Quảng Trị phát triển nghề làm cá cơm khô

20:02' - 20/02/2019
BNEWS Từ trước đến nay, cá cơm khô truyền thống của xã Gio Việt sản xuất ra không kịp so với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Phơi cá khô. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

Theo các hộ dân sản xuất cá cơm khô ở xã Gio Việt, cá cơm khô ở đây được chế biến theo đúng quy trình truyền thống của làng: Cá cơm tươi được thu mua về rửa sạch, đem hấp chín với tỷ lệ 1 tấn cá với khoảng 2 - 2,5 tạ muối, rồi đem phơi khô.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và thương hiệu của làng nghề, tất cả các hộ dân tham gia sản xuất cá cơm khô ở Gio Việt đều tuyệt đối tuân thủ đúng với hương ước của làng là không sử dụng hóa chất trong sản xuất.

Nhờ đó, từ trước đến nay, cá cơm khô truyền thống của xã Gio Việt sản xuất ra không kịp so với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, thương lái của Trung Quốc còn đến ngay tại địa phương để thu mua cá khô của làng.

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Gio Việt, hiện nay, trên địa bàn xã Gio Việt, có tất cả 79 hộ gia đình sản xuất cá khô, bình quân mỗi hộ sản xuất bình quân được từ 5 tạ - 1 tấn/ngày, mỗi ngày làng nghề sản xuất được trên dưới 50 tấn cá khô xuất bán cho thị trường.

Với giá cả hiện nay, trên thị trường, cá cơm khô được các thương lái thu mua có giá 50 triệu đồng/tấn. Sau khi trừ đi tất cả các chi phí: cá nguyên liệu, muối, chất đốt, nhân công,… các hộ dân sản xuất cá cơm khô của làng còn lãi được 1 triệu đồng/tấn cá cơm khô thành phẩm.

Đặc biệt hơn, mỗi lò sản xuất cá cơm khô của làng còn giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động/lò và gián tiếp cho nhiều lao động khác; trong đó, có nhiều lò sản xuất đạt năng suất trên 1 tấn/ngày như các hộ ông Nguyễn Văn Từ ở thôn Xuân Tiến, hộ chị Phan Thị Vân ở thôn Xuân Lộc, hộ chị Võ Thị Hồng ở thôn Xuân Tiến…

Sản xuất cá cơm khô phụ thuộc nhiều và điều kiện thời tiết (chỉ sản xuất được khi thời tiết khí hậu ngoài trời phải trên 30 độ C) nên bình quân mỗi tháng làng nghề chỉ sản xuất được trong khoảng 10 ngày có nắng.

Do đó, để phát triển hơn nữa làng nghề truyền thống, Ủy ban nhân dân xã Gio Việt luôn tạo mọi điều kiện cho các hộ dân sản xuất cá cơm của làng được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất; phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất cá cơm khô cho các hộ dân.

Ông Lê Ánh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Gio Việt cho biết, hiện nay, xã đã có kế hoạch quy hoạch các hộ dân sản xuất cá khô trong làng về tập trung tại cụm làng nghề rộng khoảng 10 ha trên địa bàn xã, có hệ thống nước sạch, hệ thống xử lý chất thải và vệ sinh môi trường sinh sống cho nhân dân trong xã.

Anh Nguyễn Văn Từ, chủ một lò sản xuất cá cơm khô ở thôn Xuân Tiến cho biết, nghề cá cơm khô Xuân Tiến nổi tiếng trong và ngoài tỉnh hàng chục năm nay, không ai biết chính xác xuất hiện từ khi nào, nhưng cái làm nên thương hiệu cá cơm khô Gio Việt là nhờ vào các yếu tố: nắng nóng và nhiệt độ tự nhiên cao, gió Lào mạnh và nhiều, nguồn cá dồi dào nên sản phẩm cá có chất lượng, thơm, trắng, ngọt.

Đặc biệt là cá cơm khô Gio Việt được sản xuất bằng các quy trình truyền thống, không sử dụng hóa chất trong sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo nên sự tin dùng trong người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục