Rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu cho nhà máy mía đường

17:42' - 19/07/2016
BNEWS Các doanh nghiệp cần phối hợp với địa phương rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu mía cho nhà máy, từ đó xây dựng cơ chế hỗ trợ cho nông dân, hướng đến mục tiêu tăng sản lượng và chữ đường.
Vùng nguyên liệu mía ven sông Vàm Cỏ Đông tại xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên (Tây Ninh). Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

Các tỉnh cũng như doanh nghiệp cần rà soát lại vùng nguyên liệu cho ngành mía đường, đồng thời sớm có quy định xác định chữ đường độc lập để đảm bảo quyền lợi nông dân; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất mía.

Đây là các nội dung được nhiều đại biểu đề cập tại hội nghị “Tổng kết vụ sản xuất mía đường 2015-2016” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 19/7.

Nguồn cung giảm, giá đường tăng cao

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, diện tích mía cả nước năm 2015 đạt 284.367 ha, giảm 22.000 ha, năng suất bình quân đạt 64,4 tấn/ha giảm 0,9 tấn/ha so với năm trước. Sản lượng mía cả nước đạt 18,3 triệu tấn. So với vụ trước, diện tích mía giảm 6,7%, sản lượng mía giảm 8%.

Toàn bộ mía nguyên liệu ở các vùng đã được mua hết đưa vào chế biến, tổng sản lượng mía nguyên liệu các nhà máy đã mua là hơn 12,93 triệu tấn, giảm 1,5 triệu tấn so với vụ trước. Về chất lượng, chữ đường bình quân của mía đưa vào nhà máy chế biến cả nước ở mức trên 9,64 CCS, thấp hơn so với vụ trước gần 0,56 CCS.

Vụ sản xuất mía đường 2015-2016, cả nước có 41 nhà máy đường hoạt động với tổng công suất thiết kế là 150.500 tấn mía ngày. Sản lượng đường sản xuất được là 1.237.300 tấn; trong đó, đường tinh luyện là 700.000 tấn.

So với vụ trước, công suất thiết kế của các nhà máy đường tăng nhẹ, sản lượng đường giảm 180.500 tấn. Đây là năm thứ 2 liên tiếp giảm sản lượng đường.

Về giá thu mua mía, vụ sản xuất 2015-2016 giá mua mía 10 CCS tại ruộng khoảng từ 850.000 - 950.000 đồng/tấn, tăng so với vụ trước khoảng 100.000 - 150.000 đồng/tấn. Giá mía này đã góp phần làm lợi nhuận của người trồng mía được cải thiện, bù đắp phần nào tổn thất do thiên tai, hạn hán.

Theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá mua mía không có sự chênh lệch quá lớn giữa vùng miền như trước đây.

Chính sách hỗ trợ của địa phương và doanh nghiệp mía đường mặc dù chưa tạo được đột phá để cây mía cạnh tranh với cây trồng khác nhưng đã có tác động tích cực giúp người trồng mía ổn định và phát triển nguyên liệu trong thời gian tới.

Giá đường vụ 2015-2016 có biến động phức tạp và nếu so với vụ trước, hiện tại giá đường tăng phổ biến khoảng 3.500 -4.500 đồng/kg. Giải thích nguyên nhân giá đường tăng, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, do thiếu hụt mía nguyên liệu, dẫn tới giảm sản lượng giảm.

Cùng với đó là do giá cả đầu vào như nguyên liệu mía, vật tư nông nghiệp, chi phí hỗ trợ nông dân, nhân công, tỷ giá ngoại tệ... tăng dẫn đến giá thành đường tăng. Hay giá đường thế giới tăng tác động đến tâm lý tới thị trường trong nước. Ngoài ra, không loại trừ nguyên nhân có sự găm hàng của một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thương mại.

Trước tình hình nguồn cung giảm và giá đường tăng cao, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 09/2016/TT-BCT ngày 1/7/2016 quy định bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016. Mặt khác, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đang có kế hoạch kiểm tra tình hình tồn kho của các doanh nghiệp để xác minh có hay không việc đầu cơ tích trữ đường.

Quy hoạch vùng nguyên liệu

Tổng hợp từ báo cáo của các nhà máy đường trên cả nước cho thấy, vụ 2016-2017, tổng diện tích các nhà máy có ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm là 239.100 ha, tăng 1.630 ha. Sản lượng ép mía là 13,72 triệu tấn, sản lượng đường đạt 1,52 triệu tấn; trong đó, đường tinh luyện là 800.000 tấn. Tuy nhiên, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối cho rằng, kế hoạch của các nhà máy có thể coi là mức "kỳ vọng".

Trên thực tế, nếu các doanh nghiệp không có sự đầu tư đột phá phát triển mía nguyên liệu, hiện thiếu cơ sở để cho rằng sản lượng mía hay chữ đường vụ tới sẽ tăng. Trong khi vụ 2016-2017 được dự báo tỷ lệ diện tích mía chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm ngập mặn sẽ tăng cao, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gây ảnh hưởng đến cả sản lượng và chất lượng mía.

Thu hoạch mía tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Trước tình hình trên, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối khuyến cáo, các nhà máy cần có đánh giá lại khá năng cung cấp nguyên liệu để có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ phù hợp cũng như xây dựng cơ chế đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ cho nông dân nhằm đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu.

Niên vụ 2016-2017, tình hình cung cầu và giá đường trong nước dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng trong bối cảnh dự báo thế giới sẽ tiếp tục thiếu hụt đường, chủ yếu do hiện tượng El Nino gây thiệt hại cho trồng trọt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các doanh nghiệp cần phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu mía cho nhà máy, từ đó rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ cho nông dân, hướng đến mục tiêu tăng sản lượng và chữ đường.

Đồng thời, có sự đầu tư hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển vùng nguyên liệu nhằm tăng năng suất, chất lượng tối thiểu 10% so với hiện nay để đáp ứng nhu cầu đường trong nước. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp đồng bộ trong tổ chức sản xuất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho hay, việc xác định vùng nguyên liệu mía có vai trò rất quan trọng, hạn chế được việc tranh giành nguyên liệu của các doanh nghiệp.

Việc xây dựng nguyên liệu được xác định với các tiêu chí cụ thể; trong đó các yếu tố hàng đầu là về thổ nhưỡng, thủy lợi phải đảm bảo, phù hợp để áp dụng cơ giới hóa, sau đó mới tính tới các yếu tố như năng suất, giá thành sản phẩm... Mặt khác, cái khó nhất hiện nay phải đảm bảo quy hoạch.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Nghị định sản xuất và kinh doanh mía đường, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành trong thời gian tới.

Theo Nghị định này, bên cạnh việc xác định vùng nguyên liệu, các vấn đề cơ bản như chữ lượng đường sẽ có một đơn vị độc lập do UBND tỉnh, thành chỉ định thực hiện... Bên cạnh đó, nhiều nội dung cụ thể cũng được đưa vào Nghị định như hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa, tưới nước tiết kiệm; hỗ trợ xây dựng liên kết để phát triển cánh đồng mẫu lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục