Phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm – Đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật

08:58' - 23/01/2018
BNEWS Việc đưa vụ án này ra xét xử đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước ta trong việc kiên quyết đấu tranh phòng, chống tệ nạn tham nhũng, lãng phí, thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Hội đồng xét xử nhận định về toàn bộ nội dung vụ án. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Sau 2 tuần xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với các bị cáo trong phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC) và các đồng phạm. Đây là phiên tòa xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm.

Các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia, trong đó có Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Với trách nhiệm nặng nề, nhưng Hội đồng xét xử đã công tâm điều khiển phiên tòa một cách dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

* Hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội

Theo đánh giá của Hội đồng xét xử, trong vụ án này, thiệt hại và thất thoát tài sản của Nhà nước do các bị cáo gây ra rất lớn. Với chức trách được giao là những người quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, các bị cáo ở các mức độ khác nhau đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý kinh tế. Bên cạnh những thất thoát về đầu tư, sai phạm của các bị cáo còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt xã hội.

PVC là 1 đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Từ năm 2008 đến năm 2012, PVC do Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Vũ Đức Thuận là Tổng giám đốc. Năm 2010 do việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả dẫn tới tình hình tài chính của PVC lâm vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng.

Thay vì tìm các giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn cho PVC, PVN lại giao cho PVC gánh vác thêm các khoản đầu tư có nợ xấu và thua lỗ của 5 dự án tại Tổng Công ty cổ phần tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC) với giá trị lên tới 793 tỷ đồng. Tính đến năm 2011, PVC đã đầu tư tài chính vào 43 đơn vị với tổng giá trị đầu tư 3.460 tỷ đồng/2.500 tỷ đồng vốn điều lệ, làm mất cân đối dòng tiền đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Mặc dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm để thi công những Dự án nhiệt điện lớn nhưng bị cáo Đinh La Thăng với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN vẫn giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2- một công trình trọng điểm quốc gia theo hình thức chỉ định thầu.

Mặt khác, trong khi dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được phê duyệt; chưa có thiết kế FEED, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu và một loạt thủ tục pháp lý khác có liên quan, bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký kết Hợp đồng EPC số 33 ngày 28/2/2011 và Hợp đồng chuyển đổi chủ thể số 4194 ngày 13/5/2011 với giá trị lên tới 1,2 tỷ USD.

Thực chất việc ký kết các hợp đồng này chỉ nhằm mục đích lấy tiền của PVN để chuyển cho PVC đang chìm đắm trong nợ nần. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày từ 23 - 31/5/2011 thông qua việc xin tạm ứng, PVC đã rút của PVN 1.000 tỷ đồng trên tổng số 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD tạm ứng trái quy định. Sau đó PVC đã sử dụng không đúng mục đích số tiền lên tới 1.115 tỷ đồng gây thiệt hại cho PVN 119,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để có tiền chi tiêu và chiếm hưởng cá nhân, Trịnh Xuân Thanh cùng Vũ Đức Thuận đã đề ra chủ trương và giao cho Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVC) chỉ đạo Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch) đã cùng các bị cáo dưới quyền lập khống hồ sơ thiết kế, dự toán, thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán 4 hạng mục phụ trợ của Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, rút số tiền hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm nghe tòa tuyên án. Ảnh: An Đăng – TTXVN
Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa cho mình. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Tuy nhiên, khi lượng hình, Hội đồng xét xử đã đánh giá về vị trí, vai trò, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo. Trong đó, nhiều bị cáo được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như: Có nhiều cống hiến trong quá trình công tác, đã được nhận các giải thưởng khoa học lớn, khai báo thành khẩn, có thái độ hợp tác, ăn năn hối hận…

Cụ thể, đối với bị cáo Đinh La Thăng, Hội đồng xét xử thấy rằng, bị cáo là người đứng đầu PVN đã có hành vi chỉ định thầu cho PVC làm tổng thầu EPC Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khi biết rõ PVC không có đủ năng lực về tài chính cũng như kinh nghiệm để làm tổng thầu dự án này. Tại phiên tòa và tại cơ quan điều tra, bị cáo Đinh La Thăng đã cơ bản thừa nhận hành vi phạm tội.

Xét nhân thân bị cáo Đinh La Thăng chưa có tiền án, tiền sự, có nhiều thành tích trong công tác, nên Hội đồng xét xử đã quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo và áp dụng hình phạt bổ sung, cấm đảm nhiệm chức vụ và làm công việc trong một thời gian nhất định.

Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Hội đồng xét xử thấy rằng có đủ căn cứ để khẳng định Trịnh Xuân Thanh biết được PVC không đủ năng lực để làm tổng thầu thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, chưa đủ điều kiện để ký kết nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo ký kết Hợp đồng EPC số 33; chỉ đạo việc xin tạm ứng thực hiện hợp đồng và sử dụng tiền tạm ứng thực hiện hợp đồng sai mục đích.

Với hành vi phạm tội này, Hội đồng xét xử xác định bị cáo Trịnh Xuân Thanh đủ điều kiện để áp dụng mức án tử hình. Tuy nhiên, xét bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã cùng với gia đình tự nguyện khắc phục số tiền chiếm đoạt là 4 tỷ đồng. Gia đình bị cáo đều là cán bộ có công với Nhà nước. Tại phiên tòa, bị cáo Thanh phần nào cũng đã nhận ra sai phạm của mình nên Hội đồng xét xử đã quyết định không cần thiết áp dụng mức hình phạt cao nhất đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

* Đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật

Trong vụ án này, có những bị cáo đã từng giữ những trọng trách rất cao trong hệ thống cơ quan Đảng và Nhà nước. Các bị cáo khác, đa số có chức vụ và quyền hạn rất cao trong các doanh nghiệp Nhà nước. Hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án là biểu hiện một phần của tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động rất xấu đến chính trị, xã hội, gây bức xúc trong dư luận làm suy giảm niềm tin của nhân dân.

Vì vậy, việc đưa vụ án này ra xét xử đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước ta trong việc kiên quyết đấu tranh phòng, chống tệ nạn tham nhũng, lãng phí, thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tỏ rõ thái độ không khoan nhượng, "không có vùng cấm" đối với bất kỳ ai dù họ ở cương vị nào; mọi hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến tội phạm tham nhũng đều phải bị xử lý, tài sản tham nhũng phải bị thu hồi, công lý phải được thực thi, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Phát biểu ngay sau khi tuyên án, thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh tòa Hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, thành viên Hội đồng xét xử phiên tòa Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm) khẳng định: “Khi xét xử, Hội đồng xét xử đã ghi nhận những công lao, đóng góp trong một quá trình công tác nào đó của các bị cáo này.

Tuy nhiên, với tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và quyết tâm “không có vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước nên Hội đồng xét xử cũng rất cân nhắc, xem xét giữa công và tội của các bị cáo. Đồng thời cũng đã đưa ra một mức án tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo”.

Không chỉ dừng lại ở khuôn khổ hành vi của các bị cáo trong vụ án này, Hội đồng xét xử còn kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ những nội dung có liên quan, tránh để lọt người, lọt tội. Trong đó, Hội đồng xét xử kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ việc sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng tiền tạm ứng thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào các mục đích khác của PVC để xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị điều tra làm rõ việc phê duyệt Dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và các dấu hiệu sai phạm khác tại PVN và PVC; đề nghị làm rõ việc PVC để thất thoát hàng nghìn tỷ đồng từ việc được chỉ định thầu xây dựng một số dự án lớn khác như Ethanol Phú Thọ, Xơ sợi Đình Vũ…

Với những nhận định khách quan, bản án sơ thẩm đã được Hội đồng xét xử quyết định dựa trên cơ sở xét xử công tâm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bản án vừa mang tính nghiêm khắc, đồng thời cũng giúp cảnh tỉnh, răn đe trong công tác phòng ngừa tội phạm, tạo cơ hội cho người lầm lỗi có cơ hội phục thiện, làm lại cuộc đời, trở thành con người có ích, tiếp tục cống hiến cho xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục