Phát triển nghề truyền thống gốm Chu Đậu

12:56' - 01/05/2016
BNEWS Sau thời gian nỗ lực tìm tòi, sưu tập và bảo tồn thành công dòng gốm truyền thống, những người yêu gốm ở Chu Đậu nói riêng và cả nước nói chúng muốn phát triển hơn nữa dòng gốm truyền thống này.
Gốm Chu Đậu một trong những sản phẩm truyền thống đặc trưng của Việt Nam. Ảnh: Mai Phương/BNEWS

Gốm Chu Đậu là dòng gốm mỹ nghệ cao cấp, được hình thành và phát triển từ hàng trăm năm nay. Lịch sử của nghề làm gốm được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ XIII – XIV, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV-XVI.

Sau đó, gốm Chu Đậu bị thất truyền và làng gốm chỉ được biết đến với nghề dệt chiếu. Để phục dựng và phát huy một nghề truyền thống của một dòng gốm đẹp trên thế giới ở Chu Đậu, theo các chuyên gia về gốm sứ cần một quá trình và đòi hỏi sự chung tay giúp sức của các nghệ nhân và nhà khoa học trong và ngoài nước.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là năm 1997, Việt Nam đã trục vớt được một con tầu đắm tại Cù Lao Chàm với khoảng 340.000 hiện vật; trong đó, có 240.000 hiện vật còn lành lặn. Các nhà khoa học xác định con tầu chở hiện vật gốm mỹ nghệ từ Chu Đậu.

Thống kê cho thấy 46 bảo tàng danh tiếng ở 32 nước trên thế giới và trong khu vực đang trưng bày hiện vật gốm cổ Chu Đậu. Với quyết tâm khôi phục lại nghề truyền thống cổ của ông cha để lại, sau một thời gian dài đầu tư xây dựng và phỏng chế gốm cổ Chu Đậu, năm 2003 gốm Chu Đậu đã xuất công hàng đầu tiên sang Tây Ban Nha.

Từ đó đến nay, mỗi năm gốm Chu Đậu đã có hàng ngàn sản phẩm tiêu thụ mạnh trong thị trường nội địa và xuất đi nhiều quốc gia trên thế giới.

Sản phẩm gốm Chu Đậu từ xưa đến nay chỉ làm thủ công với đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, những người thợ, từ khâu nặn, đúc đến trang trí hoa văn. Ảnh: Mai Phương/BNEWS

Nghệ nhân Hạ Bá Định, hội viên hội mỹ thuật Việt Nam , nghệ nhân gốm Chu Đậu chia sẻ về nét đẹp riêng mà chỉ có dòng gốm này mới có. Ông kể lại câu chuyện có một công dân Pháp khi anh ta đi xem gốm Chu Đậu anh ta nói rằng tôi nhìn vào gốm Trung Quốc thì thấy gốm Trung Quốc họ rất cầu kỳ, tinh tế và uyên bác còn gốm Chu Đậu làm cho trái tim tôi xao xuyến và xúc động vô cùng.

Đó chính là cái đẹp của gốm Chu Đậu vì nó vừa vẽ thiên nhiên vẽ cái thực mà lại không thực chính vì thế mà người hiểu gốm xao xuyến là ở chỗ đấy. Tâm hồn, con người, chí hướng của người Việt Nam được thổi hồn vào gốm và làm nên sự độc đáo riêng của Chu Đậu khác với các dòng gốm trên thế giới.

Sau thời gian nỗ lực tìm tòi, sưu tập và bảo tồn thành công dòng gốm truyền thống của cha ông để lại, những người yêu gốm ở Chu Đậu nói riêng và cả nước nói chúng muốn phát triển hơn nữa dòng gốm truyền thống này.

Chính vì vậy, các nhà khoa học, nghệ nhân làm gốm đã thành lập hội đồng phát triển gốm Chu Đậu để đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển và bảo tồn những giá trị của dòng gốm như bảo tồn các giá trị văn hóa tinh hoa của người Việt với thế giới.

GS Hà Tôn Vinh là Việt kiều ở Hoa Kỳ cho biết, để phát triển nghề gốm cũng như sản phẩm gốm Chu Đậu cần phải nhân rộng, quảng bá những tinh hoa, nét đẹp văn hóa được thể hiện trên gốm Chu Đậu để cả thế giới có thể biết đến. Có như vậy mới có thể phát triển được giá trị của gốm Chu Đậu. Hội đồng phát triển gốm Chu Đậu vừa thành lập là tìm lại sự hào hùng của sản phẩm gốm mà cha ông ta đã gây dựng.

“ Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ của nhà nước, các cấp chính quyền và sự ủng hộ của hệ thống truyền thông đại chúng trong và ngoài nước. “ - ông Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương, Chủ tịch hội sử học tỉnh Hải Dương nói.

Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ông Nguyễn Văn Quế cho rằng, hướng tới của hội đồng phát triển gốm là tư vấn, xây dựng chương trình hoạt động cho từng tháng, từng quý, từng năm để phát triển gốm Chu Đậu. Đặc biệt, sản phẩm gốm Chu Đậu sẽ đưa các câu chuyện về lịch sử, về văn hóa được vẽ trên các sản phẩm gốm theo từng câu chuyện cụ thể.

Những hoa văn trang trí trên gốm Chu Đậu khiến người xem cảm nhận được bản sắc văn hóa của con người Việt Nam. Ảnh: Mai Phương/BNEWS

Các nhà khoa học và nghệ nhân cũng đều có một quan điểm chung thống nhất là muốn phát triển được làng nghề, bảo tồn được các sản phẩm truyền thống như gốm Chu Đậu, cần phát huy mạnh những giá trị văn hóa được gìn giữ từ cha ông, cụ thể là hoa văn, chất men, phương pháp chế tạo, kỹ thuật nung để ra những sản phẩm mang đặc sắc riêng của Việt Nam.

Có như vậy, thương hiệu gốm Chu Đậu cũng như là làng nghề truyền thống mới cạnh tranh và phát triển với các mặt hàng gốm sứ nước ngoài.

Trong thời gian tới để bảo tồn và phát triển sản phẩm gốm Chu Đậu truyền thống tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh cần tập trung xây dựng các mối liên kết với thương nhân để đưa các sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm thương mại;

Tiếp tục củng cố, duy trì mối quan hệ hợp tác gắn bó với các đối tác nhất là đối tác nước ngoài tạo tính ổn định và bền vững. Đồng thời, xây dựng đội ngũ nghệ nhân có tay nghề, tiếp tục đào tạo các thế hệ kế cận.

Cùng với việc xây dựng hệ thống doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu có năng lực, uy tín ở thị trường trong và ngoài nước; tỉnh chủ động đưa các thông tin về sản phẩm ra thị trường nước ngoài đặc biệt là thị trường khó tính để các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận được những sản phẩm truyền thống của gốm.

Bên cạnh đó, các sản phẩm gốm sẽ được tỉnh Hải Dương tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để những nét văn hóa trên gốm Chu Đậu đến tận tay bạn bè trong nước và quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục