, giống bưởi được trồng chủ yếu là bưởi Diễn với diện tích gần 50 ha, chiếm gần 57%.

Cây bưởi từ 7 đến 10 năm tuổi hàng năm thường đạt từ 100 đến 200 quả, chăm sóc tốt năng suất cao hơn nữa. Giá bán hiện nay thông thường từ 20 đến 25.000 đồng/quả (Loại 1) và tính toán của người dân mỗi ha bưởi 7 đến 10 năm tuổi chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nông dân có thể thu trên dưới 1 tỷ đồng/ha/năm.
Theo đánh giá của giới chuyên môn và người dân địa phương thì ngoài điều kiện đất đai thích hợp thì sản phẩm bưởi bthu hoạch không ồ ạt tập trung, quả hái xuống có thể để để được vài tuần, sản phẩm ngon, an toàn và được đánh giá cao toàn diện…Đây là những ưu điểm vượt trội mà các cây trồng khác hiếm có.
Để đẩy mạnh phát triển cây bưởi, đồng thời xây dựng được thương hiệu bưởi của Vĩnh Tường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và người sản xuất, Vĩnh Tường đã quyết định thành lập Hội trồng bưởi của huyện.
Vì vậy, ngày 27/5/2018, Hội trồng bưởi huyện Vĩnh Tường đã tổ chức Đại hội lần thứ I (2018-2023). Hội trồng bưởi huyện Vĩnh Tường phấn đấu tiếp tục tập hợp người trồng bưởi và những người có nhu cầu trồng bưởi trên địa bàn tham gia vào tổ chức hội, với tổng số khoảng 200 hội viên.
Hội sẽ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào thực tế sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho hội viên; phối hợp tổ chức các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm; xây dựng được nhãn hiệu bưởi Vĩnh Tường, tiếp tục mở rộng diện tích cây bưởi.../.

>>>Để bưởi da xanh "rộng đường" xuất khẩu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục