Sản lượng tích cực nhưng rủi ro gia tăng ra sao đối với doanh nghiệp thép?

11:05' - 29/07/2022
BNEWS Sau khi tăng 15% trong quý I do nhu cầu bị dồn nén, sản lượng tiêu thụ thép trong tháng 4 và tháng 5 giảm khoảng 32% so với cùng kỳ.

Bức tranh lợi nhuận quý II cho thấy rủi ro đối với ngành thép đang trở nên hiện hữu. Đà tăng có thể bị giới hạn trong giao dịch ngắn hạn, khi định giá chịu áp lực lớn từ lợi nhuận thấp và khả năng giá thép biến động trong những quý tới.

Kết quả kinh doanh thời gian qua của các doanh nghiệp chứng kiến doanh thu tăng song lợi nhuận lại đi xuống. Lũy kế 6 tháng đầu niên độ 2021-2022 (1/10/2021-30/9/2022), Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 48%, đạt mức 29.595 tỷ đồng.

Nhưng do các loại chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nóng nên lãi sau thuế của Hoa Sen chỉ còn 872 tỷ đồng, thấp hơn 48% so với nửa đầu niên độ trước, thực hiện gần 64% kế hoạch doanh thu và khoảng 35 - 58% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tập đoàn Hòa Phát đã ghi nhận 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế sau nửa năm 2022, tương ứng giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 46% kế hoạch năm.

Thực tế, sau khi tăng 15% trong quý I do nhu cầu bị dồn nén, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước, bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và thép ống trong tháng 4 và tháng 5 giảm khoảng 32% so với cùng kỳ.

Theo quan sát của Công ty Chứng khoán SSI, nhu cầu yếu hơn có thể do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Theo đó, giá thép cao, cùng với sự gia tăng của các chi phí vật liệu xây dựng khác khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ.

Cùng với đó, lo ngại về việc giá thép tạo đỉnh, khiến các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho và các chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản.

Dù xuất khẩu bù đắp phần nào nhu cầu nội địa suy giảm, song nhiều khả năng sẽ giảm tốc trong các quý tới do nhu cầu chậm lại trước lo ngại giá thép giảm và các biện pháp bảo hộ từ các thị trường xuất khẩu.

Đơn cử, EU gần đây đã bổ sung Việt Nam vào nhóm "các nước khác" với hạn ngạch nhập khẩu dành cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) từ ngày 1/7/2021 – 30/6/2022, và tăng 4%/năm trong 2 năm tới.

Với điều chỉnh này, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU có thể sẽ giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, đóng góp từ thị trường EU đối với xuất khẩu thép Việt Nam cũng đã giảm so với giai đoạn trước do giá thép EU giảm trong những tháng gần đây.

Về nguồn cung, sản lượng thép toàn cầu nhìn chung đã giảm trong nửa đầu năm 2022, với tổng sản lượng sản xuất ước tính giảm 6,3% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, tính theo tháng, sản lượng thép sản xuất tại Trung Quốc đã tăng dần trong 3 tháng qua, làm gia tăng lượng hàng tồn kho tại nhà máy và tạo thêm áp lực lên diễn biến giá thép trong khu vực.

Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán Mirea Asset cho rằng, nhu cầu ngành thép vốn liên quan trực tiếp đến ngành bất động sản. Nếu dòng vốn cho thị trường bất động sản bị kiểm soát có thể khiến ngành bất động sản trong vòng những tháng tới khó khăn.

Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, giá thép liên tục giảm mạnh và chỉ trong 2 tháng đã có 10 lần điều chỉnh giá. Điều này dù được thị trường hoan nghênh, song nhiều doanh nghiệp chưa hết khó trong sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở này, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 theo hướng suy giảm.  Hòa Phát dự kiến lợi nhuận năm 2022 đạt mức 25.000 - 30.000 tỷ đồng, thấp hơn mức lợi nhuận 34.521 tỷ đồng của năm ngoái.

Theo Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, nguyên nhân đưa ra mức lợi nhuận thấp hơn là do giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng mạnh, xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp khiến cho giá than luyện cốc tăng 100-200 USD/tấn. Thứ hai là chính sách Zero-COVID của Trung Quốc khiến cho nhu cầu thép và sản xuất thép giảm.

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cho biết thêm: "Khi căng thẳng Nga - Ukraine nổ ra, nhiều người nghĩ rằng ngành thép Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc bớt đi 2 đối thủ cạnh tranh là Nga và Ukraine, đây là hai nhà sản xuất thép lớn thế giới. Nhưng thực tế lại không như vậy. Chúng ta cứ đợi kết quả kinh doanh quý II, III và IV năm nay sẽ thấy, ngành thép đang ở trong tình trạng không thuận lợi. Những tháng tới, dự báo kết quả kinh doanh sẽ không tốt".

Thép Nam Kim cũng đặt kế hoạch tổng doanh thu 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng. Như vậy, ước tính lợi nhuận năm 2022 giảm 28% so với thực hiện năm trước. Dù 2021 được Chủ tịch Thép Nam Kim Hồ Minh Quang đánh giá là một năm thành công khi vượt xa kế hoạch với doanh thu hơn 28.000 tỷ và lãi sau thuế 2.225 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch 28/7, cổ phiếu HPG chốt giá 21.400 đồng, cổ phiếu NKG chốt giá 17.700 đồng, thị giá HSG là 17.000 đồng/cổ phiếu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục