Sản lượng lúa Hè Thu đạt cao nhất từ trước đến nay

15:50' - 31/08/2017
BNEWS Nhờ áp dụng các biện pháp quyết liệt nên tỉnh Long An đã hạn chế thiệt hại thấp nhất vụ lúa Hè Thu do lũ về sớm gây ra.
Sản lượng lúa Hè Thu đạt cao nhất từ trước đến nay. Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Trí – TTXVN
Đến thời điểm hiện tại nông dân vùng lũ Đồng Tháp Mười gồm các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường đã thu hoạch hơn 90% diện tích lúa Hè Thu trong tổng số khoảng 224.000 ha lúa Hè Thu, năng suất trung bình đạt từ 5 đến 5,5 tấn/ha, tổng sản lượng lúa Hè Thu tỉnh Long An năm nay đạt cao nhất từ trước đến nay, ước tính hơn 1 triệu tấn thóc.
Ông Lê Văn Hoàng Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long cho biết, nhờ áp dụng các biện pháp quyết liệt nên tỉnh Long An đã hạn chế thiệt hại thấp nhất vụ lúa Hè Thu do lũ về sớm gây ra. Chỉ có hơn 100 ha lúa Hè Thu ở huyện Tân Hưng bị mất trắng, đã cứu thành công hơn 30.000 ha lúa Hè Thu thuộc vùng trũng Đồng Tháp Mười.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mộc Hóa, ông Lâm Văn Xứng, năm nay lũ về sớm hơn mọi năm khoảng 1 tháng, có hơn 5.000 ha lúa Hè Thu của hiện huyện đang đến thời điểm trổ bông, nếu để nước tràn bờ coi như mất trắng. Huyện đã huy động các phương tiện cơ giới và hàng trăm người để gia cố những đoạn kênh, đập xung yếu.
Nhờ đó, mà toàn bộ các diện tích có khả năng ảnh hưởng do lũ về sớm được bảo vệ an toàn. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Mộc Hóa đã phân công thành viên phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ chính quyền các xã thực hiện nghiêm túc chế độ trực 24/24, tập trung huy động nhân lực, phương tiện cùng với nhân dân gia cố các đoạn đê bao xung yếu, chủ động ứng phó với tình hình nước trên các sông lên nhanh và thời tiết bất lợi.
Huyện Mộc Hóa khẩn trương vừa gia cố đê bao, đắp đập ngăn lũ vừa vận động nhân dân bơm nước từ ruộng ra kênh. Năng suất vụ lúa Hè Thu năm nay cao hơn năm 2016 hơn 1,3tạ/ha, nhờ đó lợi nhuận của bà con nông dân dân cũng cao hơn.
Ông Nguyễn Hữu Hồng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân huyện Vĩnh Hưng chia sẻ, vụ hè thu này huyện Vĩnh Hưng gieo sạ khoảng 28.500 hecta. Đến nay, bà con nông dân địa phương đã thu hoạch an toàn lúa Hè Thu, năng suất không giảm mà còn tăng chút ít so với năm ngoái. Năm nay, có lũ lớn về là niềm vui cho bà con nông dân. Vì nước lũ về mang theo phù sa và rửa sạch đồng ruộng, hy vọng mùa Đông Xuân tới đây bà con nông dân địa phương sẽ trúng đậm.
Tuy nhiên, nước lũ đổ về sớm dẫn đến mực nước trên các tuyến sống, kênh, rạch dâng cao đã làm cho lúa hè thu trên địa bàn huyện có khả năng bị ảnh hưởng do lũ.
Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã khẩn trương huy động toàn bộ phương tiện để gia cố và đào đắp mới 89 tuyến đê xung yếu với tổng chiều dài là trên 106.km, tổng kinh phí thực hiện hơn 7 tỷ đồng . Nhờ đó, các khu đê bao sau khi gia cố tương đối vững chắc, 100% diện tích lúa Hè Thu được bảo vệ an toàn, ông Hồng cho biết thêm.
Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chỉ đạo các huyện và thị xã vùng Đồng Tháp Mười tập trung khẩn trương rà soát, chủ động gia cố hệ thống đê bao lửng nhằm bảo vệ an toàn sản xuất, đề phòng lũ sớm và phòng, chống lũ chính vụ có đỉnh lũ tương đương năm 2011.
Đồng thời, chỉ đạo các huyện Đức Huệ, Thủ Thừa và Đức Hòa rà soát gia cố, nâng cấp hệ thống đê bao, bảo vệ sản xuất và dân sinh, phòng, chống mức triều cường tương đương năm 2011.
Đối với công trình phòng, chống lũ năm 2017, đề nghị Trung ương hỗ trợ 20 tỷ đồng để gia cố, nâng cấp các tuyến đê bao lửng, phòng, chống lũ năm 2017, bảo vệ trên 200.000 ha lúa vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh; đề nghị Trung ương hỗ trợ 3 tỷ đồng để đại tu, sửa chữa lớn các trạm bơm tiêu úng cho 3 khu đê bao thị trấn Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường.
Các huyện và thị xã rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm, chú trọng các khu vực xung yếu ngập lụt do bão, lũ; các khu vực dân cư sinh sống tại vùng ven sông có nguy cơ sạt lở đất; các khu vực thoát lũ vùng Đồng Tháp Mười...) ảnh hưởng khi xảy ra lũ lụt sớm để đưa vào kế hoạch, phương án đối phó với thiên tai.
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết thêm, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền các huyện và thị xã thực hiện, bảo đảm hoàn thành kế hoạch tu bổ, sửa chữa đê, công trình thủy lợi đầu mối (cửa van cống). Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng, chống thiên tai...
Ngành nông nghiệp cùng với các địa phương có kế hoạch sản xuất nông nghiệp hợp lý; phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ, bảo vệ sản xuất ở các vùng thường xuyên bị lũ lụt như vùng Đồng Tháp Mười.
Tỉnh Long An cũng chú trọng các vấn đề về kiểm soát lũ, xây dựng các trục giao thông nội địa, trên tuyến biên giới để vừa làm đê ngăn lũ, làm tuyến du lịch Đồng Tháp Mười, vừa làm trục đường cơ động lực lượng bảo đảm kịp thời phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng của địa phương.
Tỉnh xác định vùng Đồng Tháp Mười phải tập trung sản xuất chuyên canh, thâm canh lương thực, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, phát triển du lịch sinh thái, kinh tế cửa khẩu( cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp thuộc thị xã Kiến Tường); tổ chức xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục