Ra mắt dự án Biến rác thải nhựa trên biển thành cơ hội phát triển kinh tế

17:29' - 04/10/2019
BNEWS Dự án rác thải nhựa này là án khu vực do Chính phủ Na Uy tài trợ và được thực hiện tại 5 nước, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan.
Biến rác thải nhựa trên đại dương thành cơ hội trong nền kinh tế tuần hoàn. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 4/10, Cơ quan Hợp tác Phát triển của Na Uy (Norad) và Quỹ nghiên cứu khoa học và công nghiệp Na Uy (SINTEF) tổ chức hội thảo ra mắt Dự án Biến rác thải nhựa trên đại dương thành cơ hội trong nền kinh tế tuần hoàn (Dự án OPTOCE) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án OPTOCE là dự án khu vực do Chính phủ Na Uy tài trợ và được thực hiện tại 5 nước, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan.

Dự án OPTOCE sẽ kết nối với cơ quan quản lý về tài nguyên môi trường các nước, cụ thể tại Việt Nam là Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường… để thúc đẩy hợp tác đối tác công tư trong việc thu gom rác thải và sử dụng làm nguyên liệu cung cấp năng lượng cho những nhà máy xi măng.

Thống kê dân số của 5 quốc gia nêu trên là 3 tỉ người, trong đó khoảng 1 tỉ dân sống gần sông, hồ, biển… và thải khoảng 176.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày, tương đương với 64 triệu tấn/năm. Trong khi đó, các quốc gia này chưa đủ sức xử lý một lượng rác thải lớn như vậy.

Mặt khác, khảo sát ở một số ngành công nghiệp như xi măng, sắt thép và điện đang tiêu thụ một lượng than khổng lồ và phát thải trên 30% lượng CO2 trên toàn thế giới. Dự án OPTOCE dự kiến thay thế lượng than này bằng rác thải nhựa không thể tái chế, tạo ra giải pháp giải quyết mối đe dọa từ nhựa và giảm phát thải khí nhà kính.

Theo bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, đại dương ngày càng ô nhiễm, trong đó có 80% lượng rác thải trên biển đều xuất phát từ những nguồn thải trong đất liền. Rác thải nhựa trên biển đã trở thành một vấn đề toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Dự án OPTOCE, không nằm ngoài mục tiêu phát triển mô hình tích hợp để quản lý hiệu quả rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa ở 5 tỉnh ven biển và địa phương công nghiệp tại Việt Nam. Ở góc độ nền kinh tế tuần hoàn, Dự án OPTOCE mang lại cơ hội thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm trên biển.

Dự án là  hành động quốc tế có ý nghĩa then chốt trong việc xử lý những nguồn xả thải rác thải nhựa lớn nhất ra đại dương. Qua đó, các quốc gia cùng tham gia bảo vệ giá trị của đại dương đối với nền kinh tế và đời sống con người trên toàn cầu.

Đánh giá về Dự án OPTOCE, ông Nguyễn Thành Lam, Vụ phó Vụ quản lý chất thải, Tổng cục môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, đây là dự án phù hợp với thực trạng tại Việt Nam hiện nay.

Đặc biệt, Dự án OPTOCE tập trung giải quyết rác thải nhựa không tái chế được và tận dụng nguồn rác thải này phục vụ cho ngành công nghiệp.

Dự kiến Dự án OPTOCE sẽ hoàn thiện văn kiện dự án để trình lên Na Uy trong tháng 10/2019 và triển khai giai đoạn thí điểm vào cuối năm 2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục