Phê duyệt thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cao tốc Tân Phú- Bảo Lộc

17:29' - 05/05/2025
BNEWS Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài khoảng 66 km (đi qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km, qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km), có tổng vốn đầu tư 17.200 tỷ đồng.
Ngày 5/5, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định phê duyệt Hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai)- Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư. Đây là dự án cao tốc đường bộ nằm trên tuyến cao tốc nối thành phố Đà Lạt với Thành phố Hồ Chí Minh được tỉnh Lâm Đồng phấn đấu khởi công trước ngày 30/4/2025, nhưng đang lỗi hẹn do chưa hoàn thiện hồ sơ thi công.

Theo Quyết định số 885/QĐ-UBND ngày 5/5/2025 của UBND tỉnh Lâm Đồng, tuyến cọc giải phóng mặt bằng bố trí dọc theo hướng tuyến của dự án đã được Cục Đường cao tốc Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Xây dựng) thẩm định. Phạm vi cắm cọc theo chiều ngang tuyến từ mép ngoài cùng của nền đường giai đoạn hoàn chỉnh ra mỗi bên 3m đối với tuyến cao tốc, 1 m đối với đường gom. Đối với các công trình cống, hầm chui dân sinh mỗi bên cắm 4 cọc và cắm hết phạm vi sân cống hoặc các công trình dẫn dòng phía thượng, hạ lưu từ mép ngoài cùng ra 3m…

 
Theo chiều dọc tuyến, khoảng cách giữa các cọc tại những nơi tuyến đi qua các thị trấn, thị tứ, khu vực đông dân cư, làng, bản…có các công trình xây dựng liền nhau, khoảng cách giữa các cọc là 50m/cọc, trường hợp đặc biệt đi qua khu đô thị phức tạp có thể cắm dày hơn. Các khu vực tuyến cao tốc đi qua đồng ruộng, vườn tược, đồi cây vùng đồng bằng, trung du… tùy địa hình cụ thể mà các mốc giải phóng mặt bằng có thể cách nhau từ 50- 100m. Đoạn đi qua vùng núi cao các cọc cách nhau 300- 500m…

Cọc giải phóng mặt bằng sử dụng cọc bê tông cốt thép M200, kích thước 15x 10x 90cm, thân sơn trắng, đầu sơn đỏ. Mặt trước cọc phía quay ra ngoài đường ghi chữ “GPMB”, viết tắt của chữ Giải phóng mặt bằng, chữ chìm sâu vào bê tông, cọc chôn sâu 40cm…

Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài khoảng 66 km (đi qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km, qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km), có tổng vốn đầu tư 17.200 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước 6.500 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng, vốn huy động 9.095 tỷ đồng. Chủ đầu tư đề xuất dự án là liên danh các nhà đầu tư gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung (liên danh do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm đại diện chủ đầu tư).

Đây là dự án nằm trên tuyến cao tốc đường bộ nối thành phố Đà Lạt là trung tâm của tỉnh Lâm Đồng với Thành phố Hồ Chí Minh, gồm các dự án cao tốc Dầu Giây- Tân Phú, Tân Phú- Bảo Lộc và Bảo Lộc- Liên Khương. Khi hoàn thành cả 3 dự án trên, tuyến đường cao tốc này một đầu nối vào cao tốc Long Thành- Dầu Giây, đầu kia nối với đoạn đường đèo Prenn mở rộng với 4 làn xe để vào thành phố Đà Lạt, đảm bảo tuyến đường bộ từ thành phố Đà Lạt đến Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn chạy trên cao tốc.

Trước đó, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu sẽ khởi công 2 dự án cao tốc thuộc địa bàn địa phương quản lý là Dự án cao tốc Tân Phú- Bảo Lộc và Dự án cao tốc Bảo Lộc- Liên Khương dài 200 km trước ngày 30/4/2025. Tuy nhiên do vướng mắc về các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị để thi công nên tiến độ của 2 tuyến cao tốc này không đạt mục tiêu đề ra.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục