Sẽ cưỡng chế tháo dỡ công trình nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long

16:06' - 27/02/2023
BNEWS Tháng 3/2023 tới đây thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh sẽ cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả các công trình nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long.

Sau thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn, tháng 3/2023 tới đây thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh sẽ cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả các công trình nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long.

 

UBND thành phố Hạ Long thông tin: Đoàn kiểm tra liên ngành trên vịnh Hạ Long đã thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện khai thác thủy sản và hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trái phép của địa phương này. Đồng thời,  nhắc nhở và tiếp tục vận động ngư dân nuôi trồng thuỷ hải sản trái phép trên vịnh Hạ Long tháo dỡ công trình vi phạm.

Tuy nhiên, sau nhiều lần vận động, kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính, các hộ nuôi trồng đã không tự nguyện tháo dỡ công trình nuôi trồng thủy sản trái phép nên thành phố sẽ tổ chức cưỡng chế vào đầu tháng 3/2023.

Chẳng hạn, qua kiểm tra tại khu vực hòn Đồng Bìa Tây, vịnh Hạ Long, Đội kiểm tra Trật tự đô thị và Môi trường thành phố cùng lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản và tham mưu UBND thành phố ra quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế đối với ngư dân có hoạt động nuôi trồng thuỷ hải sản trái phép là ông Phạm Văn Thìn, thường trú tại tổ 59, khu 6B, phường Hà Phong, thành phố Hạ Long.

UBND thành phố đã yêu cầu cá nhân vi phạm tháo dỡ, di dời toàn bộ công trình vi phạm nhưng đến nay hộ dân chưa phá dỡ công trình.

Hiện nay, trên vịnh Hạ Long thuộc thành phố Hạ Long có tổng số 51 hộ dân nuôi trồng thủy sản tập trung tại các điểm đã được quy hoạch nuôi trồng thủy sản theo Quyết định số 1360/QĐ-UBND ngày 14/10/2009 của UBND thành phố Hạ Long về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên vịnh Hạ Long giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến 2020.

Còn 83 hộ nuôi ngoài vùng quy hoạch (trái phép) tập trung chủ yếu trên vịnh Hạ Long, sông Hốt thuộc địa bàn phường Đại Yên, sông Trới trên địa bàn xã Lê Lợi...

Đối với các trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép, UBND thành phố Hạ Long đã ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng mức tiền phạt 200 triệu đồng và đã có 6 trường hợp chấp hành nộp phạt với số tiền 150 triệu đồng.

UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã phường phối hợp cùng Ban Quản lý vịnh Hạ Long tiếp tục tuyên truyền, vận động, xử lý và xây dựng kế hoạch cưỡng chế di dời đối với các trường hợp nuôi trồng trái phép không chấp hành xong trước tháng 4/2023.

Việc nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long làm ảnh hưởng đến luồng lạch, mất an toàn giao thông đường thủy, nhất là khi có nhiều tàu du lịch, tàu hàng lưu thông trên vịnh. Cùng với đó, là nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan trên kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Trong năm 2022, thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn đã cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả đối với các hộ dân không chấp hành quy định về vùng nuôi trồng thủy sản trên biển theo quy hoạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục