Phát triển công trình giao thông trọng điểm - Bài 1: Tìm lợi thế vượt trội để đột phá

08:22' - 16/12/2022
BNEWS Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhìn nhận, mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định là một trong ba đột phá chiến lược.

Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm và nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Một số công trình hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, sân bay quốc tế... được đầu tư thời gian qua đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhìn nhận, mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định là một trong ba đột phá chiến lược.

 

Chính vì vậy, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã và đang xây dựng sẽ góp phần tạo không gian, động lực phát triển mới ở các vùng miền, địa phương và cả nước, giải quyết nút thắt về giao thông vận tải; thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo việc làm cho người dân…

Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài về Phát triển công trình giao thông trọng điểm ghi nhận những thành công mang lại từ các công trình giao thông trọng điểm cũng như những bất cập trong quá trình triển khai và giải pháp để sớm phát huy hiệu quả các công trình.

Bài 1: Tìm lợi thế vượt trội để đột phá

Thực tế cho thấy, những địa phương có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, dịch vụ… luôn có lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, ổn định và bền vững. Việc Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm thời gian qua nhằm khai thác các lợi thế công trình tại mỗi địa phương gắn với lợi thế các vùng kinh tế được kỳ vọng kích thích phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 cũng như tạo không gian phát triển kinh tế mới cho đất nước trong giai đoạn tới.

* “Khơi thông” cánh cửa kinh tế

Hơn 10 năm trước, bức tranh hạ tầng của Quảng Ninh khi đó còn gắn với “3 không” - không đường cao tốc, không sân bay, không cảng tàu biển quốc tế. Tuy vậy, 1 thập kỷ qua, Quảng Ninh đã đột phá mạnh mẽ trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông.

Từ bệ phóng hạ tầng giao thông, trong 6 năm liên tiếp (2016 - 2021), Quảng Ninh gặt hái nhiều trái ngọt khi giữ đà tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ở mức hơn 2 con số, trở thành một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện khu vực phía Bắc.

Quy mô GRDP năm 2021 đạt hơn 238.000 tỷ đồng, đứng thứ 7 cả nước. Với du lịch, lượng khách liên tục tăng trưởng qua các năm để đạt trên 14 triệu lượt năm 2019; trong đó, khách quốc tế đạt 5,7 triệu lượt.

Hay tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai dài 265 km hoàn thành năm 2014 là một phần của đường Xuyên Á đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, nối với đường cao tốc Côn Minh – Hà Khẩu của Trung Quốc và là một hợp phần trong dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của Hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng. Sau khi hoàn thành dự án đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của các địa phương đi qua.

Dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng hoàn thành năm 2015 với tổng chiều dài là 105,5 km đi qua các điạ bàn Thủ đô Hà Nội, Hưng Yên và thành phố cảng Hải Phòng. Đây được xem là trục đường giao thông quan trọng, hiện đại kết nối Hải Phòng với thủ đô Hà Nội, nối liền vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với cụm cảng biển lớn nhất miền Bắc. Dự án đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cả vùng kinh tế tam giác là Hà Nội – Hải Phòng và Quảng Ninh

Nhìn từ bài học của tỉnh Quảng Ninh và 2 tuyến đường cao tốc hoàn thành trên có thể thấy vai trò đặc biệt to lớn của hạ tầng giao thông trong sự phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, việc Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm thời gian vừa qua được xem là cần thiết trong nỗ lực kích thích phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 cũng như tạo không gian phát triển kinh tế mới cho đất nước trong giai đoạn tới.

Danh sách công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải được Quốc hội khóa XV, Chính phủ quan tâm đầu tư gồm 9 dự án và 31 dự án thành phần.

Có thể kể tới các dự án: Ðường Hồ Chí Minh; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, Bến Lức - Long Thành, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh; đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Mới đây, Chính phủ cũng đã bổ sung một số công trình dự án như: các dự án đường bộ cao tốc: Tuyên Quang - Phú Thọ, Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La, Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Dự án nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Dự án xây dựng đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh (kết nối vào nhà ga T3).

Để triển khai các dự án trọng điểm trên, ngày 23/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 884/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải và Thủ tướng làm Trưởng ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo được tổ chức giữa tháng 8 vừa qua do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, các ý kiến đưa ra tại cuộc họp đều có chung nhận định, đây là các dự án hạ tầng giao thông có quy mô rất lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng, vai trò động lực, lan toả mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước, tăng năng lực cạnh canh quốc gia.

Kết luận tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: Kinh nghiệm các địa phương cho thấy, nếu hạ tầng phát triển tốt thì tăng trưởng sẽ cao, như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn quốc hội Tp. Hồ Chí Minh) nhìn nhận, chưa bao giờ ngành giao thông được đặc biệt quan tâm như hiện nay. Giao thông thuận tiện sẽ thúc đẩy giao thông hàng hóa, giúp con người đi lại thuận tiện, từ đó thúc đẩy du lịch phát triển và đặc biệt hơn sẽ làm giảm chi phí logistics, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa - đây vốn là điểm khiến đánh giá năng lực cạnh tranh quốc tế Việt Nam còn rất thấp.

* “Lực đẩy” từ các dự án vành đai, cao tốc

Bắt đầu từ hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Thủ đô Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, Quốc hội, Chính phủ đã dành những nguồn lực tổng thể để thúc đẩy việc hoàn thiện hạ tầng giao thông 2 địa phương này.

Tại Hà Nội, tâm điểm là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8 km đi qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội. Trong khi đó, tại đầu tàu kinh tế Tp. Hồ Chí Minh sẽ đồng loạt triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm với điểm nhấn cũng là dự án Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh dài 76,34 km đi qua Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.

Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải đánh giá, hai dự án vành đai được triển khai tại hai đầu tàu kinh tế sẽ giúp tăng cường kết nối vùng giữa các tỉnh quanh vùng Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh trong vùng Tp. Hồ Chí Minh, giảm thiểu chi phí vận tải, logistics, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.

Phân tích cụ thể hơn, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, dự án Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh kết nối vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - quyết định tới 40% tổng thu ngân sách của cả nước, hay đường Vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội kết nối với vùng Đồng bằng Bắc Bộ và các vùng động lực tăng trưởng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhìn nhận, việc triển khai Vành đai 4 cho phép thành phố điều chỉnh tổng thể quy hoạch Thủ đô để khai thác động lực phát triển đô thị và nông thôn.

Điều đặc biệt đối với dự án này là có lộ giới từ 90-135m, bao gồm lộ giới cho toàn bộ đường sắt quốc gia. Điều này rất quan trọng cho việc đồng bộ hóa đường bộ, đường sắt. Đây đều là những động lực mới mang tầm bứt phá cho Thủ đô Hà Nội.

Các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đã, đang và sắp triển khai cũng được đánh giá là “lực đẩy” kinh tế - xã hội lên tầm cao mới. Cụ thể, ngoài 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016-2020 đang thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải đang gấp rút triển khai tiếp 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trong năm nay.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, cao tốc Bắc – Nam khi hoàn thành sẽ là tuyến đường cao tốc tốt nhất Việt Nam đi qua nhiều địa phương, chạy dọc theo chiều dài đất nước, kết nối rất nhiều cảng biển, cảng hàng không lớn từ Bắc đến Nam.

Đặc biệt, tuyến cao tốc này còn kết nối với nhiều tuyến quốc lộ, khu vực xung quanh tuyến đường cao tốc, các địa phương có thể xem xét để quy hoạch lại các khu kinh tế, khu công nghiệp, dựa vào lợi thế của đường cao tốc để phát triển kinh tế, tạo nguồn công ăn việc làm.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh cao tốc Bắc Nam, một dự án trọng điểm khác là sân bay Long Thành đang được huy động tối đa mọi nguồn lực, thúc đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Dự án kỳ vọng sẽ trở thành nơi trung chuyển trọng điểm trong khu vực, cũng như quốc tế và trở thành một thành phố sân bay đúng nghĩa, sánh ngang với các sân bay hiện đại trên thế giới.

Ngoài những dự án trọng điểm trên, các dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng hứa hẹn mang những lực đẩy mới cho việc nâng cao năng lực vận chuyển, hỗ trợ tích cực phát triển kinh tế thời gian tới và tháo gỡ những hạn chế về hạ tầng giao thông cho khu vực Nam – Trung Bộ - Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu long.

Mới đây nhất, tại cuộc họp trực tuyến lần thứ 3 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết: Giai đoạn 2021-2025, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên dành mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm nguồn vốn đầu tư công Trung ương và địa phương, tăng thu tiết kiệm chi...

Tổng nguồn vốn bố trí giai đoạn này đạt khoảng 470.000 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với giai đoạn 2016-2020. Khối lượng công việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tương ứng cũng lớn gấp 3 lần so với các giai đoạn trước.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mỗi cá nhân, tổ chức, bộ, ngành phải đổi mới cách làm, đổi mới tư duy, nâng cao tinh thần trách nhiệm để triển khai công việc khoa học và hiệu quả. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải kiểm tra, giám sát, chỉ đạo cụ thể, theo dõi tiến độ hằng tháng.

Khi lựa chọn dự án phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vốn đầu tư hạ tầng trọng điểm, công trình có tính lan tỏa, động lực để phát triển kinh tế - xã hội; tuyệt đối không đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt. Thủ tướng giao nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương rà soát kỹ, không khởi công công trình mới khi chưa hoàn thành các công trình còn dở dang, chậm tiến độ nhiều năm, trừ trường hợp cấp bách.

Giải phóng mặt bằng là công việc rất khó khăn, phức tạp, là điểm nghẽn, nút thắt trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng... Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể xã hội, mặt trận Tổ quốc cùng chung tay vào cuộc và nỗ lực thực hiện đúng tiến độ bàn giao mặt bằng sạch, phục vụ thi công theo đúng tiến độ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận vai trò rất quan trọng của Bộ Giao thông Vận tải trong việc hoàn thành tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, tuy nhiên, lo lắng lớn nhất lúc này chính là khả năng hấp thụ vốn, giải ngân vốn đầu tư.

Việc giải ngân mỗi năm từ khoảng 40.000 tỷ đồng tăng lên tới 80.000 tỷ đồng thực sự đòi hỏi Bộ Giao thông Vận tải phải có cách làm khác biệt, sự chuẩn bị kỹ càng về nguyên vật liệu, đội ngũ nhân lực chất lượng cao, trách nhiệm tham gia của các chủ thể liên quan./.

Bài 2: Dồn nguồn lực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục