PNJ kinh doanh ra sao trong môi trường lạm phát đầy thách thức?
Giới phân tích nhận định, dù môi trường lạm phát đầy thách thức có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng vàng trang sức trong 6 tháng cuối năm, nhưng tăng trưởng doanh thu của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) vẫn sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi sau đại dịch COVID-19, vì mức nền so sánh thấp trong 6 tháng cuối năm 2021 do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài.
Hiện nay, PNJ đăng ký kinh doanh và hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: Sản xuất, kinh doanh trang sức vàng, bạc, đá quý, phụ kiện thời trang, quà lưu niệm, vàng miếng; Dịch vụ kiểm định kim cương, đá quý, kim loại quý; trong đó, lĩnh vực kinh doanh chủ chốt của doanh nghiệp là mảng vàng trang sức.
Hội đồng Vàng Thế giới dự báo năm 2023, tổng nhu cầu của ngành đối với vàng và vàng trang sức đạt 43 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn so với mức trước COVID-19 là 56 tấn vào năm 2019.
Năm 2023, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) dự báo suy giảm kinh tế trên diện rộng sẽ gây áp lực lên nhu cầu tiêu dùng vàng, tuy nhiên tác động và mức độ kéo dài của lạm phát ở Việt Nam sẽ là những yếu tố quyết định đến chi tiêu của người có thu nhập cao đối với hàng hóa không thiết yếu như trang sức. Do đó, SSI không kỳ vọng nhu cầu trong năm 2023 sẽ vượt mức trước COVID-19.
Tuy nhiên, lĩnh vực bán lẻ trang sức đang trong giai đoạn phục hồi theo hình chữ K trong 2 năm qua, nên các công ty hàng đầu như PNJ đã ghi nhận doanh thu vượt xa mức của năm 2019. Do đó, trong năm 2023, doanh thu của PNJ vẫn sẽ tăng trưởng so với giai đoạn trước đại dịch, dù sẽ chậm lại so với mức tăng trưởng của năm 2022.
Các chuyên gia từ SSI đã đưa ra những lo ngại về rủi ro giảm giá vì lạm phát và suy thoái sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mức chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu. Người thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, trong khi chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu của người thu nhập cao vẫn ổn định.
“Nếu tình trạng lạm phát và suy thoái kéo dài, chi tiêu của những người thu nhập cao cũng sẽ bị ảnh hưởng”, SSI dự báo
Ở chiều hướng tích cực, tăng vốn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp bán lẻ, vì số tiền thu được sẽ được sử dụng để tài trợ cho việc mở rộng trong tương lai hoặc để giảm tỷ lệ D/E (Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu) xuống mức an toàn hơn trong môi trường lãi suất tăng.
So sánh với mức nền cao của kết quả kinh doanh năm 2021, PNJ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong quý II/2022 với doanh thu 8.068 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 367 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng tới 81,1% so và 64,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PNJ đạt 18.210 tỷ đồng, tăng 56,5% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 70,5% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 1.088 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành 82,5% kế hoạch năm.
Doanh thu từng mảng kinh doanh đều tăng trưởng đột biến nhờ mảng bán lẻ vàng, bạc nữ trang quý II/2022 tăng trưởng 91% so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng tăng 61,9%, chủ yếu đến từ các cửa hàng hiện hữu tăng trưởng mạnh mẽ (doanh thu/ cửa hàng tăng tới 68% trong quý I/2022) và sự đóng góp doanh thu từ các cửa hàng mới.
Công ty cũng ra mắt nhiều bộ sưu tập cùng giải pháp marketing hiệu quả như: hợp tác với Galaxy, chương trình “Ngày của mẹ”, Sinh nhật PNJ 34 tuổi… và đạt kết quả vượt kỳ vọng. Đồng thời, công ty đẩy mạnh kênh bán hàng online.
Mảng bán sỉ quý II/2022 tăng 56% do công ty phát triển hiệu quả tệp khách hàng sỉ, mẫu mã phù hợp thị trường, lũy kế chiếm tỷ trọng 11,8% trong 6 tháng đầu năm 2022. Doanh thu vàng miếng lũy kế 6 tháng tăng 65,6%, chiếm tỷ trọng 28,2% so mức 26,6% của cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do nhu cầu tích lũy tài sản và biến động giá vàng tích cực từ đầu năm.
Biên lợi nhuận ròng trong 6 tháng năm 2022 trung bình đạt 17,6% so với mức 18,6% cùng kỳ 2021, chủ yếu do sự tăng trưởng của mảng vàng miếng vốn có lợi nhuận gộp thấp, chỉ từ 1-2% và thay đổi cơ cấu hàng hóa của kênh bán lẻ.
Tổng chi phí hoạt động lũy kế 6 tháng tăng trưởng 45,9% so với cùng kỳ, nhưng tỷ lệ chi phí hoạt động/lợi nhuận gộp đạt 54,6%, giảm so với mức 55,6% nhờ tối ưu hóa vận hành bằng các ứng dụng công nghệ vào bán hàng và quản lý.
Hoạt động tái cơ cấu hệ thống cửa hàng hiệu quả. Trong nửa đầu năm 2022, PNJ tiếp tục thu hẹp số cửa hàng PNJ Silver và trẻ hóa thương hiệu với PNJ Style nhằm hướng tới đối tượng khách hàng Gen Y. Việc ra mắt các bộ sưu tập mới đã đem lại tăng trưởng ấn tượng cho các nhãn hàng, đặc biệt là PNJ Style và Disney.
Các cửa hàng PNJ Watch độc lập được tái cấu trúc thành mô hình Shop-in-Shop (SiS) và bày bán kết hợp trong các cửa hàng PNJ Gold. Đến cuối quý I/2022, PNJ có 288 điểm bán SiS đối với PNJ Watch, số cửa hàng riêng lẻ giảm từ 70 cửa hàng trong quý III/2021 xuống còn 1 cửa hàng trong quý I/2022. Thay vào đó, trọng tâm phát triển mới sẽ là hệ thống cửa hàng PNJ Style, ghi nhận 4 cửa hàng trong toàn hệ thống tính đến cuối quý II/2022.
Thực tế, ngành bán lẻ tiếp tục phục hồi ấn tượng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2022 nối tiếp đà phục hồi tích cực từ đầu năm nay, đạt 486.000 tỷ đồng, tăng 2,4% trước đó và tăng 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét riêng tăng trưởng từ bán lẻ hàng hóa trong tháng 7/2022 tăng 29,4% so với cùng kỳ và lũy kế 7 tháng năm 2022 ghi nhận mức tăng tích cực 13,7% so với cùng năm ngoái; trong đó có sức mua giành cho những mặt hàng không thiết yếu.
Theo Công ty Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong dài hạn, nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức ở Việt Nam dự tính đạt 7,5% trong giai đoạn 2021-2030 nhờ tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng (từ mức chiếm 25% dân số năm 2021 lên 60% năm 2030); tăng trưởng thu nhập bình quân/đầu người với Mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5%, làm gia tăng tỷ trọng chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ.
Trong bối cảnh đó, PNJ tiếp tục khẳng định năng lực nội tại và vị thế trong ngành vàng bạc trang sức với tốc độ tăng trưởng vượt bậc. VCBS cho rằng mức tăng trưởng này đến từ các dòng sản phẩm kinh doanh mới như PNJ Style và Disney đem lại hiệu quả vượt trội; duy trì chiến lược bán hàng linh hoạt và phát huy lợi thế ERP (hệ thống giúp hoạch định nguồn lực của doanh nghiệp), linh hoạt thay đổi hiệu suất nhà máy và đẩy mạnh marketing tập trung vào phân khúc khách hàng sỉ và những những khách hàng Gen Y (nhóm khách hàng sinh từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990 - đầu thập niên 2000); tiến độ mở cửa hàng khả quan đạt 18/30 cửa hàng theo kế hoạch năm 2022 chủ yếu tại thành phố cấp 2 và 3 hỗ trợ doanh số.
Lịch sử tăng trưởng cao đã và đang được phản ánh liên tục trong giai đoạn 2017-2022 của PNJ khi tốc độ này luôn cao hơn trung bình ngành trong những năm thuận lợi và sụt giảm ít hơn so với doanh nghiệp cùng ngành trong những năm khó khăn.
VCBS dự phóng PNJ sẽ gia tăng thị phần đáng kể trên thị trường vàng trang sức từ mức 30% vào cuối năm 2021 lên 35 - 40% trong giai đoạn 2022-2023, khi nhiều nhà bán lẻ trang sức đã phải đóng cửa sau dịch COVID 19; chiến lược mới với PNJ Style giúp PNJ thâm nhập hiệu quả vào phân khúc khách hàng Gen Y.
Tăng trưởng trong thời gian tới phụ thuộc vào sức mua và tốc độ mở cửa hàng. Trong nửa cuối 2022, VCBS cho rằng rủi ro quan trọng nhất với PNJ là sự suy giảm sức mua đối với các mặt hàng xa xỉ do áp lực về lạm phát.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này chưa nhận thấy điều này được thể hiện rõ rệt trong kết quả kinh doanh quý II/2022 của công ty, khi doanh thu thuần vẫn giữ tăng trưởng lần lượt 49,6%, 67,7% và 159,8% trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6 do khách hàng của PNJ đều là đối tượng có thu nhập trung bình cao. Dù vậy, ảnh hưởng thường có độ trễ nên có thể được phản ảnh vào kết quả kinh doanh của hai quý cuối năm.
Trong kế hoạch tăng trưởng cho nửa cuối năm 2022, Ban lãnh đạo công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần trong năm 2022 tăng ít nhất 30% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng với lợi nhuận sau thuế đạt 1.472 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021 và vượt 8% so với kế hoạch.
Trong dài hạn, PNJ có kế hoạch mở rộng 30-40 cửa hàng mỗi năm, hướng tới mục tiêu có 500 cửa hàng bán lẻ vào năm 2025 với định hướng sản phẩm vào phân khúc trung và cao cấp.
Để đạt được mục tiêu này, PNJ dự kiên sẽ mở thêm 1-2 dây chuyền sản xuất tại nhà máy Long Hậu và Gò Vấp do các nhà máy hiện tại đã hoạt động hết công suất (4 triệu sản phẩm/năm).
Dù kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt kỳ vọng, VCBS cho rằng những điểm sáng này đã được phản ánh vào đà tăng giá của PNJ trong thời gian vừa qua.
Trong 2 quý cuối năm, VCBS nhận định, tăng trưởng của PNJ có thể đạt đỉnh vào quý III/2022 trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái và duy trì tích cực trong quý IV vì là mùa kinh doanh cao điểm của công ty./.
- Từ khóa :
- pnj
- vàng bạc đá quý phú nhuận
- giá vàng
Tin liên quan
-
Chuyển động DN
PNJ nửa đầu năm lãi 1.088 tỷ đồng, đạt 82,5% kế hoạch lợi nhuận năm
14:20' - 21/07/2022
Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với hàng loạt chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng.
-
Chứng khoán
PNJ báo lãi tháng 5 tăng 66%
10:11' - 22/06/2022
Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ) công bố doanh thu thuần tháng 5 đạt 2.671 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 141 tỷ đồng, tăng 66%.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Giá cao su lên đỉnh 13 năm, doanh nghiệp lãi lớn
17:43' - 16/10/2024
Giá cao su lên cao, thậm chí đạt mức đỉnh 13 năm là điều kiện thuận lợi để lợi nhuận các doanh nghiệp khai thác, chế biến mủ cao su tăng trưởng vượt bậc trong quý III và cả năm 2024.
-
Phân tích doanh nghiệp
“Quân át chủ bài” của FPT Retail trong cuộc chiến nhà thuốc bán lẻ
14:00' - 15/10/2024
Long Châu tiếp tục là mũi tăng trưởng chính cả về doanh thu và lợi nhuận của FPT Retail trong tương lai bù đắp cho sự khó khăn khi doanh thu mảng ICT đi xuống.
-
Phân tích doanh nghiệp
Petrovietnam về đích sớm tất cả chỉ tiêu tài chính năm 2024
13:59' - 11/10/2024
Tính đến hết 9 tháng của năm 2024, Petrovietnam đã hoàn thành toàn diện 6/6 chỉ tiêu tài chính cả năm 2024, về đích trước từ 3-5 tháng.