Quản lý thị trường: Vẫn còn công chức có biểu hiện bao che, tiếp tay

18:52' - 13/01/2020
BNEWS Chiều 13/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của lực lượng Quản lý thị trường.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Theo báo cáo, riêng trong năm 2019, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng; đã phát hiện, xử lý trên 90 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng; ước trị giá hàng tịch thu chưa bán trên 170 tỷ đồng (ước thu nộp ngân sách nhà nước tăng gần 180 tỷ đồng so với năm 2018).

Tấn công nhiều điểm nóng, đường dây lớn về hàng giả, hàng lậu

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận nỗ lực, cũng như những kết quả lực lượng Quản lý thị trường đã đạt được trong năm qua. Lực lượng Quản lý thị trường đã tấn công được vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được.

Phó Thủ tướng nêu lên một số vụ việc nổi bật như: vụ tại 2 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh; kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và tại Thành phố Hồ Chí Minh; kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới, thay đổi tem nhãn thành "made in Việt Nam"; vụ việc kiểm tra, xử lý 3.108 chai rượu nhập lậu tại tỉnh Quảng Bình; vụ việc 2 xe container chứa hàng tấn thực phẩm đông lạnh gồm lưỡi vịt, trứng non, nầm không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nội ngày 30/12/2019; phối hợp với Bộ Công an triệt phá đường dây buôn lậu đường tại An Giang và các tỉnh lân cận…

Bên cạnh đó, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác tuyên truyền, hợp tác đối ngoại tiếp tục được Tổng cục Quản lý thị trường quan tâm, triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Công tác triển khai thực hiện Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường đã được Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác tiếp nhận, triển khai kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự theo đúng trình tự quy định. "Đến nay, bộ máy tổ chức của Tổng cục Quản lý thị đã cơ bản được kiện toàn, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ", Phó Thủ tướng ghi nhận.

Thời gian qua, lực lượng đã quan tâm làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, người lao động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, trong năm 2019 lần đầu tiên đã mở được lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Quản lý nhà nước ngạch kiểm soát viên cao cấp thị trường cho công chức của lực lượng.

Vẫn còn công chức có biểu hiện bao che, tiếp tay

Bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, công tác Quản lý thị trường cũng còn không ít khó khăn, tồn tại cần khắc phục. Sự cắt giảm về tổ chức và nhân sự ngay tại thời điểm thành lập Tổng cục khiến cho công tác chuyển giao, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự gặp một số khó khăn, lúng túng, gây xáo trộn về tổ chức, ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận công chức, nhất là công chức lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị sáp nhập. 

Công tác kiện toàn nhân sự của Tổng cục Quản lý thị trường cũng gặp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước như quy định về tuổi bổ nhiệm, trình độ chính trị, trình độ đào tào, bồi dưỡng theo ngạch công chức...

Bên cạnh đó, năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức Quản lý thị trường chưa đồng đều nên đã ảnh hưởng đến công tác tham mưu, kiểm tra, xử lý vi phạm. "Vẫn còn có công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và đã bị xử lý", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những công chức vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu

Theo Phó Thủ tướng, dự báo năm 2020, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong thời gian tới, để xử lý hiệu quả hơn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo của Bộ Công Thương và cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nói chung, đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng tiếp tục rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng: Công an, Hải quan, Thuế, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Lực lượng đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự, biên chế để ổn định tổ chức và hoạt động của Quản lý thị trường, qua đó tập trung lực lượng đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Xây dựng lực lượng Quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng những công chức, người lao động có hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, gây phiền hà khi thực thi công vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Toàn lực lượng Quản lý thị trường chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương, thực hiện các quy định của pháp luật về Quản lý thị trường, lưu ý những việc công chức không được làm.

Lực lượng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.

Về một số kiến nghị của lực lượng Quản lý thị trường tại hội nghị, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, giao cho các bộ, ngành liên quan giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình trình Chính phủ xem xét, giải quyết, như: các kiến nghị liên quan đến bổ sung lực lượng Quản lý thị trường được sử dụng xe có tín hiệu được quyền ưu tiên trên cơ sở đánh giá, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 109/2009/NĐ-CP ngày 1/12/2009 của Chính phủ; kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các Cục Quản lý thị trường tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục được triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ bản dở dang; kiến nghị về cơ chế để lại số thu từ nguồn xử lý vi phạm hành chính của lực lượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục