Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý thị trường

11:30' - 01/07/2017
BNEWS Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những bất cập hạn chế trong công tác quản lý thị trường khiến công tác kiểm tra, kiểm soát chưa đạt hiệu quả cao.

Sáng ngày 1/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ c hức kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường (3/7/1957-3/7/2017) và đón nhận Cờ thi đua của Chính Phủ.

Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình trao tặng Cơ thi đua Chính phủ cho lực lượng quản lý thị trường. Ảnh:Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã ghi nhận và biểu dương những thành tích của lực lượng đã đạt được trong 60 năm qua trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập hạn chế trong công tác quản lý thị trường khiến công tác kiểm tra, kiểm soát chưa đạt hiệu quả cao.

Đơn cử như việc phát hiện và xử lý hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ còn nhiều trở ngại; chi phí giám định cao, thời gian kéo dài đã ảnh hưởng đến kết quả của quá trình kiểm tra,xử lý. Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường còn quá mỏng nhưng phải quản lý kiểm tra số lượng lớn doanh nghiệp. Đồng thời, trang thiết bị, phương tiện chwua đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Vì thế, lực lượng quản lý thị trường cần khắc phục những hạn chế này để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường trong thời gian tới.

Theo Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, lực lượng quản lý thị trường phải xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.

Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường cần thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống. Hơn nữa, cần chú trọng công tác xây dựng lực lượng, rèn luyện đạo đức công vụ và đề cao vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng.

Tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương mà trực tiếp là Cục Quản lý thị trường sẽ sớm khắc phục những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc; xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia giao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ sẽ tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng có thuế suất cao, các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống như nông sản, thực phẩm, vật tư nông nghiệp…

Cùng với đó, Bộ cũng sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm phát luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thông, ban quản lý chợ, hiệp hội ngành hàng… tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh về các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật. Không những thế, Bộ sẽ tiến hành vận động các tổ chức, cá nhân cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và thực hiện kiểm tra sau khi ký cam kết, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đặc biệt, Bộ tiếp tục chú trọng công tác xây dựng lực lượng, thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức công vụ, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm công chức vi phạm, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu. Hơn nữa, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đề cao vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.

Thống kê từ Bộ Công Thương, trong suốt 60 năm hình thành và phát triển, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, của Bộ Công Thương, các Bộ tiền nhiệm của Bộ Công Thương và cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên phối hợp với các ngành, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, chống sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm, chống các hành vi phạm sở hữu trí tuệ.

Từ năm 1995 đến năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý gần 2 triệu vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 6000 tỷ đồng. Nhiều vụ vi phạm có quy mô lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương đã được Quản lý thị trường phối hợp cùng các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý.

Do có những đóng góp tích cực đó, lực lượng Quản lý thị trường đã được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, Huân chương lao động, Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cờ thi đua và Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại buổi lễ, Cục Quản lý thị trường vinh dự được Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ. Nhiều cá nhân đã có những đóng góp cho công tác Quản lý thị trường trong thời gian qua được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quản lý thị trường”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục