Quốc lộ 13 đoạn qua Bình Dương "mãn tải" vì đô thị hoá

11:59' - 26/10/2017
BNEWS Các loại phương tiện vận tải hàng hóa khối lượng lớn, chiếm nhiều diện tích mặt đường, tốc độ chậm,… đã tạo áp lực rất lớn lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh.

Ngược trở lại thời gian vào năm 1997, Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương, từ cầu Vĩnh Bình (Km 1+248, giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh) đến cầu Tham Rớt (Km 65+355, giáp ranh tỉnh Bình Phước), dài 64 km, ở thời điểm mới vừa tái lập tỉnh Bình Dương, tuyến đường này có quy mô 2 làn xe, nền và mặt đường đã hư hỏng, xuống cấp rất nặng nề với những "ổ trâu" đến cả "ổ voi" khổng lồ nằm ngay trên đường gây nhiều khó khăn cho lưu thông qua lại trên con đường Quốc lộ 13 này.

*Từ con đường “tơ lụa” thu hút đầu tư

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, năm 1998, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương có chủ trương giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp TNHH MTV-Becamex IDC (doanh nghiệp nhà nước trực thuộc tỉnh) thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn tỉnh theo phương thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (phương thức BOT trong nước).

Thực hiện chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh, Tổng Công ty Becamex IDC đã tập trung nguồn lực, triển khai thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ năm 1998 đến năm 2008, gồm nhiều phân đoạn, trong hai giai đoạn chính như:

Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ Vĩnh Bình (Km 1+248) đến ngã ba Bến Lớn (còn gọi là ngã ba Đài Vệ tinh mặt đất, Km28+178) được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 759/QĐ-CT ngày 19/03/2001 và ký kết hợp đồng BOT với Tổng Công ty Becamex IDC tại hợp đồng số 1009/HĐ.BOT.UB ngày 21/4/2000;

Dự án có quy mô thiết kế là đường phố chính cấp I đô thị, 6 làn xe (4 làn xe ô tô, 2 làn xe thô sơ); Mặt cắt ngang đoạn nội ô thị xã Thủ Dầu Một là 36m, đoạn ngoại ô thị xã Thủ Dầu Một là 29,5m.

Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ ngã ba Bến Lớn (Km28+178) đến cầu Tham Rớt (Km 65+355, giáp ranh tỉnh Bình Phước) được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5305/QĐ-CT ngày 20/9/2002 và ký kết hợp đồng BOT với Tổng Công ty Becamex IDC tại hợp đồng số 221/HĐ.BOT.UB ngày 15/01/2004; Có quy mô thiết kế là đường phố chính cấp I đô thị, 6 làn xe (4 làn xe ô tô, 2 làn xe thô sơ); Mặt cắt ngang đoạn nội ô thị trấn Mỹ Phước là 36m, đoạn ngoại ô thị trấn Mỹ Phước là 29,5m.

Năm 2014, trước tình hình phát triển lưu lượng phương tiện giao thông trên địa bàn Nam Bình Dương, Ủy ban nhân dân tỉnh có chủ trương tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (Đại lộ Bình Dương) đọan từ ngã ba Hữu nghị đến ngã ba Tự do, dài 1,6 km, lên 8 làn xe (6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ), mặt cắt ngang 39,25m. Tông Công ty Becamex IDC đã thực hiện và hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2014.

Có thể khẳng định, qua hơn 17 năm được đầu tư nâng cấp mở rộng, Quốc lộ 13 (Đại lộ Bình Dương) đã phát huy được vai trò là trục giao thông huyết mạch, “xương sống” theo hướng Bắc – Nam của tỉnh Bình Dương, phục vụ đắc lực cho yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị, phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

*Đến con đường “mãn tải” vì đô thị hóa

Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các tỉnh thành lân cận, đồng thời do vị trí địa lý của tỉnh Bình Dương nằm trên hành lang giao thông kết nối các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước về thành phố Hồ Chí Minh, kéo theo sự gia tăng nhanh chóng phương tiện giao thông cá nhân, các loại phương tiện vận tải hàng hóa khối lượng lớn, chiếm nhiều diện tích mặt đường, tốc độ chậm,… đã tạo áp lực rất lớn lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, nhất là khu vực Nam Bình Dương, trong đó có Quốc lộ 13.

Con đường Quốc lộ 13 hay còn gọi là Đại lộ Bình Dương đã xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài nhiều giờ trên một số giao lộ, đoạn tuyến vào các giờ cao điểm trong ngày, thậm chí vào lúc trời mưa, triều cường sông Sài Gòn dâng cao tràn vào ngập một số điểm ở thị xã Thuận An.

Bên cạnh đó, cùng quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tốc độ đô thị hóa dọc hai bên tuyến Quốc lộ 13 gia tăng nhanh chóng, người dân san lấp mương dọc hai bên đường, san lấp hạ lưu thoát nước và lưu vực hai bên đường để xây dựng nhà, các công trình, vật kiến trúc,… làm mất đi khả năng tự thoát nước của đường.

Đồng thời, quá trình đô thị hóa trên diện rộng dẫn đến lượng nước từ các đường nhánh và lưu vực hai bên đường tập trung chảy dồn về phía đường, gây quá tải cho hệ thống thoát nước dọc của đường, nên xảy ra hiện tượng ngập nước ở một số vị trí như phản ánh của người dân trong thời gian qua.

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông phục vụ phát triển kinh tế xã hội, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, đô thị hóa tỉnh nhà giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã có chủ trương đầu tư nâng cấp mở rộng, xây dựng hệ thống thoát nước dọc hai bên Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Vĩnh Bình đến ngã ba Suối Cát (Metro) lên quy mô 8 làn xe.

Dự án được thực hiện theo phương thức: Nhà nước đảm nhận kinh phí và việc đền bù, giải phóng mặt bằng, Tổng Công ty Becamex IDC đảm nhận kinh phí và thực hiện việc đầu tư nâng cấp mở rộng theo dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án này theo Quyết định số 3649/QĐ-UBND về việc giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020; Đồng thời, Tổng Công ty Becamex IDC đang khẩn trương tiến hành khảo sát, lập dự án. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Hiện nay, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đang, đã, sẽ đến đầu tư ở Bình Dương và với cả người dân Bình Dương đang chờ đợi quyết sách sáng suốt của lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Quyết sách sáng suốt đó là tỉnh cần mạnh dạn quyết định sớm đầu tư, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn càng nhanh càng tốt để tương xứng với tiến trình Bình Dương tiến lên trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục