S&P 500, Nasdaq ghi nhận mức giảm hàng tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 12/2022

12:27' - 11/02/2023
BNEWS Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đã có tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 12/2022. Nasdaq đã mất chuỗi 5 tuần tăng điểm khi các nhà giao dịch chờ đợi báo cáo lạm phát tháng 1/2023.

Chứng khoán Mỹ hầu hết tăng cao hơn trong phiên 10/2, khi các nhà đầu tư cân nhắc một báo cáo cho thấy tâm lý người tiêu dùng được cải thiện và những cảnh báo gần đây từ các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rằng cuộc chiến kiểm soát lạm phát vẫn chưa kết thúc.

 

Tuy nhiên, các chỉ số chính gồm S&P 500 và Nasdaq Composite đã có tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 12/2022. Nasdaq đã mất chuỗi 5 tuần tăng điểm liên tiếp khi các nhà giao dịch chờ đợi báo cáo lạm phát tháng 1/2023 được công bố vào tuần tới.

Phiên này tại thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,5% (tương đương 169,39 điểm) và đóng cửa ở mức 33.869,27 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,2% (8,96 điểm) và kết thúc ở mức 4.090,46 điểm. Ngược lại, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,6% (71,46 điểm) và khép phiên ở mức 11.718,12 điểm.

Các nhà đầu tư phiên 10/2 đã phân tán sự chú ý giữa các báo cáo thu nhập của doanh nghiệp, số liệu kinh tế và bình luận từ các quan chức Fed.

Về dữ liệu kinh tế, báo cáo sơ bộ do Đại học Michigan công bố cùng ngày 10/2 cho thấy chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã tăng vào đầu tháng Hai lên mức cao nhất trong 13 tháng là 66,4 - cho thấy người Mỹ lạc quan một cách thận trọng về nền kinh tế Mỹ.

Ông Geoff Dailey, phó Giám đốc bộ phận chứng khoán Mỹ tại nhánh quản lý tài sản đầu tư thuộc ngân hàng BNP Paribas, cho biết nhìn chung, kỳ vọng lạm phát đã được "neo" khá tốt. Chuyên gia này dự kiến Fed sẽ có thêm hai đợt tăng lãi suất nữa và sau đó có khả năng tạm dừng. Ông Daily không dự kiến Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Báo cáo của Đại học Michigan cũng cho thấy kỳ vọng lạm phát trong một năm tăng lên tới 4,2%, một diễn biến mà giới chuyên gia mô tả là "sẽ gây phiền hà cho Fed".

Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng thất vọng trước một số báo cáo thu nhập hàng quý, bao gồm từ công ty du lịch trực tuyến Expedia Group. Tỷ suất lợi nhuận của Expedia bị thu hẹp đã gieo rắc nghi ngờ về lĩnh vực tiêu dùng quan trọng này.

Yếu tố chính tạo áp lực lên chứng khoán Mỹ trong tuần qua là những lo ngại của thị trường về kế hoạch điều chỉnh lãi suất của Fed.

Trong phiên đầu tuần 6/2, chứng khoán Mỹ đi xuống sau khi những số liệu kinh tế khả quan làm dấy lên dự đoán Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất.

Khép phiên này, Dow Jones giảm 0,1% xuống 33.891,02 điểm. S&P 500 giảm 0,6% xuống 4.111,08 điểm. Còn Nasdaq giảm 1,0% xuống 11.887,45 điểm.

Số liệu công bố cuối tuần trước cho thấy kinh tế Mỹ tạo thêm hơn 500.000 việc làm trong tháng Giêng, gần gấp đôi với với con số của tháng 12/2022 và vượt xa mức dự báo là 188.000 việc làm. Các nhà giao dịch nhận định Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên trên 5% trước khi dừng tăng.

Phố Wall đóng cửa phiên giao dịch đầy biến động 7/2 với mức tăng, khi các nhà đầu tư tiếp nhận những bình luận mới nhất từ Chủ tịch Fed Jerome Powell về việc ngân hàng trung ương có thể cần bao lâu để kiềm chế lạm phát.

Kết thúc phiên này, Dow Jones tăng 266,99 điểm (tương đương 0,79%) lên 34.158,01 điểm. S&P 500 tiến 52,99 điểm (1,29%), lên 4.164 điểm. Nasdaq Composite cộng 225,16 điểm (1,89%), lên 12.112,61 điểm.

Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington vào cũng ngày, ông Powell cho biết, năm 2023 sẽ là một năm "lạm phát giảm đáng kể".

Nhận định của ông đã mang lại hy vọng cho các nhà đầu tư về chính sách tiền tệ bớt "diều hâu" hơn, vốn đã bị cản trở sau báo cáo việc làm khả quan của Mỹ trong tháng Một vừa qua.

Đà tăng không thể duy trì sang phiên 8/2. Chứng khoán Mỹ đi xuống khi giới đầu tư đang xem xét lời kêu gọi tăng thuế của Tổng thống Joe Biden trong bối cảnh triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp ngày càng xấu đi. Dow Jones giảm 0,6% xuống 33.949,01 điểm. 500 sụt 1,1% xuống 4.117,86 điểm, trong khi Nasdaq Composite để mất 1,7% và khép phiên ở mức 11.910,52 điểm.

Các chỉ số chứng khoán của Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày 9/2 giảm, xóa sạch mức tăng trước đó đầu phiên sau khi phiên đấu giá trái phiếu kỳ hạn 30 năm diễn ra ảm đạm và làm lu mờ báo cáo lợi nhuận lạc quan từ các công ty lớn như Disney và PepsiCo.

Kết thúc phiên giao dịch này, Dow Jones lùi 249,13 điểm (0,73%) xuống 33.699,88 điểm. S&P 500 mất 36,36 điểm (0,88%) xuống còn 4.081,50 điểm. Nasdaq Composite giảm mạnh nhất trong ba chỉ số, hạ 120,94 điểm (1,02%) xuống 11.789,58 điểm.

Với diễn biến trái chiều trong phiên cuối tuần 10/2, Dow Jones đã giảm 0,2% trong tuần qua, còn S&P 500 mất 1,1% và Nasdaq giảm 2,4%. Đây là tuần giảm thứ hai liên tiếp của Dow Jones, trong khi S&P 500 mất chuỗi hai tuần tăng với mức giảm theo phần trăm lớn nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 16/12.

Mặc dù các chỉ số chính chứng khoán đã giảm trong tuần này, nhưng một số nhà quan sát nhận định rằng họ đã tránh được những tổn thất sâu hơn. Vì Chủ tịch Fed đã không đi chệch khỏi quan điểm rằng "quá trình giảm lạm phát đã bắt đầu" trong các bình luận vào đầu tuần này.

Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ số liệu giá tiêu dùng của Mỹ vào thứ Ba tuần sau (14/2) để tìm thêm các dấu hiệu cho thấy lạm phát đang tiếp tục ở mức vừa phải. Một số chuyên gia khác cảnh báo rằng việc tăng trưởng tiền lương vẫn cao và lạm phát khu vực dịch vụ có thể gây ra vấn đề khi báo cáo CPI được công bố.

Trong khi đó, ông Ryan Belanger, người sáng lập công ty tư vấn tài chính Claro Advisors nhận định vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn về mức định giá trên thị trường chứng khoán.

Tương tự, ông David Kotok, Giám đốc đầu tư của Cumberland Advisors, tỏ ra hoài nghi về đợt phục hồi gần nhất của chứng khoán Mỹ và một số cổ phiếu đang dẫn đầu đà tăng hiện tại. Công ty của ông đang đánh giá thấp nhiều cổ phiếu tăng trưởng và công nghệ lớn đã hồi phục vào năm 2023, ưu tiên cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và quốc phòng và giữ một khoản phân bổ lớn bằng tiền mặt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục