Phát triển ngành chế biến nông sản Việt Nam xứng tầm với khu vực và quốc tế

08:08' - 30/01/2020
BNEWS Phát triển ngành chế biến nông sản Việt Nam xứng tầm với khu vực và quốc tế là tựa đề bài viết của Bộ trưởng Bộ NN PTNT Nguyễn Xuân Cường dành riêng cho cuốn sách "Dự báo 2020: Phá hủy/Tái thiết".
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Phát triển ngành chế biến nông sản Việt Nam xứng tầm với khu vực và quốc tế là tựa đề bài viết của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường dành riêng cho cuốn sách "Dự báo 2020: Phá hủy/Tái thiết" do TTXVN xuất bản, mua bản quyền nội dung của tổ chức truyền thông quốc tế Project Syndicate.

TTXVN trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn bài viết:

Trong 10 năm trở lại đây công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm đạt khoảng 5-7%, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,3 tỷ USD, đứng thứ hai Đông Nam Á, thứ 13 trên thế giới với 10 nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ; trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ đô la Mỹ.

Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu có công suất thiết kế đảm bảo chế biến trên 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản mỗi năm.

Ngoài ra, hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp cả nước thực hiện sơ chế và chế biến chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội địa, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Những thành tựu quan trọng nói trên của ngành nông nghiệp Việt Nam có được là việc ban hành các chính sách về công nghiệp nói chung và về công nghiệp chế biến nông sản nói riêng hết sức đúng đắn, hiệu quả và kịp thời của Đảng và Nhà nước; quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ và ngành nông nghiệp.

Việc áp dụng các loại hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, mô hình kinh tế hộ…) đã tạo ra một khối lượng hàng hóa nông sản phong phú đáp ứng đủ cho tiêu dùng nội địa và dành một phần lớn cho xuất khẩu.

Việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tích cực xúc tiến thương mại, tháo dỡ rào cản đã mở ra thị trường thế giới rộng lớn tiêu thụ nông sản Việt Nam với trên 185 nước và vùng lãnh thổ.

Trong đó, các doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam đang là những tác nhân quan trọng, là đầu tàu trong việc dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã quan tâm và triển khai dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; trong đó có những doanh nghiệp hiện đại hàng đầu thế giới với công nghệ chế biến tiên tiến về rau quả, tôm, cá tra, giết mổ gia súc gia cầm, cà phê, đồ gỗ...

Riêng trong 2 năm 2018, 2019 đã có 30 dự án với số vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD được khởi công và một số đã hoàn thành đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng, còn bộc lộ một số nút thắt tồn tại trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Đó là: Doanh nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Năng lực chế biến một số ngành hàng còn thấp, cơ sở chế biến phần lớn quy mô nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ; Chất lượng của nguyên liệu và sản phẩm chế biến không ổn định, còn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên giá bán nông sản Việt Nam thấp so với các nước khác.

Tổ chức liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.

Trình độ công nghệ chế biến nông sản nhìn chung chưa cao, cơ giới hoá, tự động hóa còn hạn chế, năng suất thấp, giá thành sản xuất và tổn thất sau thu hoạch cao; sản phẩm chủ yếu còn thô (tính chung khoảng 70%), chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú nên việc nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam còn hạn chế.

*Cơ hội phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản Việt Nam trong thời gian tới

Thứ nhất, tiềm năng tiêu thụ nông sản rất lớn của thị trường trên thế giới: Theo đánh giá của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNIDO), công nghiệp chế biến thực phẩm toàn cầu có tổng quy mô thị trường: Năm 2015 đạt 6.300 tỷ USD, dự kiến năm 2020 sẽ đạt 7.700 tỷ USD; tình hình phát triển trong 3 năm (2017, 2018 và 2019) vừa qua có sự phát triển cao và tương đối ổn định ở mức 4,8 -5,1%/năm và khả năng đạt 5,4% vào năm 2020.

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên thế giới trong giai đoạn tới tiếp tục tăng lên. Trong giai đoạn 2018-2026, tiêu dùng thịt, cá dự báo thịt tăng 1,24%/năm và 1,49%/năm, nhu cầu nông sản làm nguyên liệu chế biến nhiên liệu sinh học tăng bình quân 3-5%/năm, tiêu dùng gỗ chế biến làm nội thất tăng 10,6%/năm. Chỉ tính riêng tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ rau quả của thế giới đã lên tới 2.200 tỷ USD/năm.

Về quy mô các thị trường nông sản toàn cầu, theo UNIDO, hiện nay thế giới có 15 thị trường lớn với quy mô trên 100 tỷ USD để Việt Nam tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại, tháo dỡ rào cản phát triển các thị trường này. Trong đó, quy mô khu vực có châu Âu là thị trường lớn nhất, tiếp đến là Châu Á và Bắc Mỹ; quy mô quốc gia, có thị trường lớn nhất là Trung Quốc với 1.173,9 tỷ  USD và Mỹ với 1.166,3 tỷ USD...

Hai là, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhất là đã ký kết và thực hiện 13 Hiệp định thương mại (FTAs) đa phương, song phương và đang tiếp tục đàm phán thêm.

Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được thị trường khu vực và thị trường toàn cầu, cũng như tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước thuận lợi hơn. Xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam sẽ được gia tăng nhờ phần lớn các rào cản và điều kiện trong buôn bán đã được cam kết dỡ bỏ, chủ yếu là các hàng rào thuế quan.

Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp thu khoa học công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến từ các nước phát triển, tranh thủ được vốn đầu tư nước ngoài và các nguồn lực quan trọng khác. Đây là cơ hội để Việt Nam phát huy những lĩnh vực có thế mạnh, lợi thế so với các nước để cất cánh phát triển.

Ba là, Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất các nông sản nhiệt đới phong phú, đa dạng với nhiều sản phẩm nông sản nhiệt đới, cận nhiệt đới có sản lượng lớn, nhiều loại nông đặc sản vùng miền phục vụ cho công nghiệp chế biến phát triển.

Bốn là, Việt Nam đã hình thành trên thực tế công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản có đủ năng lực để chế biến ra các nông sản hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã bước đầu tiếp thu các công nghệ hiện đại để chế biến sâu sản phẩm tạo giá trị gia tăng cao.

Có nguồn lao động trẻ, dồi dào dễ tiếp thu khoa học - kỹ thuật thế giới, đội ngũ doanh nhân có trình độ quản lý, ngoại ngữ, năng động, sáng tạo và đã có nhiều năm kinh nghiệm trên thương trường thế giới.

Năm là, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra cơ hội rất lớn cho ngành nông nghiệp, sẽ giúp giúp mở ra cơ hội thay đổi phương thức sản xuất cũ, rút ngắn thời gian và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp giải quyết nhiều thách thức đặc biệt là tình trạng khan hiếm nguồn lực (đất đai, lao động, năng lượng tự nhiên,….).

Công nghệ 4.0 dự báo sẽ tác động tới tất cả các khâu trong chuỗi giá trị của các mặt hàng nông sản từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu dùng

Sáu là, những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết 23/NQ-TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/07/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững và Quyết định 889/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 10/6/2013 về tái cơ cấu nông nghiệp….đã tạo ra sự nhất quán lớn về quyết tâm chính trị và các giải pháp phát triển nông nghiệp; trong đó nhấn mạnh việc nâng cao năng lực công nghiệp chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Tuy vậy nông nghiệp Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức to lớn cần phải cố gắng vượt qua, đó là: Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, đe dọa sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu phục vụ chế biến.

Quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa thật sự hình thành một nền nông nghiệp lớn theo hướng hiện đại. Nguyên liệu phục vụ chế biến chất lượng chưa cao, vẫn còn tiềm ẩn mất an toàn thực phẩm (nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong chăn nuôi), kiểm soát chất lượng nông sản đang là thách thức lớn.

Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức thấp của thế giới, các nguồn lực (vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và hội nhập) còn hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư đổi mới công nghệ và thay đổi cơ cấu sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Thị trường thế giới nhiều biến động, trong khi nông, lâm, thủy sản Việt Nam còn phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số thị trường (Trung Quốc, Mỹ, EU). Và ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Các chính sách bảo hộ, thuế nhập khẩu, các rào cản phi thuế quan của các nước nhập khẩu gây khó khăn cho xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam.

Mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế tạo ra sự cạnh tranh mạnh từ các nước có nền công nghiệp phát triển. Ngày càng nhiều các sản phẩm nông sản của nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam với mẫu mã, chất lượng vượt trội cạnh tranh với các sản phẩm chế biến trong nước.

*Mục tiêu phát triển đến năm 2030

Nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội cần khai thác đặc biệt quỹ đất, nguồn nhân lực và tận dụng cơ hội trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp vào năm 2030 cần phải đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp phát triển ngang tầm thế giới.

Đảng và Nhà nước rất kỳ vọng vào sự phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay và đã đưa ra Mục tiêu đến năm 2030 trong Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/07/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững là: “nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics nông sản toàn cầu”.

Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết Chính phủ “đặt hàng”, trong thời gian từ nay đến 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung triển khai các giải pháp mang tính chiến lược chủ yếu sau: Thứ nhất là, chuyển dịch, cơ cấu lại công nghiệp chế biến nông sản.

Thực hiện điều chỉnh phân bố các cơ sở chế biến nông sản theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng trên phạm vi toàn quốc.

Phát triển các cụm liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản tại các địa phương, vùng miền có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực. Lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực (vốn, khoa học công nghệ, thị trường) để dẫn dắt chuỗi liên kết vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.

Tập trung cơ cấu lại công nghiệp chế biến nông sản theo hướng nâng tỷ lệ chế biến sâu, chế biến tinh có giá trị gia tăng cao và giảm tỷ lệ chế biến thô có giá trị gia tăng thấp; cân đối hợp lý sản phẩm chế biến ở 3 cấp (Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và Nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương).

Thứ hai là, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư vào chế biến nông, lâm, thủy sản. Xây dựng chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông sản có tính đột phá, sáng tạo, độc đáo; tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản, tập trung vào các điểm sau:

Xây dựng Chiến lược phát triển chung về công nghiệp chế biến nông sản và các Đề án phát triển chế biến các ngành hàng có tiềm năng về sản xuất và thị trường tiêu thụ như: rau quả, thủy sản, đồ gỗ,… để định hướng lâu dài cho doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển mạnh những ngành hàng này.

Xem xét bãi bỏ các rào cản, các thủ tục hành chính, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý; hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư đối với từng địa bàn có tính đặc thù của các vùng, miền và ngành hàng.

Xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp; cho phép mua, thuê lại đất của nông dân để doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chuyên canh nông sản hàng hóa quy mô lớn, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho chế biến cũng như xây dựng nhà máy.

Rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách về thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hướng mở rộng lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế suất cho các lĩnh vực chế biến nông sản và đảm bảo công bằng trong việc đánh thuế VAT giữa hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản và cơ khí phục vụ nông nghiệp.

Thứ ba là, phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản theo định hướng: Phát triển các công ty, tập đoàn lớn hiện đại, mang tầm cỡ quốc tế, có sức cạnh tranh cao về chế biến các ngành hàng nông, lâm, thủy sản và phát triển các doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ và vừa để tiêu thụ sản phẩm nông sản tại chỗ cho người nông dân.

Tập trung phát triển chế biến đối với những ngành hàng chưa có hoặc còn thiếu công suất, những ngành hàng là các sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia như: gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, rau, quả, sắn và sản phẩm từ sắn, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ mà Việt Nam có lợi thế về sản xuất nguyên liệu, công nghệ chế biến, lao động, đã khẳng định trên thị trường thế giới và có tác động lan tỏa cao đến các ngành hàng khác.

Ưu tiên phát triển các mặt hàng mang thương hiệu sản phẩm Quốc gia bằng công nghệ chế biến tiên tiến, có khả năng cạnh tranh cao, bao gồm: lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn, các sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu, tôm nước lợ, cà phê Việt Nam chất lượng cao và sâm Việt Nam.

Đầu tư vào công nghệ tiên tiến, hiện đại để chế biến nông sản và phế phụ phẩm nông nghiệp bằng các chính sách cụ thể và dễ dàng triển khai trong thực tế để tạo ra giá trị gia tăng cho các nhóm sản phẩm nông sản chế biến có hàm lượng chế biến sâu, bảo vệ môi trường được dùng cho công nghiệp thực phẩm và mang tính đặc thù, hữu dụng được dùng cho y tế, dược phẩm, mỹ phẩm và các ngành công nghiệp khác.

Nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới như HACCP, ISO 22000 ... trong tất cả các cơ sở chế biến nông sản để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản.

Thứ tư là, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Phát triển mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong việc kết nối theo chiều dọc giữa người sản xuất nguyên liệu – nhà chế biến và người tiêu dùng; đồng thời kết nối giữa các cơ sở chế biến nông sản với nhau theo chiều ngang để tạo ra cơ chế phối hợp hoạt động theo tín hiệu thị trường.

Đẩy mạnh chuyển giao kết quả các đề tài khoa học công nghệ về cơ điện nông nghiệp vào sản xuất; xây dựng và hình thành các cụm nghiên cứu - đào tạo - sản xuất công nghệ cao theo vùng sinh thái, khuyến khích hình thành các cơ sở nghiên cứu tư nhân và các viện gắn với doanh nghiệp; xây dựng các mô hình trình diễn về công nghiệp chế biến và cơ giới hoá đồng bộ sản xuất nông nghiệp, mô hình nông nghiệp thông minh (nông nghiệp 4.0).

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ chế biến, bảo quản nông sản để định hướng đầu tư và góp phần hình thành thị trường khoa học – công nghệ trong lĩnh vực chế biến nông sản. Ưu tiên nguồn lực, tiếp tục triển khai có hiệu quả đến năm 2020 và các năm tiếp theo các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia trong lĩnh vực chế biến nông sản.

Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia phục vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; hài hoà hoá tiêu chuẩn khu vực, quốc tế.

Phát triển nhân lực phục vụ công nghiệp chế biến nông sản, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu bền vững ngành nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập kinh tế quốc tế. Chuyển dịch hợp lý một phần lực lượng lao động sản xuất trực tiếp trong nông nghiệp sang lao động công nghiệp chế biến có tác phong công nghiệp, ý thức, kỹ năng tay nghề cao.

Để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ; trong đó có công nghiệp chế biến nông sản, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, không thể thiếu sự tăng cường lãnh đạo của Đảng, cấp ủy các cấp; năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, người đứng đầu địa phương; sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.

Hy vọng trong năm 2020 và 10 năm tới (2021 – 2030) và những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản sẽ đạt được nhiều thành quả to lớn hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/07/2019 của Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục