Phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 9, lớp 12 theo chương trình mới

21:39' - 05/01/2024
BNEWS Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ký các quyết định phê duyệt sách giáo khoa lớp 9 và lớp 12 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. 
Các bộ sách này sẽ được sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, từ năm học 2024 - 2025.

Với lớp 12, danh mục gồm 39 sách giáo khoa của các môn học, hoạt động giáo dục: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục thể chất, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp. Đây là các sách giáo khoa mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.

Với lớp 9, danh mục gồm 48 sách giáo khoa của 10 môn học, hoạt động giáo dục: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục Công dân, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Công nghệ. Đây là các sách giáo khoa mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Huế, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.

 
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT, quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, có hiệu lực từ ngày 12/2/2024.

Theo quy định mới, từ năm học 2024 - 2025 trở đi, mỗi trường sẽ thành lập một Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa riêng thay vì căn cứ vào kết quả lựa chọn chung của UBND tỉnh như các năm học trước.

Hội đồng lựa chọn sách do hiệu trưởng thành lập. Hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn (gọi chung là tổ chuyên môn), đại diện giáo viên, đại diện ban cha mẹ học sinh.

Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên Hội đồng tối thiểu là 5 người.

Nhiệm vụ của Hội đồng là tổ chức thẩm định biên bản các cuộc họp của tổ chuyên môn; các phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của giáo viên; danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn. Từ đó, tổng hợp, đề xuất với người đứng đầu trường danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn sau khi đã thẩm định đạt yêu cầu.

Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm về hoạt động, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc của hội đồng. Bên cạnh đó, Chủ tịch hội đồng chịu trách nhiệm giải trình về việc lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở.

Căn cứ vào kết quả của các trường do Sở Giáo dục và Đào tạo trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các trường tại địa phương. UBND cấp tỉnh phải đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục sách được phê duyệt để sử dụng trong các trường trước 30/4 hàng năm.

Trong quá trình sử dụng, nếu có kiến nghị của giáo viên, học sinh và phụ huynh, các trường đề xuất Phòng hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa.

Trong ba năm từ 2021- 2023, việc lựa chọn sách giáo khoa được áp dụng theo quy định của Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT. Theo đó, Hội đồng chọn sách giáo khoa do UBND tỉnh thành lập và mỗi môn ở một cấp học là một hội đồng, các trường chỉ được đóng góp ý kiến. Song, quy định này còn tồn tại những khó khăn, bất cập. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư mới, trao quyền lựa chọn sách giáo khoa về cho các cơ sở giáo dục, giáo viên và phụ huynh học sinh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục