Quảng Ngãi xây dựng ngành thủy sản có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn

12:31' - 30/03/2022
BNEWS Quảng Ngãi phê duyệt chương trình phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phấn đấu đưa địa phương trở thành một điểm mạnh về kinh tế biển, làm giàu từ biển.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký quyết định số 268/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phấn đấu đưa địa phương trở thành một điểm mạnh về kinh tế biển, làm giàu từ biển; phát triển kinh tế biển đồng bộ nuôi trồng, khai thác, chế biển hải sản; xây dựng ngành thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu.

 

Đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân của địa phương từ 5-6%/năm; giá trị sản xuất đạt 9.056 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 25 triệu USD; tổng sản lượng thủy sản đạt 275.000 tấn.

Cụ thể, sản lượng khai thác thủy sản ở mức 260.000 tấn/năm; cơ cấu tàu thuyền khai thác theo hướng giảm dần tàu có chiều dài dưới 15 mét khai thác vùng biển ven bờ và vùng

lộng; giảm tỷ lệ nghề lưới kéo xuống dưới 25%, khuyến khích chuyển đổi sang các nghề khai thác thân thiện với môi trường; 100% tàu thuyền có chiều dài từ 15m trở lên được lắp thiết bị giám sát hành trình.

Diện tích nuôi trồng thủy sản phấn đấu đến năm 2030 đạt 2.030 ha nuôi nước lợ, ngọt; trong đó, nuôi lợ 930 ha (gồm nuôi trên cát 300 ha, nuôi vùng triều 630 ha), nuôi nước

ngọt 1.100 ha và 200.000 m3 lồng nuôi mặn (khoảng hơn 2.000 lồng nuôi) trên biển.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng dần khoảng 3-4%/năm, phấn đấu đến năm 2030 đạt 15.000 tấn, gồm nuôi nước lợ 12.000 tấn (trong đó tôm nước lợ 9.000 tấn), cá nước ngọt 2.000 tấn, nuôi biển 1.000 tấn.

Đối với chế biến thủy sản, Quảng Ngãi sẽ đưa tổng công suất nhà máy chế biến đến năm 2030 đạt 30.000 tấn; sản lượng sản phẩm chế biến khoảng 23.000 tấn, xuất khẩu thủy sản đạt 25 triệu USD; xây dựng hình thành 1 - 2 chuỗi liên kết sản xuất khai thác, nuôi trồng -  chế biến - tiêu thụ sản phẩm thủy sản; phấn đấu 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo đúng các quy định của nhà nước về sản xuất kinh doanh thủy sản.

Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Ngãi tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng thủy sản đồng bộ gồm hệ thống cảng cá, khu neo đậu, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung… Bên cạnh đó, các địa phương sẽ giúp người dân ứng dụng các công nghệ mới về hiện đại hóa tàu cá và công nghệ khai thác hải sản tiên tiến, ứng dụng kỹ thuật và khoa học công nghệ tiên tiến trong bảo quản sản phẩm; áp dụng khoa học công nghệ tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản để ngăn ngừa dịch bệnh cũng như nâng cao năng suất, chất lượng thủy sản theo hướng bền vững.

Hiện tỉnh đang xây dựng cơ chế, chính sách về chuyển đổi nghề khai thác thủy sản, khuyến khích ngư dân tham gia hình thành các mô hình tổ chức tập thể, doanh nghiệp, tập đoàn; chính sách hỗ trợ ngư dân trong khai thác, đào tạo nghề, hỗ trợ rủi ro, tín dụng đầu tư để phát triển thủy sản…; tiếp tục nâng cao năng lực chế biển thủy sản, năng lực phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường cũng như tìm kiếm khai thác thị trường, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, hội nhập quốc tế…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục