Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, hàng tồn kho giảm

16:29' - 30/11/2015
BNEWS Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ hai năm gần đây (năm 2013 tăng 5,6%; năm 2014 tăng 7,5%).

Tại cuộc họp giao ban tháng 11 của Bộ Công Thương diễn ra ngày 30/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho hay, sản xuất công nghiệp 11 tháng có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ hai năm gần đây. Tình hình tiêu thụ tăng khá, tồn kho ở mức thấp là những dấu hiệu tích cực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. 

Về tăng trưởng các nhóm ngành, ông Nguyễn Tiến Vỵ cho biết, một số ngành có chỉ số tăng cao như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 38,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 28%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 17,4%; dệt tăng 15,1%.

Sản xuất sản phẩm đèn LED panel tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Các sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của ngành như điện sản xuất tăng 12%, xăng dầu các loại tăng 22,7%, điện thoại di động tăng 38,7%, tivi tăng 51,1%, ô tô tăng 55,6%... Một số sản phẩm tăng trưởng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ như phân đạm ure, vải dệt, xe máy…

Các ngành công nghiệp đều có mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước. Ngành chế biến chế tạo tăng 10,2%; ngành khai khoáng tăng 8,2%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,4%.

Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và nhóm ngành sản xuất và phân phối điện tiếp tục có đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Về tình hình tiêu thụ, ông Nguyễn Tiến Vỵ nhấn mạnh, tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến nay tăng 12,8% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, mức tồn kho toàn ngành tiếp tục duy trì thấp hơn so với năm 2014. Cụ thể, tính tại thời điểm 1/11/2015, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,7% so với cùng kỳ 2014, thấp hơn 0,5 điểm % của cùng thời điểm 2014.

Trong đó, một số ngành chỉ số tồn kho thấp hoặc giảm so với cùng kỳ 2014 như sản xuất giấy và sản phẩm giấy giảm 24%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 57%...

Về xuất nhập khẩu, tháng 11, Việt Nam đã nhập siêu ước 200 triệu USD, bằng 1,4% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 11 tháng, nhập siêu 3,78 tỷ USD, bằng 2,5% kim ngạch xuất khẩu.

Hoạt động vận chuyển, bốc dỡ container hàng hóa XNK tại cảng Cái Lái Tp HCM. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN.

Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm này đạt 117 tỷ USD, chiếm 78,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng khoảng 16,5% so với cùng kỳ.

Tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, các sản phẩm linh kiện, điện thoại, nội thất…

Trong khi đó, nhóm hàng nông sản, thủy sản, lâm sản và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm lần lượt 7,6% và 45,4% tập trung giảm mạnh ở nhóm cà phê, thủy sản, than đá, dầu thô…

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch của nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng phục vụ gia công, sản xuất tiếp tục tăng trưởng, chiếm 88,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Vỵ cho hay, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; kết nối thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là dịp cuối năm./.

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục