Quỹ đạo và cường độ bão Conson rất phức tạp

11:09' - 08/09/2021
BNEWS Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 8 giờ ngày 8/9, vị trí tâm bão Conson ở trên khu vực miền Trung Philippines.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11 và sẽ gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng Bắc Biển Đông từ sáng sớm 9/9.

Các phương án tính toán dự báo mới nhất của Việt Nam và thế giới cho thấy quỹ đạo và cường độ của bão Conson còn rất phức tạp, dự báo cường độ và quỹ đạo của bão Conson sau khi đi qua Philippines còn thay đổi nhiều.

Trước diễn biến phức tạp của bão Conson, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia về bão Conson.

* Phóng viên: Xin ông cho biết diễn biến của bão Conson đến thời điểm hiện nay và nhận định về cơn bão này trong thời gian tới?

* Ông Hoàng Phúc Lâm: Vào 8 giờ ngày 8/9, bão Conson đang ở ngay trên khu vực miền Trung Philippines, cường độ cấp 8-9. Ngoài ra có 1 cơn bão khác, tên quốc tế là Chanthu ở khoảng 16 độ Vĩ Bắc; 132,5 độ kinh Đông, cường độ bão mạnh cấp 13-14, cách bão Conson khoảng 1.100 km về phía Đông. 

Các phương án tính toán dự báo mới nhất của Việt Nam và thế giới cho thấy quỹ đạo và cường độ của bão Conson còn rất phức tạp, dự báo cường độ và quỹ đạo của bão Conson sau khi đi qua Philippines còn thay đổi nhiều.

Tại thời điểm hiện tại, khả năng cao nhất là bão Conson sau khi suy yếu khi đi qua Philippines, vào Biển Đông sẽ được tổ chức lại, mạnh dần lên và di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20km/h.

Bão Conson có khả năng mạnh nhất khi tới khu vực quần đảo Hoàng Sa, dự báo có thể đạt tới cấp 11, giật cấp 13.

Ngoài ra, vẫn còn khả năng bão Conson suy yếu và đi lên phía Trung Quốc, cũng có những dự báo cho bão đi chúc xuống phía Nam; có phương án cho bão vào vịnh Bắc Bộ và suy yếu. 

Như vậy, hiện tại, các dự báo cho bão Conson còn rất phân tán, nguyên nhân chính là do bão đang ở trên vùng đảo và đất liền của Philippines, tương tác với đất liền, các cụm đảo và cả bão Chanthu bên ngoài khiến bão Conson còn rất khó lường.

* Phóng viên: Xin ông cho biết những nguy cơ do bão Conson gây ra trên biển, ven biển và đất liền?

* Ông Hoàng Phúc Lâm: Với phương án khả năng xảy ra cao nhất cho quỹ đạo và cường độ bão Conson là đêm 8/9, sau khi đi qua Philippines, bão Conson sẽ đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 5 năm 2021.

Bão conson có hướng di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ di chuyển trung bình 20km/h, ảnh hưởng trực tiếp, gây sóng to, gió lớn cho khu vực quần đảo Hoàng Sa trong ngày 10/9.

Cường độ bão Conson sẽ đạt mạnh nhất khoảng cấp 11 khi đi qua vùng biển quần đảo Hoàng Sa và trước khi tiến gần về đảo Hải Nam (Trung Quốc) sau đó có quá trình suy yếu dần.

Vì thế, những nguy cơ và tác động lớn nhất của bão Conson sẽ là gió rất mạnh trên toàn bộ vùng biển Bắc Biển Đông trong các ngày từ 9-11/9, trong đó khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 11 trong khoảng ngày 10/9, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực này cần phải được tránh trú an toàn.

Đối với khu vực đất liền, hiện chưa chịu ảnh hưởng của bão Conson, nhưng khu vực Bắc và Trung Trung Bộ cần hết sức lưu ý về đợt mưa lớn trên diện rộng đang diễn ra và còn kéo dài tới hết ngày 9/9; sau đó mưa giảm và có thể tăng trở lại từ ngày 12/9.

* Phóng viên: Đang trong thời điểm mùa mưa bão, xin ông cho biết dự báo mùa mưa bão thời gian tới như thế nào?

* Ông Hoàng Phúc Lâm: Tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2021, trên biển Đông đã xuất hiện 4 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới, trước diễn biến bão Conson, dự báo Việt Nam chuẩn bị đón bão số 5.

Trong đó bão số 2, bão số 3 và 1 áp thấp nhiệt đới trong tháng 7/2021 đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Dự báo xa hơn trong mùa mưa bão năm 2021, sau cơn bão số 5, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó từ 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Về diễn biến mưa lũ giai đoạn tháng 10-11/2021 và nửa đầu tháng 12/2021 là quãng thời gian xảy ra mưa lớn dồn dập ở khu vực miền Trung, với các đợt mưa lớn kéo dài cộng thêm nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất ở mức cao, trọng tâm là các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ.

* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục