Sạt lở bờ biển tại Bình Thuận, uy hiếp trực tiếp hơn 20 hộ dân

17:42' - 13/10/2022
BNEWS Chiều 13/10, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận có báo cáo nhanh về tình trạng sạt lở bờ biển xảy ra vào sáng cùng ngày tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong.

Theo đó, vào khoảng 2 giờ ngày 13/10, sóng mạnh kết hợp triều cường đánh liên tục vào bờ gây sạt lở dọc ven biển tại khu vực khu phố Phú Thủy, thị trấn Phan Rí Cửa với chiều dài gần 200m; làm sập tường rào của các hộ dân khu vực thị trấn này, uy hiếp trực tiếp hơn 20 hộ dân có nhà sát biển.

Ngoài ra, sóng biển còn làm sạt lở hàng rào tạm, ngã đổ cây trồng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

 

Ngay sau khi sạt lở bờ biển xảy ra, Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong chỉ đạo huy động lực lực xung kích, cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Hòa Minh cùng người dân trong khu vực triển khai công tác khắc phục hậu quả, gia cố những nơi bị sạt lở mạnh, có nhà dân bằng bao cát tạm thời giữ ổn định.

Hiện nay, địa phương cử cán bộ theo dõi tình hình, thông báo cho người dân chủ động theo dõi tình hình sạt lở trong khu vực, tiếp tục gia cố bằng bao cát và cọc gỗ (nếu sạt lở tiếp tục xảy ra).

Cũng trong chiều 13/10, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận có văn bản khẩn triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.

Theo báo cáo, tổng số tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên biển là 2.607 tàu, với 13.773 lao động. Các tàu thuyền hoạt động trên biển hiện nay đã biết thông tin, diễn biến về áp thấp nhiệt đới và đang được Bộ đội Biên phòng tỉnh hướng dẫn, kêu gọi vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn, không di chuyển vào vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; giữ liên lạc với các đồn Biên phòng, đài thông tin Duyên hải khu vực và gia đình, thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển chỉ đạo các xã ven biển chằng, chống nhà cửa, kho tàng, công sở, trường học…; rà soát, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch tại khu vực ven biển, khu sản xuất kinh tế, lồng bè, nuôi trồng thủy sản.

Các địa phương rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm ven biển, cửa sông nguy cơ bị sóng biển, gió mạnh, triều cường ảnh hưởng khi bão đổ bộ, vùng trũng, ngập lụt, sạt lở.

Đặc biệt kiểm tra, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực ngập lụt, sạt lở; hướng dẫn người dân biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản./.

>>Xảy ra nhiều điểm sạt lở, Hà Tĩnh tập trung gia cố các điểm xung yếu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục