Sóc Trăng làm rõ hiện tượng khí gas bốc lên từ giếng khoan

17:43' - 15/07/2024
BNEWS Hiện tượng khí gas từ giếng khoan được phát hiện tại ấp Tà Ân A1, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng xảy ra ngày 10/5/2024.

Ngày 15/7, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức Hội thảo “Khí gas từ giếng khoan nước sinh hoạt và định hướng nghiên cứu thăm dò, khai thác khí nông tại Sóc Trăng”.

 

Hiện tượng khí gas từ giếng khoan được phát hiện tại ấp Tà Ân A1, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng xảy ra ngày 10/5/2024. Trước sự việc trên, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ cùng Sở Tài nguyên và Môi trường đến khảo sát trực tiếp; đồng thời mời các chuyên gia nghiên cứu nhằm giải thích hiện tượng và định hướng nghiên cứu thăm dò, khai thác khí nông tại tỉnh Sóc Trăng.

Ông Nguyễn Thành Duy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng cho biết, hội thảo nhằm đánh giá đúng thực trạng về khí gas từ giếng khoan nước sinh hoạt (tại huyện Mỹ Tú) và định hướng nghiên cứu thăm dò, khai thác khí nông tại Sóc Trăng; đánh giá cấu trúc địa chất, tương quan biến động giữa nước ngầm và nước mặt khu vực ven biển thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng); đề xuất giải pháp công nghệ phục vụ tích trữ nước ngọt, bổ cập nguồn nước ngầm góp phần giảm thiểu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung như: nguồn gốc khí gas, đánh giá trữ lượng khí, tiềm năng để khai thác khí phục vụ sinh hoạt, sản xuất ở tỉnh Sóc Trăng; ảnh hưởng của khí đến môi trường, sức khỏe con người…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Xuân, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu khí từ giếng khoan nước sinh hoạt (ấp Tà Ân A1, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) để xét nghiệm và nguyên cứu. Kết quả, khí này có nguồn gốc phân hủy từ vật liệu hữu cơ, hàm lượng CH4 cao (có thể là khí Biogas hoặc khí dầu khí), có tiềm năng khai thác sử dụng làm nhiên liệu. Ngoài ra, khí bốc lên có hàm lượng CO2 và H2S thấp, cách xa khu dân cư, mức tác động thấp đến sinh hoạt của cư dân, môi trường sinh thái.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Xuân cho rằng cần có đề án đánh giá tổng thể về hình thái cấu trúc và phạm vi phân bố khí này một cách khoa học, đánh giá tổng thể về tiềm năng khai thác và ứng dụng. Việc nghiên cứu chuyên sâu về nguồn gốc, phạm vi phân bố của nguồn tài nguyên khí này đem đến nhiều lợi ích cho địa phương về kinh tế.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Xuân, Việt Nam sở hữu một số lượng đáng kể dầu mỏ và khí thiên nhiên, ước tính trữ lượng dầu mỏ tại Việt Nam khoảng 4,4 tỷ thùng, trữ lượng khí thiên nhiên khoảng 23,8 tỷ m3. Khí thiên nhiên tích tụ đã được phát hiện ở miền Trung, miền Đông và Tây Nam Bộ.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao quá trình nghiên cứu về hiện tượng khí gas tại huyện Mỹ Tú của các nhà khoa học đến từ các viện, trường khu vực phía Nam; đề xuất trong thời gian tới, các nhà khoa học cần đánh giá sát hơn về trữ lượng nguồn khí, từ đó có đề xuất nghiên cứu sâu hơn về vấn đề khí nông tại tỉnh Sóc Trăng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục