PTT Trịnh Đình Dũng: Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

16:19' - 30/03/2018
BNEWS Ngày 30/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp, tập đoàn và địa phương trên cả nước.
Kinh tế - xã hội tăng trưởng ổn định
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2018 rất tích cực. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành, lĩnh vực đều có sự phát triển và tương đối đồng đều ở tất cả các khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Tăng trưởng GDP của quý I đạt khoảng 7,38% so với cùng kỳ, trong đó cả ba khu vực kinh tế lớn đều có sự tăng trưởng và đóng góp vào mức tăng trưởng chung là tín hiệu rất đáng mừng.
Theo lãnh đạo các bộ, ngành và doanh nghiệp, các vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn là thách thức lớn như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá. Ngoài ra, yếu tố động lực tăng trưởng ở cả tổng cung và tổng cầu như khai thác dầu, than, đóng góp của Samsung, kiều hối, FDI, tiêu dùng đều đã được tận dụng và khó có khả năng duy trì được mức tăng cao như trong năm 2017.
Trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội quý I/2018 và tổng hợp tình hình, năng lực sản xuất các ngành, lĩnh vực theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018 theo theo hai phương án. Kịch bản 1 tương ứng với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức cao (6,7%).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Ảnh: TTXVN

Theo kịch bản này, các ngành, các cấp cần kiên trì, kiên định thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời có sự theo dõi chặt chẽ những diễn biến cụ thể từng tháng, từng quý của ngành, lĩnh vực và từng sản phẩm để có những giải pháp và đối sách phù hợp, tận dụng triệt để những thuận lợi và cơ hội cả ở trong và ngoài nước đem lại để phục vụ cho mục tiêu phát triển của ngành, lĩnh vực. Kịch bản 2 được xây dựng với mức tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 6,8%, trong đó chỉ thay đổi tăng trưởng của ngành công nghiệp, do xét thấy xu hướng tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là khá tốt.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đạt được mục tiêu phát triển nhanh nhưng phải bền vững để đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Nền kinh tế của đất nước những tháng đầu năm có dấu hiệu phát triển tích cực nhưng không được chủ quan. Phó Thủ tướng cho rằng, mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế- xã hội đạt 6,7% trở lên là mục tiêu nhất quán của Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng, kịch bản tăng trưởng chỉ có thể thực hiện được khi các nhân tố tham gia vào quá trình tăng trưởng đúng như dự báo. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần sự kiêm soát, nắm chắc quá trình tăng trưởng. Phó Thủ tướng cho biết, đây là điểm mới trong điều hành của Chính phủ và yêu cầu các địa phương cần nắm chắc những khó khăn, nhân tố tạo nên sự tăng trưởng. Những bộ tham gia vào quá trình phát triển kinh tế ngành phải nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh để xem mặt hàng nào tăng, linh vực nào giảm để cân đối.
Tập trung theo dõi sát sao tình hình sản xuất, kinh doanh
Tại Hội nghị, các đại biểu cho biết, ngay từ đầu năm, nhiều bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, chỉ thị, cụ thể hóa nhiệm vụ được giao thành từng mục tiêu cụ thể để tập trung chỉ đạo. Điều đó thể hiện tinh thần sự chủ động, sáng tạo, sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngay từ đầu năm 2018, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về các mặt phát triển và đề nghị các địa phương, bộ, ngành xây dựng kế hoạch kịch bản phát triển kinh tế- xã hội, từ đó đưa ra các giải pháp, rà soát những khó khăn, thách thức; hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế- xã hội trong cả năm là rất đúng đắn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hoạt động sản xuất nông nghiệp từ đầu năm rất khởi sắc, các sản phẩm nông nghiệp đang phát triển theo hướng tích cực báo hiệu tăng năng suất. Vừa qua, Việt Nam đã thắng thầu xuất khẩu 250 nghìn tấn gạo ra thế giới.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp của Việt Nam nhấn mạnh, năm 2018, khó khăn đối với nông nghiệp không phải là hoạt động sản xuất, mà là thị trường, vì không tiêu thụ được sản phẩm cũng sẽ là khó khăn không nhỏ. Chính phủ nên sớm tổ chức Hội nghị tập trung về thị trường nông sản cũng như phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tiếp cận và phát triển thị phần.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu, gắn với điều kiện thực tế của mỗi vùng, mỗi ngành, mỗi địa phương. Trên cơ sở đó, cần rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển phù hợp, đặc biệt với các bộ, ngành, địa phương, để xây dựng lộ trình để quy hoạch. Đồng thời, xác định các dự án đầu tư và kêu gọi nhà đầu tư, huy động nguồn lực; khắc phục tình trạng trì trệ, khó khăn, đề ra những giải pháp khắc phục, đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực.
Để thúc đẩy tăng trưởng trong quý II và cả năm, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung theo dõi sát sao tình hình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, mở rộng thị trường; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, các công trình còn đang dở dang của mọi thành phần kinh tế thuộc lĩnh vực công nghiệp để hướng tới tháo gỡ những khó khăn đang tồn tại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông phối hợp với Bộ Công Thương phát triển thị trường để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, coi trọng thị trường nội địa, hoạt động bán lẻ.
Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế- xã hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là nông sản; tích cực ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, tạo sự công bằng và nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, từ đó khắc phục tình trạng đầu tư tự phát dẫn đến dư thừa sản phẩm; xây dựng kịch bản phát triển và sản xuất nông sản theo hướng an toàn, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh cho cây trồng, vậy nuôi và đầu tư lâu dài cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, tạo cơ sở hạ tầng vững chắc, đóng góp cho tăng trưởng.

Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh hoạt động cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương thúc đẩy triển khai các hoạt động khoa học công nghệ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ từ Trung ương đến địa phương, nắm chắc tình hình sản xuất trên địa bàn, từ đó tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động tốt trên địa bàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục