Quái thú biển thực sự tồn tại

06:39' - 06/09/2016
BNEWS Các nhà khoa học thuộc Đại học Edinburgh của Anh đã đưa ra kết luận trên ngày 5/9 sau khi hoàn tất nghiên cứu một hóa thạch động vật được tìm thấy vào năm 1966 ở Scotland.
Quái thú biển thực sự tồn tại. Ảnh minh họa: bbc.co.uk

Thời kỳ kỷ Jura, trong khi các loài khủng long được xem là loài động vật bá chủ Trái Đất, thì dưới biển thực sự tồn tại một loài quái thú ăn thịt có hình dáng giống cá heo.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Edinburgh của Anh đã đưa ra kết luận trên ngày 5/9 sau khi hoàn tất nghiên cứu một hóa thạch động vật được tìm thấy vào năm 1966 ở Scotland.

Các nhà khoa học cho biết sau khi hóa thạch trên được tìm thấy cách đây 50 năm, nó đã được đưa về cất giữ cẩn thận tại một bảo tàng do khi đó chưa có kỹ thuật để tách bộ xương hóa thạch 170 triệu năm tuổi nói trên ra khỏi lớp đá trầm tích thời tiền sử.

Nó được đặt tên là quái thú Storr Lochs. Theo các nhà nghiên cứu, bộ xương hóa thạch thuộc về một loài bò sát thằn lằn cá. Loài sát thủ biển sâu này dài 4 mét, có thân hình mập tròn. Điều đáng chú ý Storr Lochs có hàm răng với hàng trăm chiếc răng sắc nhọn dựng đứng.

Đây chính là vũ khí săn mồi hữu hiệu của Storr Lochs và khiến chúng đáng sợ hơn nhiều so với Nessi - thủy quái Hồ Loch Ness bí ẩn được tương truyền.

Các nhà khoa học cho rằng Storr Lochs hoàn toàn tuyệt chủng một thời gian ngắn trước khi các loài khủng long hoàn toàn biến mất, và sau này bị cá heo và cá voi thế chỗ. Đây cũng là hóa thạch hoàn chỉnh nhất của một loài động vật biển mà các nhà khoa học từng phát hiện ở Scotland.

Phát hiện mới này góp phần giúp các nhà khoa học từng bước vén bức màn bí mật về sự tồn tại và biến mất đột ngột của loài động vật này.

Dự kiến, bộ xương hóa thạch Storr Lochs sẽ được trưng bày tại Viện bảo tàng Scotland./.

>>> Tìm thấy hóa thạch chim khổng lồ cách đây 50 triệu năm

>>> Phát hiện hóa thạch cho thấy sự sống tồn tại trên Trái Đất 3,7 tỷ năm trước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục