Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia

06:30' - 13/03/2021
BNEWS Tại Quyết định số 339/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

*Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4%/năm

Theo Chiến lược, đến năm 2030, phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD.

Một mục tiêu nữa là giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước.

Xây dựng các làng cá ven biển, đảo thành các cộng đồng dân cư văn minh, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển.

*Tiến tới chấm dứt nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản

Định hướng phát triển theo lĩnh vực, trong thời gian tới thành lập mới, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu bảo tồn biển. Quan tâm bảo vệ các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của loài thủy sản.

Phát triển bảo tồn biển gắn với du lịch sinh thái và nông thôn mới; tổ chức quản lý, bảo vệ các khu vực thủy sản tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của các giống loài thủy sản.

Về khai thác thủy sản, phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý, cơ cấu lao động chuyên ngành, kiêm nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản, đặc điểm kinh tế - xã hội từng vùng.

Phân bổ hạn ngạch khai thác thủy sản phù hợp; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi, sử dụng nhiều nhiên liệu sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản…

Về nuôi trồng thủy sản, chủ động phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao. Ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng; phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở; tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa…

*Chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản

Định hướng phát triển theo vùng, tập trung nguồn lực củng cố, mở rộng, phát triển và thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội từng vùng, nhất là khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển, trong rừng ngập mặn, các đầm phá, trên thượng nguồn và lưu vực của các dòng sông; hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhà nước đẩy mạnh công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho tổ chức cộng đồng ở vùng biển ven bờ và thủy vực nội địa.

Xây dựng các làng cá (ven đô, cửa sông, lòng hồ, bãi ngang, hải đảo...) gắn với du lịch và các ngành nghề khác đảm bảo sinh kế cho cộng đồng ngư dân; chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản; giảm mạnh các nghề xâm hại đến nguồn lợi thủy sản; kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về thủy sản và khuyến ngư ở địa phương./.

Tin liên quan

  • Kỳ vọng xuất khẩu thủy sản trong năm 2021 Hàng hoá

    Kỳ vọng xuất khẩu thủy sản trong năm 2021

    20:31' - 24/02/2021

    VASEP cho biết, thủy sản là ngành tăng tốc xuất khẩu ngay từ đầu năm 2021 khiến kim ngạch xuất khẩu bật tăng trở lại, trái ngược với sự sụt giảm trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.


Tin cùng chuyên mục