Quản lý, sử dụng đất đai thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam

18:40' - 25/08/2023
BNEWS Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 25/8, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo dõi nội dung phiên họp, các nhà khoa học, chuyên gia, học giả đánh giá cao vai trò, vị thế của Luật Đất đai trong hệ thống Luật; cho rằng, dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến trình Quốc hội lần này đã được chuẩn bị hết sức công phu, được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc kỹ lưỡng, chọn lọc với hơn 12 triệu lượt ý kiến quan tâm của nhân dân trong cả nước tham gia.

 

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) kết cấu với 16 chương 246 điều. Dự thảo Luật có phạm vi sửa đổi toàn diện các lĩnh vực, nội dung, yêu cầu từ thực tiễn về quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; công tác bồi thường, tái định cư, xác định giá đất; chính sách quản lý, sử dụng đất đai phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam; việc giải quyết hài hòa các vấn đề giữa các chủ thể tham gia: Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

Thạc sỹ Mai Thanh Hải, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Thị trường - Truyền thông Quốc tế (IMRIC) (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, quá trình xây dựng dự thảo Luật đã được Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc một số ý kiến để chỉnh sửa, bổ sung cho dự thảo Luật theo hướng hoàn chỉnh hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung đề nghị Cơ quan soạn thảo Trung ương tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung để Luật ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng mong muốn của nhân dân.

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, để thống nhất với nội dung của Điều 5 và quy định về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất (tại Chương 3 của dự thảo Luật), Thạc sỹ Mai Thanh Hải đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ đối tượng áp dụng tại khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật: “Người sử dụng đất bao gồm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư”.

Bên cạnh đó, ông Mai Thanh Hải cũng đánh giá, dự thảo Luật quy định phạm vi điều chỉnh của “khu vực quản lý nghiêm ngặt mục đích sử dụng đất” đối với “đất chuyên trồng lúa” là quá cứng nhắc; “khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất” đối với khu dân cư tại đô thị và nông thôn là chưa hợp lý, chưa thống nhất với pháp luật về nhà ở, đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị và thực tiễn cuộc sống. Đối với đất “khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình hạ tầng quốc gia”, cần đưa vào “khu vực quản lý nghiêm ngặt mục đích sử dụng đất” thì hợp lý hơn.

Về phân loại đất, Điều 10 dự thảo Luật chia nhóm đất phi nông nghiệp thành 10 loại có khác biệt so với một số Luật khác như Luật Xây dựng và một số tiêu chuẩn quy phạm hiện hành, ông Mai Thanh Hải đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát lại các loại đất như: Đất chiếu sáng công cộng, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất bảo quản lưu trữ tro cốt…; giao cho Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo thống nhất khái niệm và có sự phù hợp giữa các Luật, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý sau này.

Góp ý về bồi thường thiệt hại đối với nhà, công trình trên đất khi Nhà nước thu hồi đất, Luật sư Ngô Thành Ba, Công ty Luật Niềm tin Công lý, Hội Luật sư Hà Nội cho hay, nội dung quy định tại điểm D khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 phân loại đất kinh doanh thương mại, dịch vụ là khá chung chung, dẫn tới khi cụ thể hóa tại khoản 1 Điều 153 của dự thảo Luật cũng có những nội dung tương tự.

Luật sư Ngô Thành Ba cho rằng, đất kinh doanh thương mại, dịch vụ gồm đất xây dựng các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho kinh doanh thương mại, thương mại, dịch vụ. Việc sử dụng đất kinh doanh thương mại, dịch vụ phải phù hợp với quy hoạch và hình thức sử dụng là thuê đất trong phạm vi 50 năm hoặc 70 năm, có thể được gia hạn sử dụng.

Nhìn vào quy định này, rất khó để xác định đất sử dụng cho kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, các quy định tiếp theo tại Nghị định của Chính phủ về thi hành Luật đất đai cũng không chi tiết, cụ thể hóa đất sử dụng cho mục đích kinh doanh thương mại, dịch vụ mà chỉ đề cập đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình, trình tự thực hiện theo các Điều 70, 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Luật sư Ngô Thành Ba nêu ý kiến: "Do bất động sản du lịch đã hình thành từ trước đến nay; đồng thời, các hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch đã đi những bước dài trước khi được luật hóa và hướng dẫn cụ thể. Theo tôi, cần chi tiết hóa loại đất kinh doanh thương mại, dịch vụ phục vụ cho mục đích kinh doanh bất động sản du lịch trong Luật Đất đai tới đây".

Đánh giá quy định về tái định cư, trong dự thảo Luật (khoản 4 Điều 106) mới xác định được quyền ưu tiên chỉ với người có công với cách mạng là chưa đủ, Luật sư Ngô Thành Ba đề nghị Cơ quan soạn thảo cần xem xét bổ sung một số đối tượng được ưu đãi nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung thêm quy định về đất xây dựng công trình ngầm, công trình trên không và quy định về việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với đất xây dựng công trình ngầm, công trình trên không, đưa vào Điều 153 của dự thảo Luật.

Về điều khoản thi hành, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có liên quan, tác động đến sửa đổi, điều chỉnh hơn 120 Luật, vì vậy, Luật sư Ngô Thành Ba đề nghị Cơ quan soạn thảo cần nêu đồng bộ các Luật cần phải sửa đổi, điều chỉnh tại Điều 246 hoặc liệt kê trong phần phụ lục kèm theo Luật; giao Chính phủ xem xét đề xuất trình Quốc hội ban hành.

Các chuyên gia, nhà khoa học hy vọng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ có nhiều nội dung được sửa đổi chi tiết, sát thực tế, có tính khả thi cao hơn và từng bước tháo gỡ được những vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục