Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn họp Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi

20:18' - 13/04/2025
BNEWS Việc giải ngân vốn đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, trong đó có vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là rất quan trọng để khai thông các nguồn lực cho phát triển đất nước.
Chiều 13/4, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Trưởng ban Chỉ đạo nêu rõ, đẩy nhanh được các dự án, sử dụng hiệu quả dự án là quan trọng nhất, làm sao cải tiến được quy trình, cắt ngắn thủ tục, tranh thủ nguồn vốn cho quá trình phát triển. Những vấn đề gì làm được cho đất nước thì phải cố gắng, cần xử lý ngay.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Theo Phó Thủ tướng, việc giải ngân vốn đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, trong đó có vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là rất quan trọng để phục vụ cho việc khai thông các nguồn lực cho phát triển đất nước. Muốn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao thời gian tới, cần phải sử dụng hiệu quả vốn ODA.

Tuy nhiên, giải ngân vốn ODA thời gian qua đạt tốc độ thấp. Giai đoạn 2021 - 2024, giải ngân vốn ODA chỉ đạt 52%/năm. 4 tháng đầu năm 2025 chỉ đạt 4,6%, rất thấp, trong khi đó, mức trung bình giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm của cả nước là khoảng 8%. Các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương vừa qua đã chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, trong đó nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính.

“Từ quy trình thủ tục triển khai dự án ODA đến quá trình triển khai, từ khâu giải phóng mặt bằng đến các bước triển khai dự án, năng lực, trách nhiệm của các cán bộ đều có những hạn chế dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công nói chung, đặc biệt là giải ngân vốn ODA chậm”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Phó Thủ tướng ghi nhận các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu sâu sắc, trách nhiệm, sát thực tế, thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, tồn tại, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh việc huy động nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, tăng thêm nguồn lực cho phát triển trong thời gian tới.

Cho rằng, các nguồn lực trong xã hội là quyết định, là chiến lược, là cơ bản lâu dài, nhưng huy động nguồn lực bên ngoài cũng rất quan trọng, đặc biệt là trong những ngành, lĩnh vực chúng ta còn chưa đủ trình độ khoa học công nghệ để triển khai, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn vốn ODA đã giúp Việt Nam rất nhiều trong quá trình phát triển. Việt Nam thực hiện được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) trước thời hạn cũng phần nhiều là do nguồn vốn ODA.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết, định hướng của chúng ta tới đây là tập trung vào những dự án có nguồn vốn vay ODA lớn, ưu đãi cao, thời gian thực hiện ngắn và cắt giảm các thủ tục hành chính, trong đó chú trọng các dự án cơ sở hạ tầng đường sắt, đường không, biến đổi khí hậu… Cần xây dựng một số dự án trọng điểm mà Việt Nam cần để làm việc luôn với các đối tác.

Ông đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến, rà soát cập nhật báo cáo để chuẩn bị tốt cho cuộc họp của Ban Chỉ đạo với các nhà tài trợ nước ngoài vào đầu tháng 5 tới; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Ban Chỉ đạo trước 18/4; hoàn thiện các văn bản pháp luật tháo gỡ về thể chế, xây dựng nghị định thay thế Nghị định 114/2021/NĐ-CP và Nghị định số 20/2023/NĐ-CP về quản lý, sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo trình tự thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trước 30/4. Bộ phải rà soát các nghị định này, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, cắt giảm các thủ tục hành chính, rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ chủ đầu tư và rõ kết quả để làm cơ sở cho việc theo dõi, đôn đốc, triển khai.

Cùng với đó, Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp các cơ quan kiến nghị Chính phủ sửa các luật liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công. Các nội dung sửa đổi phải rất cụ thể, có tính toán để tháo gỡ cho các dự án đã có trước đây.

Bộ Ngoại giao rà soát các vấn đề còn đang vướng mắc, trình sửa đổi một số điều của Luật Điều ước quốc tế, giảm bớt các thủ tục, nhất là việc ký thỏa thuận quốc tế liên quan đến ODA và vay ưu đãi.

Giải ngân chậm do nhiều vướng mắc, bất cập

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương cho biết, tổng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2021 - 2024 là 3.316,59 triệu USD. Năm 2025 đã khẩn trương thực hiện nhiệm vụ đàm phán, ký kết mới các hiệp định vay, trong đó, 4 tháng đầu năm đã hoàn thành đàm phán để có thể ký kết ngay với tổng trị giá vay 413,84 triệu USD cho 5 dự án và ký 3 hiệp định khung với Đức, Áo và Tây Ban Nha cho giai đoạn 2025 - 2030.

Đến nay, đã cơ bản thống nhất với các đối tác phát triển để có thể ký kết các hiệp định, thỏa thuận vay cho 23 dự án và 1 khoản vay cho hỗ trợ ngân sách (vay Chính phủ Nhật Bản), theo đó tổng số dự kiến có thể hoàn thành ký kết hiệp định, thỏa thuận vay trong năm 2025 khoảng 1.476 triệu USD.

Về giải ngân, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay, giai đoạn 2021 - 2024 đã giải ngân được 64.331,87/130.997,67 tỷ đồng vốn kế hoạch (không bao gồm số liệu của Bộ Quốc phòng).

Năm 2025, tính đến ngày 31/3, giải ngân vốn nước ngoài cả nước đạt mức 294 tỷ đồng, tương đương 1,26% kế hoạch năm được giao; ước giải ngân đến ngày 30/4 đạt 1.077 tỷ đồng, tương đương 4,6% kế hoạch cả năm, chưa tính số giải ngân kế hoạch vốn kéo dài của năm trước. Đầu năm các chủ dự án tập trung giải ngân kế hoạch vốn kéo dài và hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt.

Những khó khăn, vướng mắc được Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu ra là vướng mắc, bất cập về pháp lý; vướng mắc do khác biệt về chính sách, quy trình thủ tục của Việt Nam với nhà tài trợ. Thời gian qua, có một số bất cập trong quy định của pháp luật, trực tiếp là quy định về quản lý, sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi như: quy định về tài sản đảm bảo của đơn vị sự nghiệp công lập, quy trình thủ tục đàm phán còn kéo dài qua nhiều bước, trong đó có các bước trùng lắp theo quy định của Luật Điều ước quốc tế; giới hạn hạn mức cho vay đối với một khách hàng của tổ chức tín dụng.

Các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi vừa phải thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của nhà tài trợ, trong đó điển hình là quy định về đấu thầu, chính sách môi trường xã hội, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Quy trình thủ tục của Việt Nam và của các nhà tài trợ có khác biệt, chưa hài hòa.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư của các cơ quan chủ quản còn chậm ở các khâu, thủ tục hành chính kéo dài; vướng mắc trong khâu lập, giao, điều chỉnh kế hoạch vốn, về giải phóng mặt bằng và bố trí vốn đối ứng; bất cập, hạn chế về nguồn lực, năng lực của cơ quan chủ quản, chủ dự án và ban quản lý dự án…

Tại cuộc họp, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát lại toàn bộ công tác quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thời gian qua, từ đó xây dựng và hoàn thiện thể chế, phân bổ vốn, giải ngân các nguồn vốn; nhận diện những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan liên quan và giải pháp xử lý.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục