Rà soát các ngành hàng tránh nguy cơ gian lận thương mại

16:50' - 09/07/2019
BNEWS Các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, bên cạnh cơ hội gia tăng xuất khẩu, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa có nguy cơ tăng cao. Điều này không chỉ gây thua thiệt với từng doanh nghiệp, ngành hàng mà còn ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế. Vì vậy, tại cuộc họp với các Cục, Vụ triển khai Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" sáng 9/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị phải lưu ý đến tình trạng chuyển dịch đầu tư để được hưởng lợi xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu, lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Bộ Công Thương triển khai Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Gian lận gia tăng

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Điều này thể hiện qua việc hầu hết các sản phẩm bị điều tra chủ yếu là các mặt hàng như: sắt thép, sợi, đồ gia dụng, đồ điện tử...

Không những thế, các vụ đều có kết luận là tồn tại hành vi lẩn tránh và sau đó bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Một số mặt hàng xuất khẩu khác cũng đứng trước nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Chia sẻ rõ hơn về thực trạng này, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành để phòng chống lẩn tránh phòng vệ thương mại. Đặc biệt, Bộ Công Thương thường xuyên xây dựng hệ thống cảnh báo đối với các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra để gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.

Khi có thông tin về gian lận xuất xứ, Bộ thường xuyên yêu cầu siết chặt việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và phối hợp kiểm tra đối với một số mặt hàng như: lốp ô tô, pin mặt trời và chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường xử lý nghiêm các vi phạm.

Cũng theo ông Lê Triệu Dũng, Hoa Kỳ và EU là những thị trường dễ phát sinh các trường hợp gian lận thương mại. Mặc dù các đơn vị thuộc Bộ đã nỗ lực cảnh báo, nhưng nguy cơ lẩn tránh phòng vệ thương mại vẫn gia tăng. Hành vi lẩn tránh rất phổ biến, đa dạng trong thương mại quốc tế với quy mô khác nhau như doanh nghiệp chuyển toàn bộ quy mô hay chuyển một phần công đoạn sản xuất sang Việt Nam.

Để triển khai Đề án của Thủ tướng Chính phủ về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, Cục Phòng vệ thương mại sẽ trình Bộ trưởng kế hoạch hành động của Bộ Công Thương trước ngày 15/7 tới; trong đó tập trung vào nhóm mặt hàng xuất khẩu như: gỗ, sản phẩm từ gỗ, dệt may, da giày, thép, nhôm…

Cùng quan điểm này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập, tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do và hưởng ưu đãi thuế, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thì việc gian lận thương mại, giả xuất xứ để hưởng ưu đãi xuất hiện nhiều hơn.

Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Còn theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, việc giả mạo xuất xứ thực ra là chống lẩn tránh, đơn cử làm C/O giả không phải do Cục Xuất nhập khẩu cấp thì lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra, xử lý.

Ông Trần Hữu Linh cũng chỉ ra thực tế hiện nay đã xuất hiện nhiều hành vi gian lận thương mại mới như: hàng lưu thông trên thị trường, nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có chứa độc tố vượt mức cho phép và vẫn tồn tại trôi nổi trên thị trường, nhất là mặt hàng thực phẩm.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho hay, dù đã nỗ lực cảnh báo, siết chặt công tác quản lý giám sát, kiểm tra, nhưng hành vi lẩn tránh vẫn gia tăng như: doanh nghiệp chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh sang Việt Nam hoặc chuyển một phần theo chuỗi phân công lao động.

Về cơ bản hoạt động này vẫn là hợp pháp, nhưng với mức độ gian lận xuất xứ thì hành vi không sản xuất tại Việt Nam cần tập trung đấu tranh ngăn chặn.

Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các Hiệp định thương mại cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nguy cơ lẩn tránh này ngày càng gia tăng mà nguồn gốc sâu xa là hưởng chênh lệch thuế ưu đãi.

Ngoài ra, hệ thống pháp luật của các nước với cách tiếp cận là tạo điều kiện cho hoạt động thương mại khá thông thoáng như: Cơ chế tự chứng nhận của Hoa Kỳ và EU cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nên rất khó trong công tác quản lý. Đó là chưa nói đến việc các nước gần đây tăng cường điều tra các biện pháp lẩn tránh theo quy trình riêng, khác với quy trình điều tra chống gian lận xuất xứ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu mặc dù vẫn đảm bảo quy tắc xuất xứ, nhưng theo cơ quan điều tra lẩn tránh thì vẫn bị áp biện pháp chống lẩn tránh.

Đáng lưu ý, chế tài xử phạt chưa mang tính chất răn đe như làm giả C/O chỉ bị phạt tối đa 40 triệu đồng, sử dụng C/O giả cũng chỉ bị phạt tối đa 50 triệu đồng.

Siết chặt quản lý

Để xử lý hiệu quả hơn các vi phạm về chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, ông Trần Hữu Linh cho rằng, trước những diễn biến mới trong quan hệ thương mại, không chỉ mượn xuất xứ để xuất khẩu mà còn gian lận để tiêu thụ trên thị trường nội địa. Do vậy, hoàn thiện chính sách để phù hợp với thực tiễn và mang tính nghiêm minh của pháp luật là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), việc gian lận thương mại và lợi dụng xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế là vấn đề không mới và vì lợi nhuận nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm pháp luật.

Vì thế, cần có cơ chế phối hợp giữa Bộ Công Thương với các Bộ, ngành liên quan và địa phương để việc chống gian lận thương mại và lẩn tránh xuất xứ đạt hiệu quả cao hơn; đồng thời tăng nặng mức xử phạt cũng giúp hạn chế đáng kể các hành vi gian lận.

Ông Trần Duy Đông đề xuất cần sớm có Đề án để truy suất nguồn gốc với hàng nông sản, thực phẩm nhằm làm rõ xuất xứ. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của doanh nghiệp nên việc tuyên truyền phải được phổ biến rộng rãi để tránh hành vi vi phạm ảnh hưởng đến toàn ngành.

Trong Đề án mới này, Vụ Thị trường trong nước sẽ có giải pháp để hình thành nhà phân phối lớn, hướng dẫn các doanh nghiệp trong nước khi đưa hàng vào hệ thống đảm bảo đúng quy trình và chất lượng, từ đó hạn chế gian lận thương mại. Ngoài ra, tăng cường công tác hậu kiểm, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc thực thi.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý về tình trạng lẩn tránh phòng vệ thương mại và gian lận xuât xứ. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Đồng tình với các quan điểm này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong tiến trình hội nhập, những vấn đề gian lận thương mại và gian lận xuất xứ, lẩn tránh phòng vệ thương mại sẽ liên quan trực tiếp đến việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do và phát triển thương mại bền vững.

Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thực thi không chỉ nhìn nhận vấn đề ở góc độ thương mại, đầu tư mà còn ở công tác đối ngoại, chính trị để hạn chế những mặt trái của việc thu hút đầu tư.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý phải tập trung đấu tranh với gian lận xuất xứ, làm giả hoàn toàn xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, cụ thể là việc đối tác chuyển đổi để có thể gắn xuất xứ hàng Việt Nam; đồng thời xác định những nhóm mặt hàng xuất khẩu đột biến để có cơ chế giám sát đặc biệt khi xuất sang các thị trường như Mỹ, EU…

Các đơn vị phải xác định hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật là khâu then chốt trong thực thi các Hiệp định thương mại và hướng tới cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, người dân. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham dự của các Bộ, ngành liên quan nhằm đề xuất các chế tài xử lý hành vi gian lận thương mại cũng như nhưng bất cập còn tồn tại hiện nay.

Bộ Công Thương cũng sẽ tiến hành nghiên cứu, đề xuất các biện pháp chống gian lận xuất xứ cho một số ngành hàng như: dệt may, da giày, gỗ… và làm việc với các doanh nghiệp, ngành hàng được coi là "điểm nóng" do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm Tổ trưởng.

Đặc biệt, Cục Phòng vệ thương mại phải sớm xây dựng chương trình hành động phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, công an, tài chính nhằm tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm một số mặt hàng. Cùng đó, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và chủ thể hướng tới phải là cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Đói với Cục Xuất nhập khẩu cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách để đảm bảo siết chặt quản lý hoạt động tạm nhập, tái xuất và phối hợp với các nước trong CPTPP, EU, Mỹ để tăng cường năng lực và thế chế chống gian lận thương mại một cách hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục