Porsche bước vào kỷ nguyên mới nhờ IPO thành công

09:45' - 15/10/2022
BNEWS Porsche lên sàn trở thành sự kiện ở châu Âu còn vì chứng khoán đang không còn hấp dẫn như trước.

Sự kiện Porsche của Đức, một trong những hãng sản xuất xe thể thao thành công nhất thế giới, lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) hồi cuối tháng 9/2022 vừa qua đã giúp hãng này bước vào một kỷ nguyên mới với các hoạt động kinh doanh ngày càng linh hoạt hơn.

Lutz Meschke, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị phụ trách Tài chính và Công nghệ Thông tin của Porsche, nói rằng hãng mong muốn truyền cảm hứng cho khách hàng và người hâm mộ trên toàn thế giới với những sản phẩm thành công và hiệu quả tài chính hấp dẫn.

Porsche rất vui mừng được chào đón những người sẽ trở thành một phần của “gia đình” Porsche, cùng nhau quyết tâm thực hiện chiến lược dài hạn, cũng như có thể tận dụng những gì tốt nhất mà Porsche đang có đó là lợi thế về vị thế trong thị trường xe hạng sang và sự hợp tác với Tập đoàn Volkswagen.

 

"Phá băng” thị trường?

Đợt IPO này đã chứng kiến 113,9 triệu cổ phiếu được phát hành và với mức định giá 76 tỷ euro, Porsche đã trở thành một trong những công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất châu Âu, vượt lên trên các đối thủ như BMW, với mức định giá 47 tỷ euro và Mercedes-Benz, với vốn hóa 56 tỷ euro, chỉ xếp sau những “gã khổng lồ” như Tesla, Volkswagen và Toyota.

Tờ Kurier ra của Áo cho biết các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng có thể mua cổ phiếu của Porsche, được chào bán công khai ở Đức, Áo, Thụy Sỹ, Italy (I-ta-li-a), Pháp và Tây Ban Nha. Dự kiến 49% tổng lợi nhuận hàng năm của hãng xe sẽ được chia cho cổ đông dưới dạng cổ tức. Porsche lên sàn trở thành sự kiện ở châu Âu còn vì chứng khoán đang không còn hấp dẫn như trước. Các doanh nghiệp không mặn mà gọi vốn, nhà đầu tư cũng chán nản vì thua lỗ.

Tờ Sudwest Presse của Đức cho biết suốt từ đầu tháng 6/2022 đến nay, ở Đức không có thêm doanh nghiệp nào lên sàn. Còn tính từ đầu năm, chỉ có 7 công ty khá nhỏ dám gọi vốn trên thị trường chứng khoán. Tất cả các doanh nghiệp mới chào sàn ở Đức đều thua lỗ, có công ty thua lỗ tới hơn 10%. Porsche là một doanh nghiệp tăng trưởng rất tốt, tuy nhiên tờ báo vẫn nghi ngại rằng đây chỉ là trường hợp cá biệt.

Trước khi Porsche chào sàn, tại châu Âu, trong nửa đầu năm nay chỉ có 66 doanh nghiệp niêm yết mới, chỉ thu về 4 tỷ euro trên thị trường sơ cấp. Các đợt phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn trong cùng thời kỳ cũng chỉ huy động thêm được 32 tỷ euro, mức thấp nhất trong 15 năm trở lại đây. Porsche lên sàn trong bối cảnh này như một điểm sáng trong thị trường chứng khoán ảm đạm ở châu Âu.

Tự chủ trong tương lai

Đợt IPO này đã mở ra quyền tự chủ và tự do kinh doanh lớn hơn cho Porsche trong bối cảnh thỏa thuận kiểm soát, chuyển nhượng lỗ và lãi với Volkswagen sẽ hết hạn vào cuối năm 2022. Sau đó, thỏa thuận này sẽ được thay thế bằng một thỏa thuận hợp tác công nghiệp (ICA), theo đó Porsche và Volkswagen sẽ “làm chủ” các mối quan hệ chiến lược và doanh nghiệp của mình trong tương lai.

Porsche vốn có một mối quan hệ thân thiết với Tập đoàn Volkswagen nhờ Volkswagen Beetle, chiếc xe đầu tiên của Volkswagen do chính Ferdinand Porsche, nhà sáng lập Porsche từ năm 1931, tạo ra. Porsche đã hợp tác với Volkswagen vào năm 1969 để sản xuất VW-Porsche 914 và 914-6, trong đó 914 có động cơ của Volkswagen, còn 914-6 có động cơ của Porsche. Sau đó, hai bên đã làm việc cùng nhau vào năm 1976 để sản xuất Porsche 912E và 924.

Bên cạnh đó, với việc IPO, Porsche đang chuyển hướng và đặt ra cho mình những mục tiêu đầy tham vọng về mặt kinh tế, sinh thái và xã hội. Tổng giám đốc điều hành của Porsche Oliver Blume cho hay hãng mong muốn định nghĩa lại khái niệm sang trọng hiện đại bằng cách kết hợp giữa sự sang trọng với tính bền vững và cam kết xã hội. Porsche muốn phát triển với các sản phẩm và dịch vụ sang trọng và thực hiện trách nhiệm xã hội.

Porsche đã đặt ra cho mình những mục tiêu đầy tham vọng đó là hơn 80% xe mới được phân phối là xe chạy bằng pin (BEV) vào năm 2030. Là một phần trong chiến lược trên, Porsche cũng đang nỗ lực hướng tới một chuỗi giá trị trung hòa carbon hoàn toàn vào năm 2030 và giai đoạn sử dụng trung hòa carbon hoàn toàn cho các mẫu BEV trong tương lai.

Gần đây Porsche cũng đã thực hiện một số động thái hướng tới hoạt động xanh, bao gồm đầu tư vào nhiên liệu, xây dựng mạng lưới các trạm sạc mang thương hiệu Porsche ở châu Âu và dự kiến cho ra mắt Porsche 718 roadster mang tính biểu tượng của mình vào năm 2025. Mẫu xe điện Taycan EV của hãng đã vượt qua thương hiệu chủ lực 911 về doanh số, thúc đẩy kế hoạch của Porsche điện hóa 80% danh mục đầu tư của mình vào năm 2030. Trên thực tế, Porsche tạo ra gần 25% lợi nhuận hoạt động của Volkswagen.

Porsche có tình hình tài chính vô cùng ổn định và vững chắc. Nhà sản xuất xe thể thao có trụ sở tại Stuttgart (Áo) này đã đạt được những con số cao nhất trong lịch sử ở cả doanh thu và lợi nhuận kinh doanh. Doanh thu năm 2021 của Porsche đạt 33,1 tỷ euro, cao hơn 4,4 tỷ euro so với năm trước (khoảng 28,7 tỷ euro) và đạt mức tăng trưởng 15%. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 5,3 tỷ euro, cao hơn 1,1 tỷ euro so với năm trước, đạt mức tăng trưởng 27%.

Trong năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022, Porsche dự kiến lợi nhuận hoạt động trên doanh thu sẽ tăng từ 17-18%, nhờ giả định doanh thu hãng trong khoảng từ 38-39 tỷ euro. Trong trung hạn, Porsche đang đặt mục tiêu lợi nhuận hoạt động trên doanh thu từ 17-19%. Porsche cũng đặt mục tiêu tăng tỷ suất lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần (EBITDA) trong những năm tới, với mục tiêu tỷ suất EBITDA trung hạn trong khoảng từ 25-27%, với giả định đồng euro vẫn yếu so với rổ tiền tệ chính. Về dài hạn, tham vọng của nhà sản xuất ô tô thể thao này là đạt được lợi nhuận hoạt động trên doanh thu hơn 20%.

Một cuộc khảo sát cho thấy hơn 97% xe Porsche được bán cách đây 25 năm vẫn đang chạy trên đường, điều này chứng tỏ chất lượng và các tính năng vận hành cao của xe. Các mẫu Boxster và Cayman của hãng được coi là những phương tiện đáng tin cậy nhất cho đến nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục