Rủi ro tiềm ẩn từ việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số chính thức

06:30' - 10/08/2021
BNEWS Các chuyên gia cảnh báo, việc phát hành tiền kỹ thuật số có thể giúp các ngân hàng trung ương nắm được quyền kiểm soát, nhưng cũng có thể gây ra những biến động lớn.

Liên quan đến việc một số ngân hàng trung ương chuẩn bị phát hành tiền kỹ thuật số, Luke Bartholomew, chuyên gia cao cấp về tiền tệ tại công ty quản lý quỹ Aberdeen Standard Investments, trong chuyên mục Diễn đàn kinh tế của nhật báo Le Monde, đã dự đoán về sự "chung sống mong manh", thậm chí "đầy rủi ro", giữa các loại tiền kỹ thuật số sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) và tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC).

Để loại trừ những nguy cơ đe dọa tiềm ẩn mà các đồng tiền điện tử phi tập trung gây ra đối với sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu, đồng thời cho phép các ngân hàng trung ương duy trì quyền kiểm soát đối với tiền tệ và lãi suất, các ngân hàng trung ương đã đề xuất một giải pháp, đó là phát hành CBDC. 

Theo chuyên gia Luke Bartholomew, tuy giải pháp này có thể giúp các ngân hàng trung ương nắm được quyền kiểm soát, nhưng cũng có thể "gây ra những biến động lớn".

Một số ngân hàng trung ương lớn dự kiến trong vài năm tới sẽ phát hành CBDC. Cụ thể là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đang tiến hành các công việc chuẩn bị để sớm phát hành tiền điện tử. 

Trung Quốc đã trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực tiền điện tử. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã tham gia vào sân chơi này từ rất sớm và hiện đã triển khai thử nghiệm ở một số khu vực. CBDC của Trung Quốc hoạt động thông qua một ứng dụng điện thoại. 

Mục tiêu là để thay thế tiền mặt, cải thiện môi trường tài chính và xây dựng hệ thống thanh toán nội địa hiệu quả hơn. Đến nay, Trung Quốc đã có một mạng lưới thanh toán qua điện thoại rất linh hoạt và công chúng ít phải lo ngại về việc bảo mật.

CBDC được coi là một đơn vị tiền tệ quốc gia, vì vậy trong tương lai sẽ có thể ra đời những đồng tiền điện tử như "eurocoin" của châu Âu hoặc "britcoin" của Anh, được lưu trữ trên tài khoản kỹ thuật số hoặc trên các tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng trung ương. 

CBDC sẽ giúp các chính phủ ngăn chặn mối đe dọa mà các đồng tiền kỹ thuật số tư nhân có thể gây ra đối với sự ổn định tài chính và sức mạnh kinh tế của đất nước. Đồng thời, CBDC giúp ngân hàng kiểm soát nguồn tiền và lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng và triển khai các chính sách kinh tế khi cần thiết.

Ngoài ra, CBDC cũng giúp các ngân hàng trung ương nắm được thông tin về cách người dân chi tiêu và trong trường hợp cần thiết, có thể dễ dàng định hướng các chương trình "tiền trực thăng" (Helicopter Money) - chương trình hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các hộ gia đình hoặc doanh nghiệp. 

Các loại tiền điện tử của ngân hàng trung ương cũng sẽ cho phép ngân hàng trung ương điều chỉnh lãi suất tiền tệ một cách linh hoạt, qua đó giúp thúc đẩy các nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái. 

Những người nắm giữ tiền điện tử quốc gia sẽ được hưởng lợi của một tài sản không có rủi ro, bởi không giống như các ngân hàng thương mại, các ngân hàng trung ương không thể phá sản. Các quy trình thanh toán cũng sẽ rẻ hơn, nhanh hơn và tạo điều kiện cho việc điều động vốn quốc tế.

Nguy cơ làm mất ổn định hệ thống ngân hàng

Tuy nhiên, việc đưa vào sử dụng CBDC cũng tiềm ẩn một số "rủi ro" thậm chí còn "rất đáng ngại", theo chuyên gia tiền tệ Luke Bartholomew. Đầu tiên là sự mất ổn định của toàn bộ hệ thống ngân hàng. 

Bởi vì sẽ chẳng ai còn muốn sở hữu một tài khoản ngân hàng truyền thống, nếu họ có thể mở một tài khoản kỹ thuật số ở ngân hàng trung ương, rẻ hơn và an toàn hơn. 

Vào những giai đoạn khủng hoảng, người dân có thể sẽ muốn chuyển tiền của họ từ tài khoản ngân hàng thương mại truyền thống sang tài khoản điện tử ở ngân hàng trung ương cho an toàn. Điều này sẽ nhanh chóng đẩy hệ thống ngân hàng trên toàn cầu vào sự hỗn loạn.

Trong trường hợp CBDC áp dụng lãi suất, các ngân hàng trung ương có thể dễ dàng thiết lập mức lãi suất thấp mà không ngân hàng thương mại nào có thể cạnh tranh nổi. Điều này có nguy cơ biến họ thành các công ty đầu tư, thiếu sự linh hoạt trong việc cung cấp khoản vay cho hộ gia đình và doanh nghiệp.

 

Thêm vào đó, thu nhập và chi tiêu của các chủ sở hữu CBDC sẽ có nguy cơ bị nhà nước giám sát và kiểm soát chặt chẽ hơn. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thậm chí đã từng đề cập đến việc phát "đồng tiền tan chảy" (monnaie fondante) để khuyến khích những người nhận tiền chi tiêu thay vì tiết kiệm, góp phần phục hồi kinh tế. 

Theo ý tưởng đó, “đồng tiền tan chảy” có giá trị giảm từ 100 xuống 0 trong khoảng thời gian vài tuần, nhằm phát huy tối đa tác dụng của loại "tiền trực thăng" này.

Hai kịch bản có thể xảy ra

Để tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, các ngân hàng trung ương có thể sẽ muốn hạn chế tính hấp dẫn và tính khả dụng của CBDC trong thời gian đầu. 

Tuy nhiên, việc để mặc cho các loại tiền điện tử phi tập trung phát triển mạnh cũng mang lại nhiều rủi ro về sự mất ổn định và thiếu kiểm soát, vì người dân có thể nhanh chóng chấp nhận những đồng tiền này miễn là chúng không chịu sự kiểm soát của các chính phủ. 

Kịch bản thứ nhất này nhiều khả năng sẽ xảy trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn, và hai loại tiền kỹ thuật số do “tư nhân” và “ngân hàng trung ương” phát hành sẽ cùng tồn tại. Nhưng về lâu dài, CBDC có thể chiếm thế thượng phong.

Kịch bản thứ hai, đáng lo ngại hơn, là CBDC không đủ sự hấp dẫn để ngăn chặn sự phổ biến của các đồng tiền kỹ thuật số có nền tảng là blockchain. 

Điều này sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách đối mặt với nguy cơ mất quyền kiểm soát thị trường tiền tệ-tài chính, và những đồng tiền điện tử ổn định và có uy tín, có thể chuyển đổi bằng một tỷ giá cố định với các đồng tiền quốc gia hiện có, sẽ dễ dàng thống lĩnh thị trường. 

Kịch bản này ít xảy ra hơn vì điều đó chứng tỏ các cơ quan quản lý không hành động và cũng không bảo vệ được lợi ích nhà nước. Tuy nhiên, mọi thứ đều có thể xảy ra.

Theo chuyên gia Luke Bartholomew, chính vì những nguy cơ tiềm ẩn trên mà cho đến nay, toàn bộ hệ thống kinh tế và ngân hàng vẫn đang nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp vững chắc cho những vấn đề rất cấp bách liên quan đến tiền kỹ thuật số./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục