Sóc Trăng huy động nguồn lực nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

16:53' - 11/12/2024
BNEWS Tại huyện Mỹ Xuyên, địa phương có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Những năm qua, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên người dân tham gia tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm trên 30% dân số). Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, từ đó bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, kết cấu hạ tầng được tăng cường, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

 

Xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới

Là địa phương vùng sâu, vùng xa, xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú) khi mới triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới có điều kiện hạ tầng rất khó khăn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, xã đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân. Mỹ Phước là xã cuối cùng của huyện Mỹ Tú đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Phan Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phước cho biết, giai đoạn 2010-2024, địa phương đã huy động trên 813 tỷ đồng để thực hiện chương trình, trong đó gần 150 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa trong xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế. Điển hình như tuyến đường Xóm Tiệm thuộc xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú) với chiều dài trên 3 km mới đưa vào sử dụng với kinh phí thực hiện trên 10 tỷ đồng, trong đó có 6 cây cầu giao thông thực hiện từ nguồn vốn xã hội hóa với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng.

Cũng theo ông Phan Thanh Tùng, nhờ thực hiện tốt công tác xã hội hóa giúp hạ tầng giao thông nông thôn phát triển toàn diện, đến nay 100% tuyến đường bê tông nối ấp liền ấp, xã liền xã…. Nhân dân thuận lợi mua bán hàng hóa, sản xuất kinh doanh. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt gần 63 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,7%.

Ông Trần Thanh Xuân ở xã Mỹ Phước phấn khởi chia sẻ, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở xã Mỹ Phước không ngừng thay đổi, nhất là hệ thống giao thông phát triển khá nhanh, tạo thuận lợi cho người dân kinh doanh, con em được đi học dễ dàng… Cũng theo ông Xuân, thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhân dân nơi đây hưởng ứng tích cực, như tham gia ngày công lao động xây dựng các công trình giao thông, chỉnh trang nhà cửa, làm ăn phát triển kinh tế.

Huy động nhiều nguồn lực

Tại huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), địa phương có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Những năm qua, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên người dân tham gia tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên Phạm Ngọc Huệ cho biết, sự lan tỏa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân, từ chỗ tư tưởng trông chờ vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin, đóng góp tích cực vào phong trào. Theo ông Phạm Ngọc Huệ, tổng kinh phí đã thực hiện cho chương trình xây dựng nông thôn mới tính đến cuối năm 2024 của huyện là 6.338 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ nhân dân trên 715 tỷ đồng.

Ông Phạm Ngọc Huệ chia sẻ, ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo đã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch, xác định rõ lộ trình và cân đối nguồn lực, đảm bảo khả thi, tạo sự chuyển biến mạnh về chiều sâu, bền vững trong thực hiện chương trình. Tính đến cuối năm 2024, toàn huyện có 10/10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 1 thị trấn Mỹ Xuyên đạt chuẩn đô thị văn minh. Đồng thời, huyện thực hiện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, năm 2024, tỉnh đã huy động nguồn vốn hơn 3.863 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 200 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 217 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 1.524 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 1.500 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp trên 206 tỷ đồng và nhân dân đóng góp hơn 214 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, nhằm đạt mục tiêu giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2024, sở luôn theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn. Sở tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các quyết định giao vốn đảm bảo đến cuối năm 2024 giải ngân trên 95% các nguồn của chương trình.

Cũng theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đảm bảo giải ngân theo đúng kế hoạch. Năm 2024, Sóc Trăng phấn đấu có thêm ít nhất 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục