Quảng Ninh bứt phá lấy đà tăng trưởng mới

11:41' - 15/07/2025
BNEWS Quảng Ninh đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm, đột phá trong chính sách, định vị lại các giá trị địa phương, nhận diện đầy đủ lợi thế, thách thức, mâu thuẫn, điểm nghẽn để tìm cách hóa giải.

Giai đoạn những tháng cuối năm, bối cảnh quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đây cũng là thời điểm mùa mưa bão với những dự báo thời tiết cực đoan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Giai đoạn này, Quảng Ninh cũng như cả nước bắt đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, do vậy Quảng Ninh tiếp tục tập trung đồng bộ, có hiệu quả trong triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, trên cơ sở bám sát kịch bản tăng trưởng đã đề ra.

Tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu nền công nghiệp; phát triển hiện đại dịch vụ tổng hợp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành ngân sách và quản lý chặt chẽ đầu tư công; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược thông qua kinh nghiệm và các kết quả đã đạt được trước đó. Bám sát và triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, đồng hành cùng đất nước tiến lên trong kỷ nguyên mới.

Bằng các giải pháp hiệu quả và cụ thể trong chỉ đạo, điều hành nhằm tạo bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà tăng trưởng mới, 6 tháng đầu năm 2025, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 11,03%, đứng thứ 3 cả nước, cao hơn 2,01% so cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng cao nhất với mức tăng 13,03%, chiếm tỷ trọng 35,6%, đóng góp 4,58 điểm trong tăng trưởng chung của tỉnh. Khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, tồn đọng kéo dài nhiều năm qua, nhưng vẫn đạt mức tăng 11,48%, tăng 3,8% so cùng kỳ. Các lĩnh vực thuế, sản phẩm, nông, lâm, thủy sản tăng trưởng, đảm bảo kế hoạch, kịch bản đã đề ra.

Với quan điểm để người dân được hưởng các thành tựu của phát triển, Quảng Ninh luôn bảo đảm các hoạt động phát triển kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng an sinh xã hội, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tỉnh quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho người có công và trợ giúp xã hội cho các đối tượng thụ hưởng. Tổng kinh phí thực hiện an sinh xã hội 6 tháng đầu năm đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ năm 2024.

Toàn tỉnh hoàn thành triển khai sửa chữa, xây mới nhà ở đối với 96/102 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh. Công tác giáo dục, đào tạo đạt nhiều thành tích cao, năm học 2024-2025 Quảng Ninh tiếp tục xếp thứ 8/63 tỉnh, thành có số lượng và tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia THPT; được công nhận là tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mức cao nhất… Bên cạnh đó, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, mở rộng...

Kết thúc nửa đầu năm 2025, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, đặc biệt nhiều vấn đề phát sinh trong thực hiện chủ trương lớn của đất nước về triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tuy nhiên Quảng Ninh vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định với mức tăng trên 11%, đứng thứ 3 cả nước. Điều này cho thấy rõ hiệu quả trong điều hành và chỉ đạo của tỉnh với quyết tâm tạo tăng trưởng mới, đồng hành cùng đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình.

Với mục tiêu đạt mức tăng trưởng 14% trong năm 2025, đồng hành cùng đất nước đạt tốc độ tăng trưởng 8% trở lên và tăng trưởng 2 con số từ năm 2026, đáp ứng sự mong mỏi, tin tưởng từ Chính phủ, ngay từ đầu năm, trên cơ sở tính toán căn cơ từng nguồn lực, từng nhân tố tăng trưởng, Quảng Ninh đã ban hành kịch bản, đặt mục tiêu tăng trưởng cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương theo từng tháng và từng quý.

Theo đó, Quảng Ninh tập trung đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm, đột phá trong chính sách, định vị lại các giá trị địa phương, nhận diện đầy đủ lợi thế, thách thức, mâu thuẫn, điểm nghẽn để tìm cách hóa giải. Tỉnh đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tích cực làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, trọng tâm là về đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, tạo đột phá trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế biển, kinh tế di sản, kinh tế đêm, các lĩnh vực mới nổi...

Đồng thời, thể hiện rõ quyết tâm, sự quyết liệt, đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển, triển khai những dự án động lực, trọng điểm thông qua việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn liên quan đến đất đai, quy hoạch, dự án đầu tư (vật liệu đất, cát san lấp mặt bằng, giá đất...).

Từ đó, tạo điều kiện để các dự án, như: Đường ven sông, Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, Công viên Đại Dương Hạ Long, Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh... được đẩy nhanh tiến độ, bù đắp cho thời gian chậm trước đó. Nhiều dự án mới cũng được khởi công, như Nhà máy Lite-On Quảng Ninh giai đoạn 1 tại KCN Sông Khoai với tổng vốn đầu tư 690 triệu USD; đưa Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng vào sản xuất thương mại…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục