Phát triển nhanh và bền vững Tp. Hồ Chí Minh: - Bài 2: Cải thiện môi trường đầu tư

21:23' - 29/12/2020
BNEWS Cải thiện môi trường đầu tư đã được Tp. Hồ Chí Minh xác định là chủ đề của năm 2021 bên cạnh nội dung “xây dựng chính quyền đô thị”.

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao chất lượng cạnh tranh của kinh tế thành phố, một trong những yếu tố được thành phố quan tâm thực hiện là không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi, ổn định, an toàn, lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ để trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng, địa điểm có chất lượng sống tốt.

Cải thiện môi trường đầu tư đã được Tp. Hồ Chí Minh xác định là chủ đề của năm 2021 bên cạnh nội dung “xây dựng chính quyền đô thị”.

*Từng bước cải thiện môi trường đầu tư

Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực của ngành kế hoạch đầu tư, ngành thuế, hải quan trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ vào quản lý, kiểm soát giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian và giảm chi phí thực hiện thủ tục.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đánh giá, trong 5 năm qua Tp. Hồ Chí Minh đạt được hiệu quả vượt bậc trong việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Các cơ quan như Cục Hải quan, Cục Thuế từ chỗ là những đơn vị bị doanh nghiệp than phiền nhiều nhất thì đến nay đã thay đổi rõ nét. 

“Nếu như trước đây, các cuộc đối thoại, hội nghị giữa chính quyền, sở ngành thành phố với doanh nghiệp nhận đến 80% số ý kiến khiếu nại do việc thực thi các thủ tục, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp hài lòng thì đến nay tình hình đã đảo ngược.

Trên 70% doanh nghiệp hài lòng với hoạt động của các đơn vị quản lý thuế, hải quan, một phần nhỏ doanh nghiệp bị vướng mắc do chưa hiểu rõ các quy định của Nhà nước hoặc do sự chồng chéo giữa các quy định, cơ quan quản lý”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, Cục Thuế thành phố đã triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp khởi nghiệp đến từng chi cục thuế quận huyện.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giao dịch với người nộp thuế như khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử, khai và nộp thuế điện tử đối với các thủ tục hành chính đáp ứng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế và cổng dịch vụ công quốc gia đối với 120 thủ tục hành chính thuế đã được tích hợp.

Thời gian tới, Cục Thuế thành phố tiếp tục thực hiện hệ thống dịch vụ thuế điện tử E-tax, cung cấp cho người nộp thuế các dịch vụ thuế điện tử trên một hệ thống duy nhất, thực hiện đầy đủ các bước trong các quy trình khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, tra cứu thông tin hồ sơ, nghĩa vụ thuế.

Trong khi đó, Cục Hải quan thành phố cũng đẩy mạnh việc cải cách, hiện đại hóa hoạt động, triển khai đồng thời nhiều đề án như tạo thuận lợi thương mại, quản lý hàng hóa tự động, tiến hành phân luồng quản lý rủi ro, giảm ùn tắc tại cảng...

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch tạo thuận lợi thương mại, hiện đại hóa hải quan; trong đó, Hải quan thành phố đã khởi động đề án “Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái”, triển khai đề án “Hệ thống quản trị hải quan Tp. Hồ Chí Minh (HCAS)” với hơn 200 doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, kim ngạch lớn, nộp thuế cao tham gia.

Qua đó, đã giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục; giảm chi phí cơ hội, thời gian đi lại, thời gian quay vòng hàng tồn kho, chi phí quản lý; kiểm soát, theo dõi được toàn bộ thông tin của lô hàng một cách dễ dàng, minh bạch.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, môi trường kinh doanh của Tp. Hồ Chí Minh đã được cải thiện qua từng năm.

Minh chứng là kết quả khảo sát của cộng đồng doanh nghiệp về các chỉ số năng lực cạnh tranh của Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, tính minh bạch, khả năng tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, đào tạo lao động được cải thiện qua từng năm.

Theo phân tích của ông Chu Tiến Dũng, lợi thế lớn nhất của Tp. Hồ Chí Minh là nơi tập trung thị trường, dễ dàng kết nối thị trường trong nước và quốc tế tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh.

Thêm vào nữa, Tp. Hồ Chí Minh có nguồn nhân lực có trình độ, được đào tạo tương đối bài bản, đáp ứng được nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp đến đầu tư.

*Huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế

Trong định hướng phát triển của mình, Tp. Hồ Chí Minh đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, sử dụng vốn ngân sách như vốn mồi để phát triển kinh tế, đặc biệt trong vấn đề thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 10.300 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 49,2 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn và và bán lẻ…

Năm 2020, Thành phố cũng đã thu hút được hơn 4 tỷ USD vốn FDI, qua đó tiếp tục nằm trong nhóm đầu của cả nước trong thu hút vốn FDI.

Ông Kheng Joo Ung, Giám đốc Điều hành First Solar Việt Nam chia sẻ, Tp. Hồ Chí Minh có môi trường đầu tư thân thiện, doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền cũng như các cơ quan chức năng thành phố.

Thêm vào đó, chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ đã được cải thiện rất đáng kể với đội ngũ trẻ, năng động đã giúp nhà máy First Solar Việt Nam (Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh) là dự án đầu tư cực kỳ thành công, vận hành rất hiệu quả.

Đây cũng là nhà máy có năng suất cao nhất của  First Solar trên toàn thế giới. Có thể nói, Tp. Hồ Chí Minh vẫn đang là điểm đến rất hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Các nguồn lực về vốn, nhân lực, đất đai cũng đã được thành phố vận dụng một cách hiệu quả với các chính sách, cơ chế linh hoạt, sáng tạo; trong đó, nổi bật nhất là Chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của UBND Tp. Hồ Chí Minh về Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ.

Với chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay thông thoáng hơn, từ năm 2015 -2019, thành phố đã phê duyệt 281 dự án với tổng mức đầu tư hơn 23.789 tỷ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 11.029 tỷ đồng.

Số tiền thành phố đã giải ngân để hỗ trợ chi trả lãi vay cho doanh nghiệp là 3.885 tỷ đồng. Trong năm 2020, thành phố giải quyết cho vay dự án kích cầu cho 28 dự án với số dư nợ đạt hơn 2.100 tỷ đồng.  

Ông Nguyễn Ngô Long, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí thương mại Nhật Long cho biết, từ một doanh nghiệp nhỏ, hạn chế về về tiềm lực tài chính sau khi nhận vốn kích cầu, chúng tôi tiến hành tái cơ cấu, nâng cao năng lực doanh nghiệp, thiết bị, công nghệ.

Nhờ đó, đã sản xuất được các sản phẩm đạt chuẩn, trở thành đối tác cung cấp phụ tùng, linh kiện công nghiệp cho nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, chương trình kích cầu đầu tư của Tp. Hồ Chí Minh đã phát huy tác dụng là “mồi câu” để huy động các nguồn lực khác của xã hội vào đầu tư phát triển kinh tế, từ đó tạo ra nguồn thu cho ngân sách thành phố.

Bình quân thành phố bỏ ra một đồng ngân sách thì thu hút được 14 đồng đầu tư từ xã hội, thành phố chi 1 đồng ngân sách thì thu về được 5,13 đồng, đây là mức thu rất cao, gần bằng 3 lần trung bình cả nước là (chi 1 đồng thu về 1,85 đồng).

Trong xu hướng chung của sự phát triển, Tp. Hồ Chí Minh đã chủ động thúc đẩy và tận dụng hiệu quả các hoạt động đối ngoại để phục vụ phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào thúc đẩy hợp tác với các đối tác toàn diện mà Việt Nam đã ký kết, cũng như thu hút đầu tư từ các tập đoàn, công ty lớn hàng đầu thế giới.

Các hoạt động này mở ra những cơ hội hợp tác hiệu quả giữa thành phố và các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố.

Lãnh đạo thành phố thường xuyên tiếp và gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, tiếp và làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của các nước.

Bên cạnh đó, Tp. Hồ Chí Minh có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các thể chế và tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Tái thiết Đức, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… thu hút các nguồn vốn phát triển cho thành phố./.

Bài 3: Xây dựng động lực mới phát triển kinh tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục