Phát triển nông nghiệp hữu cơ - Bài 2: Vẫn còn lỗ hổng

09:04' - 27/02/2018
BNEWS Sản phẩm hữu cơ mang lại cho người tiêu dùng sức khỏe tốt, an toàn và môi trường lành mạnh hóa với phương thức canh tác thuận theo tự nhiên.

Đây là điều bất kỳ người sản xuất, cũng như doanh nghiệp nào cũng muốn thực hiện. Nhưng hiện nay, nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chỉ mới khởi đầu và vẫn còn nhiều lỗ hổng trong khâu quản lý và thực hiện.

*Tiềm lực kém

Phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TTXVN

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi nói đến nông nghiệp hữu cơ, kể cả các nhà khoa học cũng muốn tham gia đóng góp thành tựu nghiên cứu vào vấn đề này, đồng thời sẵn sàng liên kết với các doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho xã hội. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện, bởi đây là bước khởi đầu nên chắc chắn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, trong tất cả các buổi thảo luận về hướng đi sản xuất hữu cơ, hầu như doanh nghiệp nào cũng mong muốn có thể tham gia vào chuỗi này.

Thế nhưng, cái vướng lớn nhất của doanh nghiệp khởi đầu là tiềm lực kém, nguồn vốn không đủ lớn, khả năng tiếp cận vốn vay ưu đãi lại khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp gửi hồ sơ vay vốn nhiều lần nhưng vẫn không được xét duyệt. Từ đó làm cho các doanh nghiệp nhỏ trở nên e dè hơn trong hướng đi này.

Bên cạnh đó, hiện trạng đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang dần cạn kiệt về nguồn dinh dưỡng, do nông dân khai thác quá mức, lại thiếu bổ sung các nguồn dinh dưỡng tự nhiên, đất không có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo thì việc bắt tay vào sản xuất hữu cơ ngay lập tức là điều không thể. Bởi chắc chắn rằng, khi đưa vào kiểm tra thành phần dinh dưỡng trong đất theo tiêu chuẩn quốc tế của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, khó có thể vượt qua.

Ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú Organic & Healthy Food (Cà Mau) nhấn mạnh, bản thân doanh nghiệp muốn vươn cao, bay xa với cách sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Viễn Phú cũng không nằm ngoài ý tưởng này.

Cách đây 10 năm, Viễn Phú là một trong số ít doanh nghiệp đầu tiên trên cả nước chọn sản xuất nông nghiệp hữu cơ làm căn bản cho sản xuất. Thế nhưng giai đoạn này hầu như không ai quan tâm đến sản phẩm hữu cơ và sẵn sàng đánh đồng sản phẩm này với những sản phẩm thông thường. Điều này khiến cho doanh nghiệp dù có tiềm lực khởi đầu mạnh như Viễn Phú cũng chùn bước.

Cho đến thời điểm này, dù đã được thế giới và người tiêu dùng quan tâm, thì nguồn lực của doanh nghiệp sau thời gian dài cầm cự đã không còn như trước, gây nhiều khó khăn cho sự phát triển. Vì vậy, có thể thấy được, doanh nghiệp muốn làm và đặt tâm huyết vào nó, nhưng lại thiếu một cơ chế hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp để phát triển lâu dài.

* Thiếu chính sách hỗ trợ

Ngoài sự thiếu hụt về nguồn vốn, nông nghiệp hữu cơ còn thiếu nhiều chất xúc tác khác để ngành có thể hoàn thiện. Trước mắt, đó là các quy định về diện tích sản xuất tập trung, tách biệt, có vùng đệm, cũng như con giống chất lượng cao, các quy định về tiêu chuẩn hữu cơ trong nước chưa tương thích với các quy định tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, ngay cả một trung tâm kiểm định và chứng nhận cũng chưa có để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nông dân hoạt động.

Theo ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, mặc dù bộ tiêu chuẩn quốc gia hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm hữu cơ được sản xuất theo phương pháp hữu cơ được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2015, nhưng bộ tiêu chuẩn này chưa thực sự đi vào cuộc sống. Do đó, cần phải có một bộ tiêu chuẩn cụ thể, thiết thực hơn cho ngành nông nghiệp hữu cơ, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế mới tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các thành phần khác tham gia vào sản xuất hữu cơ.

Bên cạnh đó, hiện nay nguồn cung ứng giống hữu cơ còn thiếu hụt, mức độ cung ứng ra thị trường còn thấp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất hữu cơ đã phải chủ động nhập khẩu giống mới đảm bảo quy trình.

Ngoài ra, các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vật tư nông nghiệp hữu cơ như phân hữu cơ, nguồn vi sinh hợp chuẩn quốc tế chưa được chú trọng, cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng.

Không những vậy, ngành nông nghiệp hữu cơ trong nước vẫn còn yếu về khâu bảo quản sau thu hoạch, chế biến để đảm bảo nguồn dinh dưỡng sản phẩm ổn định, chưa áp dụng được nhiều công nghệ sinh học vào quá trình sản xuất.

Tại nhiều địa phương tham gia sản xuất hữu cơ, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn nghiêm trọng. Bởi đây là phương thức sản xuất chỉ thuận theo tự nhiên, hài hòa với các yếu tố tự nhiên, tạo cân bằng hệ sinh thái và môi trường sống, nên mức an toàn cho cánh đồng và trang trại hữu cơ được đặt lên hàng đầu.

Thế nhưng, vẫn còn có nhiều cánh đồng hữu cơ thiếu vùng đệm cách ly với vùng sản xuất bên ngoài. Điều này tưởng như đơn giản, nhưng khả năng lây nhiễm chéo các tạp chất vào cánh đồng hữu cơ rất lớn.

Đã vậy, nguồn điện chưa thể kéo đến đồng ruộng để quản lý sâu bệnh hiệu quả, cơ giới hóa còn hạn chế, giao thông vận tải còn nhiều khó khăn, trở ngại cho việc vận chuyển hàng hóa khi doanh nghiệp liên kết, thu mua; bề mặt diện tích sản xuất không bằng phẳng như yêu cầu trong sản xuất hữu cơ, cải tạo sẽ mất nhiều chi phí.

Trước những khó khăn chất chồng với một nền nông nghiệp sạch còn đang chập chững bước đi, việc hoàn thiện từng khâu là điều phải được quan tâm đầu tiên, trước khi hướng đến quản lý đồng bộ, chặt chẽ, tạo đà phát triển cho nông nghiệp hữu cơ./.

Bài 3: Từng bước hoàn thiện khâu sản xuất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục