Số hóa phân vùng phát triển nghề nuôi biển theo hướng công nghệ cao

07:30' - 09/04/2025
BNEWS Tận dụng lợi thế, điều kiện của địa phương vùng biển, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai Đề án của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Môi trường về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển vùng nuôi biển trên 2.000 ha; đồng thời thúc đẩy phát triển nghề nuôi biển theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất tiên tiến gắn với bảo vệ mô trường để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng đến xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng cho hay, dựa trên Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023, tỉnh sẽ số hóa phân vùng khu vực biển; đề ra phương án, giải pháp quản lý và phát triển nuôi biển công nghệ cao; xây dựng bộ tiêu chí về vùng nuôi chuyên canh công nghệ cao… để làm cơ sở kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có tiềm năng kinh tế đăng ký nuôi biển công nghệ cao. Đồng thời, giao khu vực để thực hiện nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển của tỉnh.

Tỉnh Ninh Thuận xác định vùng nuôi biển trên 2.000 ha được đặt tại khu vực C1 và C2 thuộc khu vực phía Đông Bắc của tỉnh; trong đó khu vực C1 hơn 740 ha; khu vực C2 trên 1.300 ha.

 

Tỉnh cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế vào đầu tư đồng bộ các khâu phát triển nuôi biển công nghệ cao, ưu tiên các mô hình tổ chức liên kết, liên doanh sản xuất giữa các khâu từ ương giống, sản xuất cung cấp thức ăn, nuôi thương phẩm, tiêu thụ sản phẩm.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, hiện nay tỉnh cũng đang xây dựng cơ chế liên kết giữa nuôi biển với hoạt động các ngành kinh tế khác để tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các hoạt động sản xuất trên biển. Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động cùng lúc nhiều lĩnh vực trên biển như: nuôi biển; du lịch; vận tải biển; khai thác và chế biến; ưu tiên phát triển công nghệ và đội tàu vận chuyển sản phẩm nuôi biển sống, giá trị cao đến thị trường trong và ngoài nước.

Để thu hút đầu tư vào nghề nuôi biển, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vào các vùng nuôi, đào tạo nhân lực phục vụ, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng công nghệ… tỉnh Ninh Thuận còn đề ra giải pháp về cơ chế chính sách vay vốn ưu đãi tín dụng để hỗ trợ người nuôi chuyển đổi từ lồng nuôi truyền thống sang ứng dụng nuôi công nghệ cao, lồng HDPE; đồng thời hỗ trợ phần thiệt hại nếu như xảy ra rủi ro thiên tai, hoặc gia hạn nợ… để khắc phục hậu quả và tái sản xuất.

Đặc biệt, tỉnh Ninh Thuận sẽ vận dụng linh hoạt các giải pháp trong Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16/08/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 để thúc đẩy thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển. Đồng thời, lồng ghép hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nuôi biển, nhất là sản phẩm tươi sống hoặc thông qua chế biến vào chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản của tỉnh.

Tỉnh Ninh Thuận có đường bờ biển dài trên 105 km và có vùng biển rộng là lợi thế để đẩy mạnh phát triển sản xuất giống thủy sản và nuôi biển như cá biển và các đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao. Nắm bắt thế mạnh này, những năm gần đây, xu hướng nuôi biển xa bờ được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư, đã mở ra triển vọng phát triển mới cho nghề nuôi biển của tỉnh.

Nhiều ngư dân ở xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải) cho hay, việc đầu tư lồng nuôi mực bán tự nhiên bằng công nghệ HDPE tại vùng biển C3 trên địa bàn huyện đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế khá rõ nét, trung bình mỗi lồng cho sản lượng đạt 7 tấn mực, đem lại thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/vụ. Hiện mô hình nuôi này đang từng bước được nhân rộng.

Ông Nguyễn Kim Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Thuận) cho biết, môi trường biển ở tỉnh không bị ô nhiễm, biển êm, ít sóng lớn nên rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi biển, nhất là khu vực C1 và C2. Những năm qua ở khu vực này cũng đã có nhiều mô hình nuôi biển như: Nuôi tôm hùm lồng, mực nhảy, nuôi hàu, cá… rất hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có trên 220 bè nổi và khoảng 1.000 lồng chìm nuôi tôm hùm, 800 lồng nuôi cá tại khu vực biển các huyện Ninh Hải, Thuận Nam và Ninh Phước. Tại vùng biển C1, C2 (khu vực phía Đông Bắc của tỉnh) và khu vực Hòn Chông (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) hiện nay có 83 bè nổi và hơn 4.000 lồng chìm nuôi tôm hùm và các loại hải sản khác.

Với giải pháp hữu hiệu cùng cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nuôi biển theo công nghệ cao, kỳ vọng thời gian tới vùng nuôi biển C1 và C2 của tỉnh sẽ chặt kín lồng bè nuôi các loại hải sản có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển hiệu quả và bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục