Quản lý thuế nông sản nhập khẩu khu vực miền Nam

18:02' - 11/06/2024
BNEWS Ngày 11/6/, tại Tây Ninh, Tổng cục Thuế tổ chức Hội thảo với chủ đề Nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh nông sản nhập khẩu khu vực miền Nam.

Ngày 11/6/, tại tỉnh Tây Ninh, Tổng cục Thuế tổ chức Hội thảo với chủ đề Nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh nông sản nhập khẩu khu vực miền Nam, nhằm đánh giá quản lý thuế nông sản nhập khẩu đối với doanh nghiệp, đồng thời rút kinh nghiệm, tìm giải pháp để tiếp tục thực hiện quản lý, chống thất thu ngân sách nhà nước.

 

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, theo dữ liệu Tổng cục Hải quan, trong 2 năm (2022-2023), tổng trị giá nhập khẩu của các mặt hàng nông lâm thủy hải sản, thực phẩm, chế phẩm từ nông sản của doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh phục vụ hoạt động tiêu dùng, sản xuất kinh doanh đạt 33,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 4,7% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước (cả nước 717,4 tỷ USD), tương đương 829.493 tỷ đồng; số thuế giá trị gia tăng phải nộp đạt 15.083 tỷ đồng, trong đó, khối doanh nghiệp chiếm 99% tổng trị giá, hộ cá nhân kinh doanh chiếm 1%. Các mặt hàng nhập khẩu chính trong giai đoạn 2022-2023 là ngô, lúa mì, hạt điều, sắn, đậu tương, thịt trâu, bò…

Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế), điều hành Hội thảo. Ảnh: Minh Phú - TTXVN
Theo đánh giá của Vụ Kê khai Kế toán thuế, trong quá trình hoạt động, cơ quan thuế đã tích cực rà soát, phát hiện nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro, các cơ quan chức năng cũng đã đẩy mạnh xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật; trong đó, nhiều doanh nghiệp có phát sinh trị giá nhập khẩu nông sản rất lớn nhưng đã bỏ địa chỉ kinh doanh; kê khai doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra không tương xứng với trị giá nhập khẩu, không phát sinh thuế nộp ngân sách Nhà nước, tập trung ở các địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lạng Sơn, Tây Ninh, Lào Cai, Hải Phòng…

Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp phát sinh trị giá nhập khẩu nông sản lớn hơn doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra và không kê khai doanh thu. Về thông tin người đại diện pháp luật, có sự thay đổi nhiều lần (đa số những người này có mối quan hệ với nhau); thường xuyên thay đổi địa điểm đăng ký kinh doanh qua nhiều địa bàn nhằm tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng…Hơn nữa, vốn đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp không tương ứng với quy mô doanh thu phát sinh; thực hiện mua bán "lòng vòng" nhằm gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế trong việc xác minh hoạt động mua bán.

 
Ông Nguyễn Tấn Lợi, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Tây Ninh cho biết, tình hình nhập khẩu nông lâm thủy hải sản, thực phẩm, các chế phẩm từ nông sản của các doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh phục vụ hoạt động tiêu dùng, sản xuất kinh doanh từ năm 2022 đến năm 2023 ở Tây Ninh, trị giá nhập khẩu là 2,66 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 25% tổng kim ngạch nhập của tỉnh (10,68 tỷ USD), tương đương 62.280 tỷ đồng, trong đó trị giá nhập khẩu của doanh nghiệp chiếm 100% tổng trị giá.

Cũng theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Tây Ninh, các mặt hàng nông sản nhập khẩu chính tại Tây Ninh trong giai đoạn 2022 đến năm 2023 là sắn tươi (0,74 tỷ USD); cao su tự nhiên đã qua sơ chế (0,54 tỷ USD); sắn lát khô (0,47 tỷ USD); hạt điều thô chưa qua sơ chế (0,39 tỷ USD); mủ cao su chưa qua sơ chế (0,26 tỷ USD); hạt đậu xanh (0,22 tỷ USD)… nhập khẩu chủ yếu từ Campuchia với tổng doanh thu tính thuế giá trị gia tăng trong 2 năm là 98.084 tỷ đồng, số thuế phải nộp là 724 tỷ đồng, số thuế đã nộp là 702 tỷ đồng, Số thuế hoàn 424 tỷ đồng. Qua công tác quản lý doanh nghiệp, Cục Thuế đã phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp có rủi ro lớn và đã ngăn chặn, xử lý kịp thời, Cục Thuế Tây Ninh đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với 2 doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế.

Ngành thuế tỉnh Tây ninh cũng đã thực hiện rà soát các doanh nghiệp hàng nông sản có sử dụng hóa đơn của một trong số 524 doanh nghiệp rủi ro về hóa đơn đã yêu cầu và mời doanh nghiệp giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn để khấu trừ thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế giá trị gia tăng, tính vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cục Thuế tỉnh Tây Ninh Kiến nghị cơ quan đăng ký doanh nghiệp tăng cường quản lý việc cấp giấy phép đăng ký thành lập doanh nghiệp; rà soát địa chỉ số nhà đầy đủ … nhằm ngăn chặn đối tượng lợi dụng đăng ký thành lập “Công ty ma” để hoạt động vi phạm pháp luật; tăng cường quy chế trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan, thuế và các đơn vị chức năng trong việc phân tích, đánh giá rủi ro, quản lý người nộp thuế, nhất là lĩnh vực hàng nông sản.

Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh Thái Minh Giao cho biết, thuế nhập khẩu mặt hàng nông sản phát sinh trên địa bàn khá lớn, có rủi ro cao, từ năm 2022 đến hết năm 2023 Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh quản lý 3.258 doanh nghiệp kinh doanh nông sản nhập khẩu; trong đó, có 1.343 doanh nghiệp nằm trong danh sách rủi ro, với số thuế nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp là khoảng 41 nghìn tỷ và hơn 1.100 tỷ tiền hoàn thuế.

Qua rà soát trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh hiện nay có nhiều doanh nghiệp thực hiện bán nông sản theo phương thức giao dịch liên kết, bán qua nhiều doanh nghiệp với mục đích tăng chi phí nhằm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, việc chênh lệch giá mua và giá bán tương đối lớn… Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh đang tiếp tục rà soát tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro.

Tại Hội thảo, đại diện Cục Thuế các tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng cũng đã tích cực tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại địa phương thông qua các tham luận và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế và chống thất thu ngân sách Nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh nông sản nhập khẩu.

Vụ trưởng Vụ Kê khai Kế toán thuế Lê Thị Duyên Hải cho biết, thời gian tới, ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh rà soát, theo dõi, phân tích tình hình hoạt động, kê khai đối với các trường hợp một cá nhân là người đại diện pháp luật từ 2 doanh nghiệp trở lên có phát sinh kinh doanh mặt hàng nông sản nhằm quản lý, xử lý phù hợp những trường hợp cố tình thực hiện giao dịch liên kết, mua bán qua nhiều doanh nghiệp với mục đích tăng chi phí nhằm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, chênh lệch giá mua và giá bán....

Ngoài ra, đối với Cục Thuế các tỉnh, thành phố, Tổng cục Thuế đề nghị tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan, đặc biệt là các cơ quan Hải quan tại địa bàn tỉnh, thành phố có cửa khẩu để trao đổi các thông tin liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu nông sản, qua đó góp phần mang lại hiệu quả trong quản lý thuế, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước với phương châm tích cực hỗ trợ để doanh nghiệp tự giác điều chỉnh hồ sơ kê khai (trừ các trường hợp bị Cơ quan chức năng ngăn chặn khai bổ sung); đồng thời sẽ đưa vào danh sách thanh tra, kiểm tra đối với trường hợp doanh nghiệp khai bổ sung chưa đảm bảo.

 

Đối với doanh nghiệp bỏ trốn, ngừng hoạt động, trên cơ sở dữ liệu hóa đơn, Tổng cục Thuế sẽ đưa ra danh sách các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm để có biện pháp chế tài xử lý phù hợp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục