Quốc hội thảo luận phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018

15:19' - 01/11/2017
BNEWS Sáng 1/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017.

Sáng 1/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2018 – 2020.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Phiên thảo luận được tường thuật trực tiếp thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước. Phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam Định và Phú Yên. 

Nhiều định hướng, giải pháp phù hợp trong phát triển kinh tế - xã hội

Cử tri tỉnh Nam Định bày tỏ phấn khởi trước kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; đồng thời tin tưởng với những định hướng, giải pháp phù hợp, sát với thực tiễn, trong thời gian tới nước ta sẽ khai thác tốt tiềm năng lợi thế, tranh thủ được thời cơ, vận hội để phát triển, hội nhập...
Theo dõi phiên thảo luận, cử tri Trần Xuân Ánh ở phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định, cho biết không chỉ chú ý theo dõi những chủ trương, chính sách liên quan mật thiết đến đời sống dân sinh, cử tri còn quan tâm đến các vấn đề kinh tế - xã hội khác của đất nước.

Việc theo dõi phiên thảo luận tại kỳ họp Quốc hội giúp cử tri hiểu hơn về những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Cùng với đó, cử tri cũng nắm được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình có được phản ánh, kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng hay không, từ đó đánh giá vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.
Theo cử tri Trần Xuân Ánh, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế trong thời gian qua như: Nhiều dự án, công trình trọng điểm chậm tiến độ, hoạt động không hiệu quả gây lãng phí; bất cập từ những dự án BOT; việc thất thoát tài nguyên, khoáng sản; nhiều diện tích rừng bị “xẻ thịt”; giá thịt lợn xuống thấp kỷ lục gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại làm mất lòng tin của người tiêu dùng...

Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đóng góp, tham gia ý kiến vào những vấn đề hệ trọng của đất nước, của nền kinh tế.

Việc đại biểu Quốc hội vừa tham gia thảo luận góp ý kiến vào các vấn đề của đất nước, vừa tranh luận tại nghị trường kết hợp với phần trả lời của đại diện các bộ, ngành đã làm rõ và có câu trả lời thỏa đáng đối với nhiều vấn đề được dư luận quan tâm...
Cử tri Lê Văn Hữu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhận xét: Các đại biểu Quốc hội đã phát huy vai trò của mình trong hiến kế để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những mục tiêu đề ra trong năm 2018 rất căn cơ và cần có nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện. Nhà nước phải đổi mới cơ chế quản lý và đẩy mạnh cải cách hành chính.

Trong phát triển kinh tế cần có quy hoạch chung cho cả nước; có hướng đầu tư hỗ trợ phù hợp về cơ chế chính sách cho các địa phương còn nghèo để tự bứt phá.

Cử tri Nguyễn Hoàng Dũng, chuyên gia kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 1/11, các đại biểu đã đề cập các vấn đề được nhiều cử tri quan tâm liên quan đến chất lượng tăng trưởng kinh tế như đầu tư cho nghiên cứu phát triển, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, chất lượng nguồn nhân lực…
Theo cử tri Nguyễn Hoàng Dũng, muốn nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn, ngoài những giải pháp hiện nay, Chính phủ phải đẩy mạnh đầu tư cho công tác nghiên cứu phát triển, khoa học công nghệ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và cạnh tranh với các nền kinh tế khác trong thời kỳ hội nhập.

Thêm vào đó, kinh tế tăng trưởng bền vững phải dựa trên sự phát triển bền vững của từng doanh nghiệp.

Muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, Nhà nước phải có hành lang pháp lý và những chế tài cụ thể để các doanh nghiệp xây dựng đạo đức kinh doanh, thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội… Mặt khác, chất lượng đào tạo nhân lực và nâng cao năng suất lao động cũng cần được cải thiện.
Cử tri Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định đánh giá, các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội Chính phủ đưa ra phù hợp với tình hình thực tế, bước đầu khắc phục được những khó khăn vướng mắc.

Đặc biệt chú ý đến các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, cử tri Trần Văn Phiệt cho rằng, những giải pháp chiến lược như báo cáo của Thủ tướng Chính phủ nêu ra sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn nội tại của nền kinh tế và tạo bước phát triển đột phá.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Liên quan tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2017 và năm 2018, cử tri Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tin tưởng, tăng trưởng GDP năm 2017 sẽ đạt chỉ tiêu 6,7%.

Bên cạnh những con số tăng trưởng tích cực mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tại Quốc hội, thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2017 cũng có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Cụ thể, tổng sản lượng hàng hóa sản xuất tăng, nộp ngân sách tăng, số doanh nghiệp lập mới tăng cao hơn năm trước. Thêm vào đó số doanh nghiệp hoạt động trở lại, doanh nghiệp mở rộng sản xuất cũng tăng hơn; nhiều doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Intel, Nidex… đều báo tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Theo cử tri Chu Tiến Dũng, với đà tăng trưởng như hiện nay, việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức từ 6,5-6,7% là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, những yếu tố thiếu bền vững của nền kinh tế vẫn còn hiển hiện như nợ xấu, nợ công tăng cao, hiệu quả đầu tư công thấp, năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp, tăng trưởng GDP phụ thuộc quá nhiều vào tăng trưởng của các doanh nghiệp FDI.
Để khắc phục các hạn chế trên, cử tri Chu Tiến Dũng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh như cắt giảm giấy phép con, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về chính sách thuế và cân đối thu chi ngân sách, không nên tăng thuế mà cần tập trung vào việc nuôi dưỡng và quản lý tốt nguồn thu để tăng thu; tăng chi cho đầu tư và quản lý hiệu quả đầu tư công.

Khi doanh nghiệp trong nước có điều kiện phát triển bằng nội lực thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam mới bền vững và giảm bớt sự lệ thuộc vào các doanh nghiệp FDI như hiện nay. 

Nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn
Cử tri Nguyễn Đắc Tấn, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nga tỉnh Phú Yên cho rằng: Qua báo cáo, 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 đạt, cho thấy Chính phủ kiến tạo đã phát huy hiệu quả. Thời gian tới, một trong những vấn đề trọng tâm mà Chính phủ và các bộ, ngành cần làm là cải thiện đời sống của người dân ở vùng nông thôn.

Để thực hiện được điều này cần lường trước những khó khăn và tăng cường giám sát. Muốn kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững, Chính phủ cần có hướng giải quyết những vấn đề dư luận xã hội rất quan tâm hiện nay như: tham nhũng, biến đổi khí hậu, thực trạng tai nạn giao thông; an toàn thực phẩm, hàng nhái, hàng giả.
Còn cử tri Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định đánh giá, dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Vì vậy, cùng với những chính sách ưu tiên, hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp, Chính phủ xác định nhiệm vụ trong thời gian tới tiếp tục xây dựng Chính phủ kiến tạo phục vụ người dân và doanh nghiệp; tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng...

Những giải pháp này sẽ góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp vào đầu tư, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn.

Chủ trương tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất gắn với cơ cấu lại nền nông nghiệp cũng sẽ tạo bước đột phá để hình thành các vùng sản xuất lớn phục vụ xuất khẩu hàng hóa, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục