Sẽ tạo điều kiện cho các trường tự chủ trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh

21:18' - 30/01/2018
BNEWS Dự thảo có nhiều thay đổi quan trọng nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục quyền tự chủ và trách nhiệm trong việc xác định, thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.
 Quang cảnh Ngày hội tuyển sinh tại Đại học Cần Thơ. Ảnh: Hồng Giang (TTXVN).

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ thay thế Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Dự thảo có nhiều thay đổi quan trọng nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục quyền tự chủ và trách nhiệm trong việc xác định, thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, căn cứ vào các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và nhu cầu của thị trường sử dụng lao động.

*Nhiều điểm thay đổi quan trọng

Nội dung thay đổi nhiều nhất so với quy định hiện hành là các nguyên tắc xác định chỉ tiêu, theo hướng tăng quyền tự chủ cho các trường đại học. Theo đó, các trường đại học tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo các tiêu chí được quy định, công bố công khai và chịu trách nhiệm giải trình về chỉ tiêu tuyển sinh, các tiêu chí, chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.

Dự thảo Thông tư cho phép các ngành đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng có nghị quyết thông qua chủ trương xác định chỉ tiêu tuyển sinh của hội đồng trường, hội đồng quản trị được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đó. Trường đại học chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định thì không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước đó (trừ ngành đào tạo mới được mở ngành trong năm tuyển sinh).

Các ngành triển khai theo đề án thực hiện cơ chế đặc thù thí điểm đào tạo nhân lực ngành du lịch và công nghệ thông tin trình độ đại học giai đoạn 2017 - 2020, các ngành thực hiện cơ chế đặc thù khác (nếu có) thì xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của cơ chế đặc thù trong thời gian quy định.

Một điểm mới của dự thảo lần này đó là cho phép tính cả toàn bộ giáo viên cơ hữu và giáo viên thỉnh giảng theo tỷ lệ giới hạn để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trừ các ngành đào tạo giáo viên. Quy định hiện hành cho phép các trường căn cứ vào số lượng giảng viên cơ hữu để xác định chỉ tiêu.

Cụ thể, số lượng giảng viên thỉnh giảng quy đổi tối đa được xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo khối ngành như sau: Với khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, riêng các ngành đào tạo giáo viên không được tính giảng viên thỉnh giảng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, còn đối với ngành khoa học giáo dục thì tính tối đa bằng 5% tổng số giáo viên cơ hữu quy đổi. Tỷ lệ 5% này cũng được áp dụng cho hầu hết các khối ngành còn lại, riêng khối ngành nghệ thuật tỷ lệ này là 30%.

Dự thảo thông tư chỉ còn giữ hai tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh đó là số sinh viên chính quy tính trên một giảng viên quy đổi theo từng khối ngành của cơ sở giáo dục và diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo tính trên một sinh viên chính quy....

Đặc biệt, tại dự thảo lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo giáo viên. Trong đó, căn cứ để xác định chỉ tiêu của ngành này là nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo và địa chỉ sử dụng nhân lực sau khi đào tạo của địa phương, các tổ chức giáo dục, có các minh chứng kèm theo.

*Hướng tới nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên

Lý giải về việc dự thảo Thông tư cho phép tính cả giảng viên thỉnh giảng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: Dự thảo cho phép cơ sở đào tạo được xác định chỉ tiêu tuyển sinh với số lượng nhất định các giảng viên thỉnh giảng quy đổi theo tiêu chuẩn là các chuyên gia, người làm công tác quản lý, nghệ nhân, giảng viên của các cơ sở đào tạo khác có nhiều kinh nghiệm tham gia vào quá trình đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn chặt hơn với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực.

Các giảng viên thỉnh giảng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên; ký hợp đồng thỉnh giảng theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chế độ giảng viên thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục và các quy định liên quan khác; được cơ sở giáo dục trả lương và thù lao theo hợp đồng thỉnh giảng. Như vậy, không phải giảng viên thỉnh giảng nào cũng được tính để xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Ông Trần Anh Tuấn cũng cho biết: Từ năm 2015 trở lại đây, để đảm bảo chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cảnh báo các cơ sở đào tạo giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo. Theo thống kê hàng năm, tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng hệ chính quy tăng không quá 10% so với năm trước. Việc tăng chỉ tiêu này là của các trường mới được nâng cấp, thành lập; các trường đã tuyển dụng thêm đội ngũ giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất và mở thêm các ngành đào tạo mới.

Năm 2018, dự thảo quy định cho phép các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với giảng viên thỉnh giảng nhưng tính tối đa bằng 5% tổng số giảng viên cơ hữu quy đổi để hướng tới việc tăng quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, không phải chạy theo số lượng.

Liên quan đến vấn đề chưa đưa tiêu chí sinh viên có việc làm để các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh, ông Trần Anh Tuấn phân tích: Từ năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phải công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp trong Đề án tuyển sinh của trường để xã hội giám sát, đánh giá như một điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đưa được tiêu chí sinh viên có việc làm vào dự thảo Thông tư vì phải phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 điều 34 Luật Giáo dục Đại học “Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và thiết bị”.

Do đó, sau khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội thông qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cũng như quy định rõ đối tiêu chí sinh viên có việc làm trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Trong thời gian tới, triển khai công tác kiểm định chất lượng đào tạo sẽ là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở giáo dục. Dự kiến đến năm 2020, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ căn cứ vào các tiêu chí kiểm định chất lượng phù hợp với thông lệ quốc tế của khu vực và thế giới./.

Điểm mới tuyển sinh vào đại học 2018 của Đại học Quốc gia Hà Nội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục