Sầu riêng đầu vụ thu lãi cao

09:41' - 18/05/2017
BNEWS Mặc dù năng suất sầu riêng năm nay tại Sóc Trăng giảm so với mọi năm, nhưng nhờ giá sầu riêng đầu vụ cao nên nông dân vẫn có lãi.

Tại huyện Kế Sách, địa phương có diện tích trồng sầu riêng nhiều nhất tỉnh Sóc Trăng với gần 300 ha, nông dân trên địa bàn đã rải rác bán sầu riêng cho thương lái.

Cây sầu riêng sai trái đến ngày thu hoạch của người dân. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Giá sầu riêng thu mua tại xã Ba Trinh hiện dao động ở mức 45.000 – 50.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 10.000 đồng/kg. Tại xã Xuân Hòa, sầu riêng bán tại vườn có giá 33.500 đồng/kg, cao hơn năm trước khoảng 7.500 đồng/kg.

Gia đình ông Lê Văn Viết, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách trồng được 1 ha sầu riêng với 300 gốc. Tuy chưa được thu cả vườn do trồng rải rác theo đợt song mỗi năm, gia đình ông thu lãi 150 triệu đồng từ vườn sầu riêng.

Ông Viết cho biết: “Do gia đình theo dõi kỹ diễn biến thời tiết cũng như chăm sóc tốt vườn cây nên năng suất sầu riêng khá ổn định qua các năm, có giảm cũng không đáng kể.

Trồng sầu riêng chỉ cần chịu khó, có tâm thì vườn sẽ thu được cỡ 20 năm. Hiện nay có nhà vườn bán 50.000 đồng/kg sầu riêng, với giá đó sẽ có lợi nhuận cao”.

Nguyên nhân giá sầu riêng đầu vụ tăng là do ảnh hưởng của hạn, mặn vào mùa khô lịch sử 2015 – 2016 đã làm nhiều diện tích sầu riêng ở các xã An Lạc Tây, An Lạc Thôn, Phong Nẫm, Nhơn Mỹ,… của huyện Kế Sách bị ảnh hưởng, cây thiệt hại và chưa phục hồi được.

Do đó, năng suất, sản lượng vườn sầu riêng giảm, nhu cầu của thị trường cao khiến giá sầu riêng tăng.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, giá sầu riêng sẽ tiếp tục tăng đến Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), sau đó giảm nhưng không giảm nhiều.

Tổ hợp tác cây ăn trái Tài Lộc, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng có 13 thành viên với khoảng 24ha sầu riêng.

Do ảnh hưởng của hạn, mặn, hơn 5 ha sầu riêng của tổ hợp tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đến nay vẫn chưa phục hồi được, năng suất giảm khoảng 70%.

Niên vụ sầu riêng năm nay, người dân vẫn hy vọng giá ở mức cao để bù lại năng suất.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: “Mùa khô 2015 – 2016 do xâm nhập mặn nhanh, nhiều nhà vườn trở tay không kịp, những vườn đã tưới nước, mặn vào làm sầu riêng chết hết”.

Những nhà không tưới nước trước đó, gặp hạn, mặn vườn sầu riêng bị cháy lá, thối rễ. Đến nay, những cây nhỏ bị hạn, mặn đã phục hồi được, những cây lớn bộ rễ vẫn ảnh hưởng làm năng suất vườn sầu riêng giảm, ông Anh chia sẻ.

Bên cạnh đó dịch bệnh thường xảy ra trên cây sầu riêng. Đặc biệt là bệnh bù xè đục thân và bệnh nứt thân, xì mủ. Hiện nay, nông dân đã chủ động xử lý được các loại dịch bệnh này ở phần thân cây. Riêng bệnh xì mù ở phần rễ cây nông dân vẫn chưa có biện pháp xử lý và đang là nỗi lo ngại của người trồng sầu riêng.

Ông Nguyễn Hoàng Nhu, Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết, ngành nông nghiệp đang phối hợp với trường Đại học Cần Thơ, viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thường xuyên tập huấn kỹ thuật xử lý ra hoa sớm, hoa mùa nghịch, kỹ thuật phòng chống hạn mặn và quản lý bệnh nứt thân, xì mủ cho nông dân trồng sầu riêng.

Hiện nay, nhiều cây bị bệnh nứt thân, xì mủ đã có chuyển biến tốt, hướng tới địa phương sẽ quản lý được bệnh này.

Sầu riêng là cây "khó tính", khó trồng tuy nhiên giá trị kinh tế ổn định, ít rớt giá bất thường, do đó nhiều nhà vườn ở Sóc Trăng đã chuyển từ cây kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng.

Trong thời gian tới, những vùng đất nhiều hữu cơ của huyện Kế Sách sẽ mở rộng diện tích trồng sầu riêng là các xã Ba Trinh, Trinh Phú, Xuân Hòa, ông Nhu cho biết thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục