Sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp - Bài cuối: Ươm những mầm xanh

12:34' - 24/04/2018
BNEWS Nhiều công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp, đổi mới đã thực hiện có hiệu quả chủ trương thu hút đầu tư của xã hội, nhất là về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hầu hết các công ty sau sắp xếp đã tăng được doanh thu, lợi nhuận. Ảnh minh họa: TTXVN
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhiều công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp, đổi mới đã thực hiện có hiệu quả chủ trương thu hút đầu tư của xã hội, nhất là về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, với những công ty lâm nghiệp sau khi sắp xếp sẽ duy trì mô hình doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ công ích thì vẫn loay hoay tìm nguồn thu.

Hầu hết công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp lại đã ổn định mô hình tổ chức, quản trị, ngành nghề sản xuất kinh doanh chính cùng với đa dạng hóa ngành nghề một cách chủ động hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã cụ thể và sát thực với tình hình thực tế hơn.

Điển hình Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn (Gia Lai), lợi nhuận đã tăng mạnh sau khi cổ phần hóa. Theo bà Nguyễn Thị Sen, Chủ tịch HĐQT công ty, sau khi chuyển sang cổ phần, công ty đã đầu tư trồng xen canh 80.000 cây bơ booth trái vụ trên toàn bộ vườn chè; trồng thử nghiệm một số diện tích cà phê xen sầu riêng chất lượng cao. Thành công từ việc trồng xen canh đã giúp thu nhập của người lao động tăng lên rõ rệt.

Bên cạnh đó, công ty còn đầu tư hệ thống tưới, nạo vét hệ thống hồ thủy lợi phục vụ sản xuất và người dân trên địa bàn xã Bàu Cạn. Đặc biệt, công ty đã vay được vốn để đầu tư máy móc chế biến chè và cà phê theo nhu cầu thị trường.

Công ty đã đầu tư hệ thống dây chuyền công nghệ cao chế biến cà phê theo công nghệ chế biến ướt rất thành công trong vụ cà phê năm 2017; đầu tư sản xuất cà phê rang xay bột thương hiệu Catecka. Cùng với đó là phát triển đội ngũ chuyên gia về nông nghiệp công nghệ cao để phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Hay Công ty cổ phần Cà phê Phước An (Đắk Lắk), trước cổ phần công ty chỉ sản xuất 6 tháng/năm theo mùa vụ. Sau khi cổ phần hóa, đối tác chiến lược của công ty là Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood đã đầu tư vào xây dựng thương hiệu Nuti Cafe và đầu tư kho lạnh để phát triển cây ăn quả.

Theo ông Hồ Sỹ Trung, Tổng giám đốc Công ty Cà phê Phước An, công ty hàng năm đạt doanh thu 300 tỷ đồng, nhưng Nutifood đã đưa ra yêu cầu phải nâng mức doanh thu lên 2.000 tỷ đồng và họ sẵn sàng đầu tư vốn cho công ty sản xuất, kinh doanh.

Các công ty lâm nghiệp sau sắp xếp vẫn gặp khó trong tìm nguồn thu, huy động vốn. Ảnh minh họa: TTXVN
Bên cạnh các đơn vị sau khi cổ phần đã tăng được doanh thu, lợi nhuận thì hầu hết các công ty lâm nghiệp sau khi sắp xếp sẽ duy trì mô hình doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ công ích lại gặp khó trong tìm nguồn thu, huy động vốn.

Sau sắp xếp, các địa phương khu vực Tây Nguyên có số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhiều như: Gia Lai có 11 công ty, Kon Tum có 6 công ty, Đắk Nông 5 công ty…. Nhiều đơn vị chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ rừng đơn thuần nên phụ thuộc nguồn thu chính từ dịch vụ môi trường rừng, các chương trình bảo vệ và phát triển rừng và chỉ đáp ứng đủ chi trả lương cho lao động.

Hiện nay, cây trồng trong ngành lâm nghiệp vẫn chỉ gồm keo, bạch đàn, thông, sao, dầu... Hầu hết các loài cây này nếu trồng trên đất Tây Nguyên sẽ rất lãng phí vì hiệu quả mang lại không cao, người dân không mặn mà. Trong khi đó, các loại cây ăn trái như: mít, bơ, sầu riêng, vú sữa… có khả năng bảo vệ môi trường không kém, đặc biệt mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, công ty cơ bản hoàn thành đề án sắp xếp. Hiện công ty có khoảng 1.800 ha đất xâm canh nằm xen kẽ với 331 hộ; trong đó, 84 hộ đồng bào dân tộc tại chỗ.

Để tránh tạo điểm nóng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự nếu giao trả cho địa phương quản lý, hay giải tỏa, thu hồi để trồng lại rừng, công ty đang xin phép UBND tỉnh Đắk Nông cho xây dựng thí điểm Dự án Nông lâm kết hợp. Triển khai dự án sẽ giao khoán cho từng hộ dân để người dân vừa ổn định phát triển kinh tế, vừa bảo vệ và phát triển vốn rừng và đất rừng.

Để có vốn cho sản xuất này, ông Nguyễn Ngọc Bình kiến nghị, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hành Chính sách Xã hội cần mạnh dạn cho vay vốn theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020.

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các công ty lâm nghiệp được trồng rừng theo phương thức lâm nông kết hợp (sản xuất nông nghiệp nhưng đảm bảo độ che phủ rừng).

Bên cạnh đó, chi trả dịch vụ môi trường rừng mới chỉ được tính đối với rừng tự nhiên, còn với cây trồng như điều, cao su, mắc ca… mặc dù đã được công nhận là cây lâm nghiệp, trồng trên đất lâm nghiệp nhưng không thuộc đối tượng được tính toán để chỉ trả dịch vụ môi trường rừng.

Do đó, các doanh nghiệp cho rằng, để tạo công bằng và tăng nguồn thu cho các đơn vị, cần đưa các loại cây trồng trên vào diện được chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, nếu không có dịch vụ môi trường rừng, các công ty lâm nghiệp sẽ rất khó duy trì hoạt động. Các đơn vị rất khó khăn về vốn điều lệ, vay vốn, trong khi quản lý tài sản lớn về đất, rừng nhưng không được thế chấp để vay vốn.

Vì vậy, tỉnh đề nghị được thí điểm thuê rừng đặc dụng trồng sâm ngọc linh để tăng nguồn thu trong khi đó vẫn góp phần bảo vệ và phát triển rừng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục